Những tiểu thương kinh doanh, buôn bán các mặt hàng hóa, sản phẩm thường thuê hoặc mua kiot ở chợ để kinh doanh. Vậy có nên mua kiot ở chợ không? Kinh nghiệm mua kiot chợ?
Mục lục bài viết
1. Có nên mua kiot ở chợ không?
1.1. Được hiểu như thế nào là kiot:
Kiot hay ki ốt không phải là từ Việt gốc mà được phiên âm ra từ tiếng Pháp “kiotsque”, có nghĩa là quầy hàng. Những quầy hàng này chỉ là những gian hàng có quy mô nhỏ, được thiết kế thành hình vuông, hình tròn hoặc là hình chữ nhật, thường được thuê hoặc mua bởi những tiểu thương. Với quy mô nhỏ gọn, cho nên kiot thường xuất hiện trong những khu chợ, trung tâm thương mại, sân bay hoặc những sự kiện mở bán bất động sản,… tạo nên những gian hàng kinh doanh buôn bán đa dạng hóa với nhiều dòng sản phẩm khác nhau, thu hút được sự quan tâm của nhiều người qua lại và nếu may mắn thì có thể bán được rất nhiều hàng nhờ vào sự đông vui và nhộn nhịp mà các kiot tạo ra.
Hiện nay, các loại kiot phổ biến bao gồm:
– Kiot trong các chợ: đây chính là một trong các hình thức kinh doanh kiot rất phổ biến và lâu đời nhất. Đây là một loại hình kinh doanh mọi người có thể bắt gặp trong các khu chợ lớn nhỏ, chợ đầu mối hay những dãy phố kinh doanh nhất định. Kiot chợ có nhiều các quầy bán được dựng gần sát nhau và kinh doanh rất nhiều mặt hàng theo mô hình cộng sinh. Kiot chợ chủ yếu là được ban quản lý chợ quản lý, bán những mặt hàng bình dân, hàng thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu của người dân.
– Kiot ở trung tâm thương mại: Kiot ở trung tâm thương mại được biết đến nhiều hơn khi những trung tâm thương mại lớn xuất hiện. Với kiot ở trung tâm thương mại thì không chỉ vệ sinh sạch sẽ mà nó còn thuộc quyền quản lý của trung tâm nên sẽ được an toàn hơn kiot chợ. Kiot ở trung tâm thương mại hầu như là các nhãn hàng có tên tuổi.
– Kiot dạng shophouse: Kiot dạng shophouse là những kiot bán hàng ở các tầng như trệt của các tòa nhà lớn. Kiot dạng shophouse có quy mô xây kiot bán hàng lớn và hiện đại. Diện tích các kiot ở dạng này khoảng 50m2 – 80m2 với giá thuê cao hơn so với những dạng khác. Kiot này đã được thiết kế rất đầy đủ và tiện nghi đảm bảo được về độ an toàn như một căn hộ. Shophouse là một hình thức kinh doanh chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng là những cư dân sống trong toà nhà hoặc những người ra vào ở các công ty, văn phòng cùng tòa nhà.
1.2. Người dân có nên mua kiot ở chợ không?
Việc có nên mua kiot ở chợ không sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau của người bán hàng:
– Nhu cầu của người bán hàng, tiêu chí của người kinh doanh đã đề ra;
– Mặt hàng hóa, dịch vụ mà người bán hàng kinh doanh;
– Đối tượng khách hàng mà người bán hàng hướng tới;
– Nguồn vốn;
– Lợi nhuận dự kiến,…
Ngoài ra, cũng tùy thuộc vào những mặt ưu điểm và khó khăn đối với kiot chợ mà người bán hàng quyết định có nên mua kiot chợ hay không. Cụ thể như:
– Những mặt ưu điểm của kiot chợ:
+ Mặt bằng đẹp, dễ kinh doanh: Thường thì những khu chợ đều có quy hoạch rõ ràng và mặt bằng đẹp, sẽ rất thuận lợi để kinh doanh, buôn bán. Mỗi một kiot chợ hầu như đều được xây dựng hướng ra đường lớn với mặt tiền rộng, thoáng mát, chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của đông đảo cư dân khi đi mua sắm.
+ Vị trí thuận lợi: Những khu chợ thường được xây dựng tại trung tâm thành phố, quận/huyện,…nơi có dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi. Do đó, buôn bán ở những kiot chợ thì sẽ rất thuận lợi cho việc làm ăn và thu hút được nhiều khách hàng. Đồng thời, ở vị trí này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá kinh doanh.
+ Tập trung dân cư đông đúc: những khu chợ thường là nơi thu hút đông đảo dân cư đến mỗi ngày. Kéo theo đó là nhu cầu mua sắm ở chợ thường rất cao.
+ Nhiều tiện nghi: Dự án kiot chợ nằm trong quy hoạch của các khu chợ nên thường sẽ được trang bị khá nhiều tiện nghi. Những kiot chợ cũng sẽ được đầu tư thiết kế về mặt công năng, mang tính thẩm mỹ cao, rất thích hợp cho việc kinh doanh.
