Hiện nay nhiều bậc phụ huynh mong muốn cho con em được học tập tại những ngôi trường có điều kiện tốt hơn, nằm ngoài khu vực thường trú. Vậy câu hỏi đặt ra: Có được xin nhập học cho con tại nơi không có hộ khẩu hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được xin nhập học cho con tại nơi không có hộ khẩu?
1.1. Quan niệm về quyền được học tập của trẻ em:
Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng công tác giáo dục và đào tạo, ngay từ đại hội đảng toàn quốc lần thứ VIII, Bộ giáo dục đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Quan điểm và đường lối của đảng về giáo dục và đào tạo luôn được thể hiện nhất quán từ trước đến nay tiếp tục phát triển lên một bước cao hơn. Đại hội đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo là một động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, là điều kiện thúc đẩy nguồn lực của con người. Gần đây nhất, thì đại hội đảng lần thứ XI càng được quan tâm và khẳng định rõ mục tiêu: phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Để mỗi trẻ em – chủ nhân tương lai của đất nước có điều kiện phát triển, hơn bao giờ hết nhà nước cần phải có chủ trương và pháp luật đúng đắn, tích cực tác động đến trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển về thể chất và tinh thần. Điều đó có nghĩa là trong hoạt động của mình, nhà nước phải luôn quan tâm đến trẻ em và tạo mọi điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện. Quan tâm đến trẻ em là quan tâm đến những điều kiện vật chất và tinh thần của trẻ em ở các vùng miền khác nhau và thuộc các đối tượng khác nhau trong cả nước để trẻ em có điều kiện phát triển trên các phương diện. Giáo dục là một lĩnh vực rất rộng lớn, bao quát từ những nội dung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân, nội dung và phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, nhiệm vụ và quyền của người học, quản lý nhà nước về giáo dục, trách nhiệm của nhà trường và xã hội …
Quyền học tập là quyền quan trọng bà là loại quyền trong lĩnh vực văn hóa liên quan đến tất cả các quyền khác về kinh tế và xã hội. Xét theo khía cạnh nào đó, thì đây cũng là quyền dân sự chính trị bởi quyền học tập được xem là trung tâm để thực thi một cách có hiệu quả tất cả các quyền nêu trên. Hiến pháp của nước Việt Nam đã khẳng định: trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Trẻ em – những công dân nhỏ tuổi của đất nước cần được hưởng đầy đủ quyền học tập và có nghĩa vụ học tập hết chương trình mà nhà nước quy định. Đồng thời theo quy định của pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện nay có ghi nhận: trẻ em có quyền học tập ngang nhau. Nhìn chung Quyền trẻ em trong lĩnh vực học tập ở Việt Nam thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó đảm bảo để mọi trẻ em Việt Nam trên mọi vùng miền khác nhau đều được đối xử bình đẳng về cơ hội học tập nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em có nhược điểm về thể chất và tinh thần.
Quyền học tập của trẻ em là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến quyền học tập, quyền bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục, quyền được vui chơi giải trí và phát triển năng khiếu của trẻ em Việt Nam, thể hiện chủ trương và chính sách cũng như sự quan tâm sâu sắc của nhà nước đến trẻ em, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà nhà nước và xã hội có thể làm được.
1.2. Có được xin nhập học cho con tại nơi không có hộ khẩu không?
Có thể nói, vào thời điểm nhập học, rất nhiều người dân quan tâm đến vấn đề tuyển sinh của các trường học cũng như điều kiện nhập học cho các con. Đặc biệt là trong giai đoạn cuối cùng của quá trình tuyển sinh để bước vào năm học mới, sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú là một trong những thủ tục cần phải hoàn chỉnh trong hồ sơ nhập học của các bậc phụ huynh. Vì thế nhiều bậc phụ huynh lo lắng nếu như họ không có sổ hộ khẩu tại một địa phương nhất định thì sẽ phải bổ sung giấy tờ gì để chứng minh nơi cư trú khi tiến hành nhập học cho con em, hoặc là không có sổ khẩu thì có được phép nhập học cho con em tại địa bàn đó hay không? Đây là một trong những thắc mắc phổ biến.
Để trả lời câu hỏi này, thì chúng ta cần phải dựa trên nhiều cơ sở pháp lý khác nhau. Căn cứ Điều 42 của thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường tiểu học, có quy định về quyền của học sinh như sau: Học sinh hoàn toàn có quyền đi học tại một trường lớp hoặc một cơ sở giáo dục được thành lập theo đúng quy định của pháp luật tại nơi cư trú, mà tại đó giảng dạy những chương trình giáo dục nâng cao trí thức của trẻ nhỏ. Đồng thời học sinh có quyền được lựa chọn trường học ngoài nơi cư trú nếu trường hợp đó có khả năng tiếp nhận. Như vậy thì pháp luật Việt Nam hiện nay ghi nhận rằng học sinh có quyền được tham gia các chương trình đào tạo tại một trường học ở nơi mà họ cư trú.
