Máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn là các loại phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ được trang bị cho cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra và kiểm soát, để xác định mức độ vi phạm của người tham gia giao thông và ra quyết định xử phạt. Vậy người dân có được kiểm tra máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được kiểm tra máy bắn tốc độ, đo nồng độ cồn không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, cảnh sát giao thông sử dụng máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn với mục đích xác định mức độ vi phạm của người tham gia giao thông đường bộ, từ đó ra quyết định xử phạt sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Nhiều người hiện nay đặt ra câu hỏi, có được phép kiểm tra máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông hay không. Trên thực tế thì có thể nói, hiện nay có nhiều loại máy đo nồng độ cồn và máy bắn tốc độ được trang bị cho các cảnh sát giao thông. Máy đo nồng độ cồn cảnh sát giao thông sử dụng có 02 loại đó là máy đo định tính và máy đo định lượng. Trong các vụ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và vi phạm tốc độ, người dân thông thường sẽ yêu cầu được kiểm tra máy móc trang thiết bị của cảnh sát giao thông, thông thường cảnh sát giao thông đều sẽ giải thích rằng các trang thiết bị đó được cấp theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công an, vì vậy người dân chỉ có thể xem tuy nhiên không được kiểm tra các loại máy móc trang thiết bị được trang bị cho cảnh sát giao thông. Nhìn chung, máy móc và trang thiết bị phương tiện nghiệp vụ cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông, trong đó có máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn sẽ được thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công an. Hiện nay không có quy định về vấn đề kiểm tra nguồn gốc và xuất xứ của các loại máy móc này. Quá trình kiểm tra nguồn gốc và xuất xứ của các loại máy móc này sẽ thuộc phạm vi chức năng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 135/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về vấn đề sử dụng phương tiện và trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát giao thông. Theo đó, việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cần phải tuân thủ theo quy định tại Điều 64 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công, đồng thời cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
– Đối với các phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ phải kiên định, thử nghiệm, so sánh, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng trên thực tế bắt buộc phải tiến hành hoạt động kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn và so sánh theo đúng quy định của pháp luật;
– Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là chủ thể có thẩm quyền ban hành Danh mục phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ bắt buộc phải thực hiện thủ tục kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn, so sánh trước khi đưa các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đó vào sử dụng;
– Phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được bố trí cố định hoặc các loại phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ được bố trí lưu động trên tuyến, địa bàn nhằm mục đích phát hiện ra các hành vi vi phạm hành chính.
Theo đó thì có thể nói, máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn đều là các loại phương tiện kĩ thuật nghiệp vụ, được bố trí cho cảnh sát giao thông để các lực lượng này phát hiện ra hành vi vi phạm về tốc độ và vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 135/2021/NĐ-CP, như phân tích nêu trên thì các loại máy móc thiết bị này phải được kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn, so sánh theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng trên thực tế. Đồng thời, chỉ được sử dụng các loại máy móc trang thiết bị này khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn đã được cơ quan chức năng kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn và cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư 23/2013/TT-BKHCN (sửa đổi tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ). Vì vậy, người vi phạm giao thông sẽ không được quyền yêu cầu kiểm tra các loại máy móc trang thiết bị này của cảnh sát giao thông trong quá trình thi hành công vụ. Chỉ có cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có quyền yêu cầu kiểm tra các loại máy móc trang thiết bị đó của cảnh sát giao thông. Người dân chỉ có quyền giám sát quá trình kiểm tra nồng độ cồn và bắn tốc độ, giám sát quá trình tuân thủ pháp luật của cảnh sát giao thông, không được thực hiện các hành vi cản trở quá trình thi hành công vụ và kiểm soát giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật hiện nay, người dân chỉ có quyền giám sát sự tuân thủ pháp luật của cảnh sát giao thông, không được quyền kiểm tra máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông.
Việc đòi hỏi xem xét và kiểm tra máy bắn tốc độ hoặc máy đo nồng độ cồn và các trang thiết bị nghiệp vụ khác của cảnh sát giao thông sẽ cản trở lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Khi người dân có thắc mắc và nghi ngờ về máy bắn tốc độ hoặc máy đo nồng độ cồn cũng như quá trình xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, người dân có thể sử dụng biện pháp ghi âm ghi hình quá trình kiểm tra đó, gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cần phải đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
2. Những dụng cụ được trang bị cho CSGT khi đi tuần tra, kiểm soát?
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về trang bị và điều kiện đảm bảo của lực lượng cảnh sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự và an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:
Lực lượng cảnh sát khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trật tự và an toàn giao thông đường bộ sẽ được trang bị các thiết bị sau:
+ Còi;
+ Loa;
+ Gậy chỉ huy giao thông;
+ Phương tiện và kĩ thuật nghiệp vụ (bao gồm cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, các trang thiết bị ghi âm và ghi hình, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở, máy đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ …);
+ Vũ khí và công cụ hỗ trợ khác;
+ Các biểu mẫu sử lý vi phạm hành chính.
Như vậy có thể nói, dụng cụ được trang bị cho cảnh sát giao thông trong quá trình đi tuần tra và kiểm soát sẽ bao gồm các dụng cụ và trang bị nêu trên.
3. Quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra và kiểm soát. Theo đó, cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
– Được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định Luật giao thông đường bộ năm 2019, Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Kiểm soát người, kiểm soát phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ của phương tiện giao thông trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật, kiểm soát việc thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ;
– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, được phép áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, an ninh trật tự xã hội, và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
– Được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp và hỗ trợ giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, hoặc nhằm mục đích ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đã hoặc có thể xảy ra trên thực tế, các cán bộ cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra sẽ được quyền huy động phương tiện giao thông, các phương tiện thông tin liên lạc, huy động các phương tiện khác của các cơ quan và cá nhân trong xã hội, người đang điều khiển phương tiện, người đang sử dụng phương tiện đó theo quy định của pháp luật về công an nhân dân. Việc huy động này sẽ được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản;
– Được trang bị các loại phương tiện giao thông, được sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện và kĩ thuật nghiệp vụ phục vụ cho quá trình công tác, trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ, trang bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện kĩ thuật khác theo quy định của pháp luật về xử lý hành chính, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và phù hợp với các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công an;
– Được quyền tạm thời đình chỉ hoạt động đi lại ở một số đoạn đường nhất định, có thẩm quyền phân luồng, phân loại tuyến đường đi, nơi tạm dừng đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông xảy ra, khi xảy ra các hiện tượng tai nạn giao thông và khi có yêu cầu cần thiết khác nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội;
– Thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, lực lượng cảnh sát giao thông có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông;
– Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định danh mục, quản lý phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện VPHC;
– Thông tư 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;
– Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
THAM KHẢO THÊM: