Về nguyên tắc, khi có dấu hiệu của bất kỳ tội phạm nào thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự đều phải ra quyết định khởi tố. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho bị hại, nhà nước đã đặt ra chế định khỏi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Vậy có được khởi tố vụ án hiếp dâm nếu bị hại không yêu cầu hay không?
Mục lục bài viết
1. Có được khởi tố vụ án hiếp dâm nếu bị hại không yêu cầu?
Tội hiếp dâm được xem là loại tội phạm xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của con người. Người bị hiếp dâm có thể sẽ phải chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực về cả tâm lý lẫn sức khỏe. Thực tiễn xét xử loại tội phạm hiếp dâm cho thấy, tội phạm hiếp dâm có những biểu hiện rất đa dạng với nhiều thủ đoạn, phương pháp và phương tiện phạm tội khác nhau. Vì vậy, vấn đề khởi tố trong vụ án hiếp dâm đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Để xem xét về vấn đề khởi tố vụ án hiếp dâm trong trường hợp bị hại không có yêu cầu, cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Căn cứ theo quy định tại 155 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về hoạt động khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Cụ thể như sau:
– Sẽ chỉ được phép khởi tố vụ án hình sự đối với các tội danh quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 134, Điều 135, Điều 136, Điều 138, Điều 139, Điều 141, Điều 155, Điều 156 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc khi có yêu cầu của người đại diện của bị hại khi bị hại được xác định là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc nhược điểm về thể chất hoặc bị hại đã chết do quá trình thực hiện tội phạm của các tội danh nêu trên;
– Trong trường hợp người đã rút yêu cầu khởi tố thực hiện hoạt động rút yêu cầu thì vụ án sẽ phải được đình chỉ, ngoại trừ trường hợp có đầy đủ căn cứ xác định rằng người đã rút yêu cầu thực hiện hoạt động rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn và nguyện vọng của họ do người rút yêu cầu bị ép buộc, cưỡng bức dưới bất kỳ hình thức nào, trong trường hợp đó thì mặc dù người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, tuy nhiên các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án vẫn sẽ tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự đó;
– Bị hại và những người được xác định là người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì sẽ không có quyền yêu cầu lại, ngoại trừ trường hợp rút yêu cầu khởi tố do bị ép buộc hoặc cưỡng bức trái với ý muốn và nguyện vọng của mình.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hiện nay có quy định 09 tội danh (khoản 1) mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ được phép thực hiện hoạt động khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại hoặc khi có yêu cầu của người đại diện của bị hại. Những tội danh này có thể kể đến bao gồm:
– Tội cố ý gây thương tích căn cứ theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh căn cứ theo quy định tại điều 135 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng căn cứ theo quy định tại điều 136 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội vô ý gây thương tích căn cứ theo quy định tại điều 138 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp căn cứ theo quy định tại điều 139 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội hiếp dâm căn cứ theo quy định tại điều 141 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội cưỡng dâm căn cứ theo quy định tại điều 143 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Tội làm nhục người khác căn cứ theo quy định tại điều 155 của Bộ luật hình sự năm 2015;
– Và cuối cùng là tội vu khống căn cứ theo quy định tại điều 156 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó thì có thể nói, tội hiếp dâm được quy định cụ thể tại Điều 141 của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, đối chiếu với các điều luật phân tích nêu trên, người nào phạm tội hiếp dâm thuộc khoản 1 Điều 141 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì sẽ chỉ bị khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
Cụ thể hơn, tội hiếp dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là khung hình phạt cơ bản trong cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm. Mức phạt từ được quy định là từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp chỉ có 01 người thành niên bị hiếp dâm. Tuy là tội phạm nghiêm trọng – tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn nhưng vụ án hiếp dâm thuộc khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ có thể bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại là người có đặc điểm về tâm thần hoặc thể chất. Điều này cho thấy nhà nước rất quan tâm đến tâm lý của những người bị hại. Những người bị hiếp dâm thường có tâm lý e ngại, không muốn nhiều người biết được việc đã xảy ra với mình nên pháp luật đã trao cho họ quyền tự quyết định có nên đưa vụ việc ra ngoài ánh sáng hay không. Sau khi khởi tố vụ án, nêu người đã yêu cầu khởi tố rút đơn yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ là người đã yêu cầu rút đơn khởi tố trái ý muốn của họ. Một khi đã rút đơn, người bị hai hoặc người đại diện của bị hại không có quyền yêu cầu lai, trừ trường hợp rút đơn yêu cầu do ép buộc, cưỡng bức.
