Có cử chỉ, lời nói chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác xử phạt thế nào? Chửi người khác bị xử phạt như thế nào?
Có cử chỉ, lời nói chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác xử phạt thế nào? Chửi người khác bị xử phạt như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Trường hợp của chị tôi như sau, mong nhận được sự tư vấn của luật sư: Chị tôi bị một người đàn bà hàng xóm nghi ngờ dan díu với chồng bà ta, nhưng đó là sự nghi ngờ vô căn cứ của bà ta vì bà ta không có chứng cứ gì cả.khoảng tháng 8/2016 bà ta có gọi chị tôi lên nhà ba ta để có công việc nhưng sau đó mẹ con của bà ta đã hành hung chị tôi.Chị tôi có trình bày vụ việc với chính quyền địa phương nhưng cơ quan chức năng chỉ giải quyết sơ sài vụ việc.Không dừng lại ở đó hằng ngày bà ta chưởi bới khắp nơi nhằm xỉ nhục danh dự của chị tôi, ngay cả một đứa bé đi học ngang đường bà ta cũng kêu lại để chưởi cho bé nghe.Chị tôi cũng trình bày với chính quyền nhưng chính quyền trả lời không có chứng cớ và bà ta không kêu tên chị tôi để chưởi nên không xử phạt được. Mọi người xung quanh họ nghe bà ta chưởi chị tôi nhưng họ không dám làm nhân chứng.Gần đây, ngày 1/9/2016 bà ta đến gần nhà tôi và bắt đầu chưởi những lời tục tỉu nhưng bà ta cũng không gọi tên trực tiếp chị tôi, và ngày 2/9/2016, 3/9/2016/, 4/92016 cứ mỗi sáng và chiều là bà ta đứng đó để la chưởi làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chị tôi và những người xung quanh. Những người trong xóm có ghi âm lại được những lời chưởi của bà ta nhưng họ không dám đứng ra để làm nhân chứng,.Chị tôi có đem đoạn ghi âm đó để trình bày với cơ quan chức năng nhưng họ nói không thể xử phạt được. Vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp của chị tôi phải làm như thế nào khi bị quấy rối như hiện nay và làm ảnh hưởng đến trật tự của xóm ? Xin chân thành cảm ơn luật sư ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
2. Giải quyết vấn đề:
Trong trường hợp này bạn cần thu thập những chứng cứ chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật của người hàng xóm và sau đó có thể tố cáo tới cơ quan công an xã. Nếu không giải quyết thì bạn có thể tố cáo lên cơ quan công an cấp quận, huyện để xử lý.
Bạn không nói rõ người đó có hành vi chửi mang tính chất xúc phạm danh dự, vu khống người khác hay là chỉ mang tính chất gây ồn ào, mất trật tự công cộng.
– Trong trường hợp có hành vi xúc phạm, danh dự, vu khống người khác nếu ở mức độ nhẹ thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
– Trong trường hợp gây mất trật tự về an ninh xóm, ảnh hưởng đến gia đình nhà bạn và những người xung quanh thì bạn hoàn toàn trình báo sự việc với cơ quan công an, yêu cầu xuống kiểm tra và lập biên bản xử lý đối với hành vi đó.
– Với việc hàng xóm có hành vi hành hung bạn mà tỉ lệ thương tích dưới 11%, không dùng hung khí nguy hiểm thì sẽ bị xử phạt tư 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nếu tỉ lệ thương tích trên 11% hoặc dưới 11% và sử dụng hung khí nguy hiểm thì sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104, Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm: 1900.6568
– Với việc hàng xóm có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn thì sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Sau khi bị xử lý vi phạm mà vẫn tiếp tục tái phạm thì người hàng xóm còn có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:
“Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”