+ Giá thuê kiot chợ rẻ: Một ưu điểm không thể phủ nhận của việc kinh doanh ở kiot chợ bên cạnh việc có mặt bằng đẹp, vị trí tốt, nhiều tiện lợi đó là mức giá để thuê hoặc mua sẽ rẻ so với những loại hình kiot khác.
Song song với những ưu điểm của kiot chợ đã nêu trên thì kiot chợ vẫn có những hạn chế sau:
– Người kinh doanh tại kiot chợ phải tuân thủ những quy định nội quy của ban quản lý chợ như thời gian hoạt động, các mặt hàng hóa kinh doanh khiến cho người kinh doanh không được tự do, thoải mái về thời gian mở và đóng cửa hàng, các mặt hàng hóa mà mình muốn buôn bán.
– Sẽ phát sinh thêm một số phí dịch vụ…
Thêm nữa, để đưa ra quyết định mua hay không mua kiot ở chợ thì người kinh doanh (tiểu thương) phải xác định rõ hoạt động làm ăn của mình tại kiot có lâu dài hay không, nếu xác định hoạt động lâu dài thì xem xét việc mua kiot còn nếu như hoạt động làm ăn tại kiot là mục tiêu ngắn hạn thì người kinh doanh nên lựa chọn hình thức thuê kiot sẽ tốt hơn là việc mua.
2. Kinh nghiệm mua kiot chợ:
Khi tiểu thương quyết định việc mua kiot chợ để phục vụ cho việc làm ăn, buôn bán của mình, người mua kiot chợ cần lưu ý những vấn đề sau:
2.1. Xác định Kiot chợ mình dự định mua có được bán hay không:
Kiot chợ có bán được hay không phụ thuộc vào loại đất mà chủ kiot được giao, cụ thể:
– Nếu được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê thì chủ kiot có thể chuyển nhượng (bán) lại đất theo quy định tại Điều 174 Luật Đất đai 2013.
– Nếu thuê đất trả tiền cho thuê đất hằng năm thì chủ kiot sẽ không được quyền chuyển nhượng (bán) lại đất mà sẽ chỉ có quyền bán tài sản gắn liền với đất thuê đó là kiot đã xây dựng.
2.2. Tìm hiểu kỹ các khu vực Kiot như vị trí, mặt bằng, diện tích, pháp lý:
Việc tìm hiểu những thông tin liên quan đến Kiot rất quan trọng, tránh được rủi ro không đáng có cho người mua. Trước khi xuống tiền mua kiot, người mua cần nghiên cứu xem vị trí, mặt bằng đó có thể đáp ứng được các tiêu chí mình đã đề ra hay không. Ví dụ, người mua kiot dự định buôn bán trong những lĩnh vực nào? Diện tích như vậy đã hợp lý hay chưa? Ki ốt dự định mua đang thuộc quyền quản lý của Ban quản lý nào? Và cuối cùng là khu vực có kiot phải tuyệt đối không được dính dáng đến các vấn đề pháp lý như lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hay sắp giải tỏa mặt bằng.
2.3. Xác định rõ đặc điểm của khách hàng mục tiêu:
Đối với những tiểu thương mới chưa có kinh nghiệm, việc đo lường lượng khách hàng thực tế là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi thuê kiot để kinh doanh lần đầu. Để chuẩn bị mua kiot ở chợ để kinh doanh hoặc buôn bán, người mua cần tiến hành khảo sát thực tế trước, không nên chỉ dựa vào hình ảnh trên mạng hoặc thông qua thông tin môi giới cung cấp mà không xác định được thực tế của kiot. Để xác định được, người mua kiot trước khi ký hợp đồng mua kiot ở chợ, nên:
– Đến điểm bán hàng vào khung giờ cao điểm để kiểm tra lượng khách hàng có đúng với mô tả của người chuyển nhượng kiot hay không? Ví dụ, nếu người mua kiot đang xem xét thuê một kiot để kinh doanh quần áo nữ thì giờ cao điểm vào buổi chiều tối từ 15h-22h là thời điểm người dân, học sinh, sinh viên sẽ đi mua sắm. Nếu vào thời điểm này mà nhìn tổng thể vẫn vắng khách thì người mua cần tìm hiểu nguyên nhân và cân nhắc kỹ hơn liệu có nên mua kiot đó hay không.
– Nên khảo sát lượng khách của cả tuyến phố, dãy cửa hàng, quán xá xung quanh. Nắm được tổng thể lượng khách hàng của những cửa hàng, quán xá cạnh đó cũng sẽ giúp cho người mua kiot ở chợ đánh giá được tiềm năng kinh doanh của mặt bằng, từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
2.4. Lựa chọn kiot đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra:
Để đảm bảo mua một kiot phù hợp, đáp ứng được những tiêu chí đã đề ra thì người mua nên đến trực tiếp, xem xét vị trí và cảnh quan xung quanh, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định mua kiot ở chợ. Ví dụ như, xem kiot ở chợ:
– Trang thiết bị nội thất còn tốt không?
– Chi phí có nằm trong khả năng chi trả không?
– Dẫn thêm nhiều người theo xem xét vì mỗi người sẽ có góc độ nhìn khác nhau.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013.