Vậy câu hỏi đặt ra nơi cư trú của cá nhân bao gồm những gì? Căn cứ theo Điều 40 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành có ghi nhận: nơi cư trú của cá nhân là khái niệm để chỉ nơi mà người đó thường xuyên sinh sống. Cụ thể hơn, theo Điều 11 Luật Cư trú 2020: Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Như vậy, nơi cư trú của công dân có thể là nơi đăng ký thường trú (là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú) hoặc nơi đăng ký tạm trú (tức là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú) của công dân đó.
Vì thế đối với câu hỏi: có được xin nhập học cho con tại tại không có hộ khẩu (tức là nơi thường trú) hay không? Thì câu trả lời là hoàn toàn có thể. Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể đăng ký tuyển sinh cho con em mình vào các trường trong địa bàn nơi mà họ đang có giấy tạm trú. Điều này mở rộng ra nhiều cơ hội lựa chọn cho các bậc phụ huynh dựa trên điều kiện kinh tế và khả năng của gia đình nhằm mục đích đáp ứng cho con em mình môi trường học tập tốt nhất. Mọi thông tin trong quá trình làm thủ tục nhập học liên quan đến sổ hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích ưu tiên những học sinh có hộ khẩu đăng ký thường trú tại nơi tiến hành đăng ký nhập học. Hơn nữa hiện nay cũng không có bất kì quy định nào của nhà nước xác định về việc không có hộ khẩu thường trú thì không được nhập học tại trường khác địa phương mình đang cư trú. Do vậy, bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhập học cho con em tại nơi mà gia đình không có hộ khẩu nếu ngôi trường đó có thể tiếp nhận được học sinh, còn suất theo chỉ tiêu mà nhà trường đã đăng ký với bộ giáo dục và đào tạo về việc tuyển sinh.
2. Đăng ký tạm trú bao lâu thì được xin nhập học cho con?
Có thể nói, pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về giáo dục ở nước ta nói riêng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trong lĩnh vực giáo dục cũng không có những quy định cụ thể, bắt buộc các bậc phụ huynh và học sinh phải tiến hành nhập học tại nơi thường trú. Vì thế như phân tích ở trên thì hoàn toàn các bậc phụ huynh có thể xin nhập học cho con em tại nơi mà họ có giấy tạm trú. Hay nói cách khác thì học sinh hoàn toàn có quyền xin nhập học tại cơ sở giáo dục nơi mà họ đang cư (bao gồm cả thường trú và tạm trú) thậm chí là cả các cơ sở giáo dục ngoài nơi cư trú nếu Như cơ sở giáo dục đó còn chỉ tiêu và có khả năng tiếp nhận.
Đồng thời thì trên thực tế, cũng đã có rất nhiều trường hợp học sinh được nhập học tại nơi mà họ tạm trú, vì thế hiện nay có nhiều bậc phụ huynh thắc mắc rằng: Đăng ký tạm trú sau bao lâu thì sẽ được nhập học cho con? Tuy nhiên pháp luật cũng đang bỏ ngỏ vấn đề này. Hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và quan điểm của gia đình khi thời hạn tạm trú vẫn đang có hiệu lực. Việc tiếp nhận học sinh tham gia học tập tại nơi tạm trú phụ thuộc hoàn toàn vào quy chế tuyển sinh của từng trường hợp khác nhau, tuy nhiên thông thường thì các trường học sẽ không có quy định về thời gian tạm trú để được nhập học cho các học sinh, tức là chỉ cần học sinh đó có đăng ký tạm trú tại địa phương đó là được chấp nhận. Thủ tục đăng ký tạm trú hiện nay được thực hiện vô cùng đơn giản, tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là công an xã và chỉ tiến hành trong khoảng thời gian luật định là 03 ngày được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của chủ thể xin giấy tạm trú. và nếu như nhà trường không có yêu cầu về thời hạn tạm trú thì sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký tạm trú là các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể tiến hành thủ tục nhập học ngay cho con tại môi trường mà gia đình mong muốn.
3. Thủ tục đăng ký tạm trú để xin nhập học cho con:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật để đăng ký tạm trú. Bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
– Giấy tờ tùy thân của người xin đăng ký tạm trú;
– Giấy tờ và các tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ mua bán bất động sản …
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua 02 hình thức sau:
– Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú thuộc Công an cấp xã nơi mình dự kiến tạm trú;
– Đăng ký online qua cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của trẻ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời, thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú. Đối với trường hợp từ chối đăng ký tạm trú thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú năm 2020;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Trẻ em năm 2018;
– Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học.