Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất là 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau ở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Vậy có được chuyển nhượng vốn góp trong Hợp tác xã không?
Mục lục bài viết
1. Có được chuyển nhượng vốn góp trong Hợp tác xã không?
Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012 có quy định Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất là 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau ở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm để đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã được quy định tại Điều 7 Luật Hợp tác xã 2012 bao gồm:
– Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thực hiện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi các thành viên, các hợp tác xã thành viên.
– Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vào vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và những hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về những hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của chính mình trước pháp luật.
– Thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có trách nhiệm thực hiện cam kết theo như hợp đồng dịch vụ và theo những quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc là theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho những thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, những người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau với mục đích nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Qua các nguyên tắc trên, có thể thấy bản chất của HTX là loại hình kinh tế tập thể, phải dựa vào số đông, phải lấy sức mạnh của tập thể để chống lại sức ép của thị trường, điều hành, quản trị HTX sẽ phải tuân theo nguyên tắc đối nhân, không theo nguyên tắc đối vốn. Đã là HTX thì buộc phải có mua chung, bán chung thì mới có chi phí đầu vào thấp và có doanh thu từ đầu ra cao, từ đó mang lại lợi ích từ đầu vào, đầu ra cho các thành viên của HTX.
Thêm nữa, tại Điều 14 Luật Hợp tác xã 2012 quy định Quyền của thành viên, hợp tác xã thành viên, Điều này có quy định Quyền của thành viên, hợp tác xã thành viên bao gồm:
– Được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, các dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.
– Được phân phối thu nhập theo các quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.
– Được hưởng những phúc lợi của hợp tác xã, của liên hiệp hợp tác xã.
– Được tham dự hoặc được bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên.
– Được biểu quyết các nội dung mà thuộc quyền của đại hội thành viên theo quy định tại Điều 32 của Luật Hợp tác xã.
– Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc là kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc là kiểm soát viên giải trình về những hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; yêu cầu về hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo các quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.
– Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao về trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Ra khỏi hợp tác xã, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã theo các quy định của điều lệ.
– Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã theo các quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.
– Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã, của liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo đúng các quy định của pháp luật.
– Các quyền khác theo đúng quy định của điều lệ.
Có thể thấy, Quyền của thành viên, hợp tác xã thành viên không hề có về vấn đề chuyển nhượng vốn góp. Ngoài ra, qua tất cả các điều luật của Luật Hợp tác xã 2012 cũng không có bất kỳ một quy định nào quy định về các thành viên trong hợp tác xã được quyền chuyển nhượng vốn góp. Như vậy, có thể khẳng định được rằng, hiện nay các thành viên trong hợp tác xã không được chuyển nhượng vốn góp. Việc các thành viên trong hợp tác xã không được chuyển nhượng vốn góp nhằm mục đích để bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân chứ không phải đối vốn như doanh nghiệp; tránh các hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như là loại hình công ty cổ phần, công ty TNHH, hoặc doanh nghiệp hóa HTX; tránh được sự thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với những hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, đặc biệt là đối với HTX, liên hiệp HTX mà đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
2. Đặc điểm của hợp tác xã:
2.1. Về góc độ kinh tế:
HTX là một tổ chức kinh tế cơ bản và quan trọng nhất của kinh tế tập thể. Đặc trưng của HTX chính là hình thức sở hữu tập thể và dựa trên sở hữu của những thành viên HTX, từ đó phát sinh quan hệ tổ chức quản lý và quan hệ phân phối tương ứng. HTX cũng là một hình thức của quan hệ kinh tế hợp tác tự nguyện, phối hợp hỗ trợ, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa những chủ thể kinh tế, kết hợp sức mạnh của tập thể để giải quyết tốt hơn các vấn đề của sản xuất kinh doanh cũng như đời sống kinh tế và mục tiêu xa hơn đó là nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi ích của mỗi một thành viên. Việc xác định HTX là một tổ chức kinh tế tạo ra điều kiện cho HTX bình đẳng trước pháp luật với những loại hình doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi vật chất chính đáng của các thành viên HTX.
2.2. Về góc độ xã hội:
HTX mang tính chất xã hội sâu sắc. Tính xã hội của HTX được thể hiện trong toàn bộ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX đã nêu ở mục trên. Với việc tạo điều kiện cho những người lao động, những người sản xuất nhỏ chẳng những có thể trụ vững ở trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh mà còn có thể đẩy mạnh sự phát triển, xóa bớt gánh nặng về thất nghiệp… cho xã hội.
2.3. Về góc độ pháp lý:
HTX là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân. HTX là tổ chức kinh tế phải được thành lập theo thủ tục pháp lý nhất định, có đăng ký hoạt động ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có những tài sản tách biệt với tài sản của các thành viên, có thẩm quyền nhân danh tham gia các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên thì có một số đặc trưng khác so với loại hình doanh nghiệp khác, cụ thể như sau: loại hình HTX được quyết định không phải số vốn góp mà là chính yếu tố thành viên HTX, nhằm để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, không thuần túy để thu các lợi nhuận trên số vốn góp. Mọi quyết định cuối cùng và cao nhất của HTX đó chính là quyết định của tập thể đa số thành viên theo tính đối nhân, mỗi người một phiếu biểu quyết, bất kể là góp vốn nhiều hay ít.
2.4. Về góc độ quản lý:
HTX hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Những thành viên của HTX cùng kinh doanh, cùng làm những dịch vụ và phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Những thành viên trong HTX được nhà nước đảm bảo về quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, nhưng pháp luật cũng yêu cầu họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm về những hoạt động của mình. Nguyên tắc bầu cử và biểu quyết hoàn toàn được thực hiện bình đẳng, mỗi thành viên một phiếu bầu, không phân biệt vốn góp ít hay nhiều.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hợp tác xã 2012.