Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên khi có vấn đề giao dịch thương mại. Vậy khi có căn cứ thì quyết định của trọng tài có bị hủy hay không? Cơ quan nào có thẩm quyền hủy bỏ quyết định đó?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là quyết định trọng tài thương mại:
- 2 2. Cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định trọng tài thương mại?
- 3 3. Căn cứ để hủy quyết định trọng tài:
- 4 4. Hồ sơ, thủ tục để thực hiện hủy quyết định trọng tài thương mại:
- 5 5. Quyền yêu cầu hủy quyết định trọng tài:
- 6 6. Mẫu đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài:
1. Thế nào là quyết định trọng tài thương mại:
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, quyết định trọng tài được hiểu là quyết định được ban hành bởi Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trong thương mại, khi các bên thực hiện giao dịch với nhau nếu như xảy ra tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài là nơi để giải quyết. Và điều kiện để thực hiện giải quyết trọng tài sẽ bao gồm:
– Do các bên tự thỏa thuận.
– Nếu như bên tham gia là tổ chức mà bị chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức thì thỏa thuận vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
– Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi: khi đó thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó.
2. Cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định trọng tài thương mại?
Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì Tòa án có quyền xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Đồng thời, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại (căn cứ tại điểm o Khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Những việc dân sự liên quan đến trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong đó bao gồm hủy phán quyết trọng tài (căn cứ tại Khoản 3 Điều 414 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Theo căn cứ tại điểm g Khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010, đối với việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài.
Như vậy, theo các căn cứ trên thì cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định của trọng tài thương mại là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
3. Căn cứ để hủy quyết định trọng tài:
– Khi có đơn yêu cầu của một bên thì Tòa án xem xét việc hủy quyết định trọng tài.
– Các trường hợp mà phán quyết trọng tài sẽ bị hủy, bao gồm:
+ Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
+ Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.
+ Vụ tranh chấp xảy ra không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
+ Nội dung sẽ bị hủy nếu như trong trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
+ Có chứng cứ được cung cấp bởi các bên nếu như Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo.
+ Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.
+ Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
4. Hồ sơ, thủ tục để thực hiện hủy quyết định trọng tài thương mại:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Các bên có quyền yêu cầu hủy quyết định trọng tài thương mại sẽ phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài.
Lưu ý đơn yêu cầu phải đảm bảo những nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn.
+ Thông tin của các bên yêu cầu bao gồm tên và địa chỉ.
+ Yêu cầu và căn cứ để thực hiện huỷ quyết định trọng tài.
– Quyết định trọng tài đã được chứng thực hợp lệ (bản chính hoặc bản sao).
– Thoả thuận trọng tài đã được chứng thực hợp lệ (bản chính hoặc bản sao).
Lưu ý: với giấy tờ kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực hợp lệ.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Tổ chức, cá nhân có yêu cầu sẽ nộp hồ sơ gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và xét đơn:
– Thực hiện thông báo: Toà án có thẩm quyền thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp và Viện kiểm sát cùng cấp sau khi thụ lý đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.
– Chánh án Toà án chỉ định một Hội đồng xét đơn trong thời hạn 07 ngày làm việc, tính từ ngày thụ lý đơn.
Thành phần tham gia bao gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
– Hội đồng xét đơn yêu cầu phải phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài trong thời hạn là 30 ngày, tính từ ngày được chỉ định.
Lưu ý: trước ngày mở phiên họp để tham dự phiên họp của Tòa án xét đơn yêu cầu, Tòa án sẽ phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 07 ngày làm việc.
Sau khi nghiên cứu xong, Viện kiểm sát phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xem xét đơn yêu cầu.
– Thành phần phiên họp phải có sự tham gia của những đối tượng sau:
+ Các bên tranh chấp.
+ Luật sư của các bên (nếu có).
+ Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 4: Giải quyết yêu cầu:
Về nguyên tắc, Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền ra quyết định huỷ hoặc không huỷ phán quyết trọng tài.
Hội đồng ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu trong trường hợp bên yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận.
Bước 5: Thực hiện gửi quyết định:
Tòa án gửi quyết định cho các bên, Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Lưu ý: Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
5. Quyền yêu cầu hủy quyết định trọng tài:
Theo quy định tại Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quyền yêu cầu hủy quyết định trọng tài quy định như sau:
– Nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra quyết định thuộc một trong những trường hợp quy định như đã nêu tại mục 3 thì trong thời gian là 30 ngày, tính từ ngày nhận được quyết định trọng tài, một trong các bên có quyền được làm đơn đến Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ quyết định trọng tài.
Cụ thể thẩm quyền được hủy thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
– Trường hợp nếu như có sự kiện bất khả kháng xảy ra thì trường hợp đó sẽ không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy quyết định trọng tài.
Sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ví dụ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,…
6. Mẫu đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
……., ngày…tháng…năm…
ĐƠN YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH TRỌNG TÀI
– Căn cứ Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
Kính gửi: – TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH …
Người yêu cầu: CÔNG TY ………
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:…
Nơi cấp: …Cấp ngày: ………/………./……
Ngành, nghề kinh doanh: ……
Địa chỉ của trụ sở chính: ……
Điện thoại: ……. Fax: ……
Email (nếu có): …… Website (nếu có): ……
Đại diện theo pháp luật: Ông/bà…… Chức danh:……
Công ty chúng tôi xin trình bày sự việc sau:………
(Trình bày về nguyên nhân, lý do dẫn tới việc làm đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài)
Ví dụ:
Ngày …/…/…, Trung tâm Trọng tài thương mại VIAC đã ra Phán quyết số 01 về vụ tranh chấp hợp đồng mua bán 100 tấn gạo số 18/HĐMB giữa công ty chúng tôi và Công ty TNHH A. Tuy nhiên, công ty chúng tôi nhận thấy, phán quyết này phải bị hủy bỏ do có một trong những căn cứ hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thì một trong những căn cứ hủy bỏ phán quyết Trọng tài là chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo. Công ty TNHH A đã cung cấp cho Hội đồng Trọng tài giấy biên nhận đã thanh toán 10% giá trị hợp đồng cho công ty chúng tôi, có chữ ký xác nhận của đại diện công ty tôi. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định chứng cứ này là giả mạo, công ty chúng tôi chưa hề nhận được khoản thanh toán này.
Căn cứ khoản 1, điểm b khoản 3 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, công ty … chúng tôi làm đơn này kính đề nghị quý Tòa xác minh thu thập chứng cứ để ra quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài nêu trên.
Chúng tôi xin cam đoan toàn bộ nội dung trên hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về những nội dung này.
Công ty chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm đơn
(ký và ghi rõ họ tên)
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015.