Trong trường hợp bị hại không yêu cầu thì sẽ không được khởi tố đối với vụ án hiếp dâm đó.
2. Khởi tố vụ án hiếp dâm theo yêu cầu của bị hại có ý nghĩa như thế nào?
Khởi tố vụ án hình sự hiếp dâm theo yêu cầu của bị hại là cơ sở pháp lý cho bị hại bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời tạo ra thêm căn cứ pháp lý cho sự áp dụng linh hoạt các biện pháp trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự, thay vì áp dụng biện pháp duy nhất là khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Bởi vì, trong vấn đề khởi tố vụ án hiếp dâm, việc khởi tố vụ án hình sự mang lại thêm những thiệt hại cho bị hại như mất thời gian, tốn kém, thậm chí ảnh hưởng đến danh dự, uy tín … khi yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Do đó, pháp luật quy định cho phép bị hại có quyền khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Như vậy, các nhà làm luật đã xác lập một khả năng, điều kiện cho người phạm tội có cơ hội thuận lợi để khắc phục hậu quả về mặt vật chất tinh thần, danh dự đối với bị hại.
Quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại đảm bảo tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích của cá nhân trong vụ án hiếp dâm. Không mâu thuẫn với nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại vừa đạt mục tiêu ổn định xã hội, vừa bảo vệ và thỏa mãn lợi ích của bị hại. Đây là sự kết hợp giữa lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích của bị hại.
3. Tội hiếp dâm bao gồm những hành vi khách quan như thế nào?
Theo quy định tại Điều 141 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì mặt khách quan của tội hiếp dâm sẽ bao gồm các dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất, người phạm tội có một trong các hành vi khách quan sau: Hành vi dùng vũ lực, hành vi đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, hoặc các thủ đoạn khác.
Thứ hai, hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác được thực hiện trái với ý muốn của nạn nhân.
Bản chất của tội hiếp dâm chính là hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Để hiểu rõ hơn về bản chất của tội hiếp dâm, có thể làm rõ từng hành vi cụ thể như sau:
– Hành vi dùng vũ lực. Hành vi dùng vũ lực trong hiếp dâm là những hành vi sử dụng sức mạnh thể chất chống lại sự kháng cự của nạn nhân, nhầm mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực thông thường sẽ được thể hiện bằng việc như: vật ngã, bịt miệng, bóp cổ, đấm, đá, xé quần áo nạn nhân …;
– Hành vi đe dọa dùng vũ lực. Đe dọa dùng vũ lực là việc sử dụng cử chỉ, lời nói, động tác nhưng chưa tác động trực tiếp vào nạn nhân, để nạn nhân hiểu rằng nếu không cho người phạm tội giao cấu thì có thể sẽ bị sử dụng vũ lực ngay lập tức. Đe dọa dùng vũ lực là hành vi có tính chất làm tê liệt ý chí của nạn nhân, bắt buộc họ phải chịu sự giao cấu mà không dám kháng cự vì bị đe dọa giết hoặc gây thương tích;
– Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân. Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng nạn nhân đang lâm vào một trong những hoàn cảnh nhất định để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tức là nạn nhân đã gặp phải tình trạng đó do những lý do khác, sau đó người phạm tội đã lợi dụng cơ hội đó để tiến hành hành vi vi phạm của mình. Một số hoàn cảnh cụ thể như: Người bị hại không thể chống cự được do họ bị tai nạn, bị khuyết tật, người bị hại bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do họ bị say rượu, uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, sử dụng ma túy, sử dụng các loại thuốc kích thích, bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác …;
– Hành vi dùng thủ đoạn khác. Thủ đoạn khác bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân, cho nạn nhân uống thuốc ngủ phải cho nạn nhân uống thuốc gây mê hoặc sử dụng các chất kích thích mạnh khác để làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác như hứa hẹn cho điểm cao, cho đi học, cho đi biểu diễn ở nước ngoài, lợi dụng sự mê tín dị đoan … từ đó giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
THAM KHẢO THÊM: