Việc lấn, chiếm đất đai hiện xảy ra trên thực tế rất nhiều vì nhiều lý do từ cố ý đến vô ý của người dân. Vậy khi bị lấn, chiếm đất đai, người bị lấn chiếm có được tự ý tháo dỡ phần lấn chiếm của hàng xóm không? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Thế nào là lấn chiếm đất đai?
Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi lấn, chiếm đất đai được hiểu như sau:
– Lấn đất hiểu là người sử dụng đất đã tự ý chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới đất nhằm mục đích để mở rộng diện tích đất sử dụng khi không bất cứ sự thỏa thuận, đồng ý nào từ phía chủ sử dụng đất còn lại và cơ quan nhà nước.
– Chiếm đất là việc sử dụng đất nằm trong một số trường hợp bao gồm:
+ Sử dụng đất một cách tự ý không có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.
+ Tự ý sử dụng đất của cá nhân, tổ chức khác mà chưa có sự đồng ý, thỏa thuận của cá nhân, tổ chức đó.
+ Chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định mà đã sử dụng đất đó trên thực địa.
Hành vi lấn chiếm đất là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính tùy theo diện tích đất lấn, chiếm. Thực tế, việc lấn, chiếm đất đai đã và đang tồn tại trên rất nhiều.
2. Có được tự ý tháo dỡ phần lấn chiếm của hàng xóm không?
Như trên đã phân tích, nếu như hàng xóm có hành vi lấn, chiếm đất đai thì đó là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, đối với phần đất bị gia đình hàng xóm lấn, chiếm lên thì mình có được tháo dỡ không là một vấn đề đáng được quan tâm. Câu trả lời là không. Bởi đó là hành vi phá hoại tài sản của người khác, đây là một hành vi vi phạm. Khi có tranh chấp kiện tụng nhau ra pháp luật, hành vi phá hoại tài sản kia ở mức độ nhẹ thì có thể bị xử phạt hành chính, nếu mức độ thiệt hại về tài sản nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ:
Gia đình ông A và gia đình ông B ở cạnh nhau. Đất đai của hai nhà đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông A đã xây nhà, nhà ông B đất vẫn còn trống. Vào tháng 4/2023, ông A có cải tạo lại nhà và xây lấn sang nhà ông B khoảng 10 mét vuông phần công trình phụ.
Đến tháng 6/2023, gia đình ông B đo đạc lại đất để bán thì phát hiện ra việc bị gia đình ông A lấn sang phần đất. Sau nhiều lần nói chuyện nhưng gia đình ông A vẫn một mực không giải quyết thiện chí, chậm chí thách thức ông B.
Ví quá bức xúc, ông B đã thuê máy ủi về ủi phần công trình phụ của nhà ông A trong phần đất lấn, dẫn đến cả công trình của ông A bị đổ vỡ.
Khi đó, hành vi của ông A lấn đất là sai. Tuy nhiên hành vi của ông B cho máy ủi ủi phần công trình của ông A cũng là hành vi hủy hoại tài sản của ông B, và đó là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Cách xử lý khi bị hàng xóm lấn chiếm đất đai:
Việc tự ý phá hủy, tháo dỡ phần lấn chiếm của nhà hàng xóm trên phần đất là hành vi trái luật. Do đó, người dân cần tỉnh táo lưu ý để có những biện pháp xử lý khôn khéo, tránh vi phạm pháp luật, cụ thể có hướng xử lý như sau:
Thứ nhất, thương lượng hòa giải:
Khi xảy ra bất kể vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn nào, bao giờ cũng ưu tiên sự hòa giải giữa các bên. Căn cứ khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Bởi đây là biện pháp tối ưu nhất về thời gian, tiền bạc, sức lực của các bên, đồng thời cũng giữ được “tình làng nghĩa xóm”.
Thứ hai, đưa ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết:
Việc tranh chấp đòi lại phần đất bị lấn, chiếm cũng thuộc quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất. Khi hai bên không thể thương lượng, hòa giải, gia đình có đất bị lấn, chiếm có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, cụ thể là làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải.
Quy trình hòa giải áp dụng như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương.
– Thời gian hòa giải tranh chấp lấn, chiếm đất thực hiện không được quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
– Kết thúc buổi hòa giải phải lập thành biên bản có đầy đủ các chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Sau khi tiến hành hòa giải sẽ có hai hướng xảy ra:
– Trường hợp hòa giải thành: sẽ thực hiện theo kết quả hòa giải. Nếu như hộ gia đình bị lấn, chiếm đất lấy lại được đất bị lấn chiếm và có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để sửa lại ranh giới.
– Trường hợp không hòa giải thành:
+ Đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100
+ Đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100
- Làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân cấp có thẩm quyền.
- Làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân giải quyết.
4. Mức xử phạt đối với hành vi tự ý tháo dỡ phần lấn chiếm của hàng xóm:
Hành vi tự ý tháo dỡ công trình hay các tài sản khác của hàng xóm trên phần đất bị lấn, chiếm được coi là hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Hành vi này tùy theo mức độ thiệt hại mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
* Xử phạt vi phạm hành chính:
– Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức: mức xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Ngoài hình thức xử phạt tiền nêu trên, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
(căn cứ tại điểm a khoản 2, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung theo khoản 36 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Tài sản là di vật, cổ vật.
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Thực hiện hành vi có tổ chức.
+ Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
+ Tài sản là bảo vật quốc gia.
+ Để che giấu tội phạm khác.
+ Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.
+ Vì lý do công vụ của người bị hại.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: khi thực hiện hành vi gây thiệt hại tài sản cho người khác từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm: Khi thực hiện hành vi gây thiệt hại tài sản cho người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật đất đai 2013;
– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
–
– Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.