Cơ cấu tổ chức của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc:
Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc là một tổ chức của Mặt trận thống nhất yêu nước của nhân dân Trung Quốc, một thể chế quan trọng của hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, một hình thức chính để thúc đẩy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống chính trị của Trung Quốc, một thành phần quan trọng của hệ thống quản trị của đất nước và một sự sắp xếp thể chế đặc biệt của Trung Quốc. Do đó, trong quá trình hoạt động của mình, tổ chức này luôn có những nguyên tắc hoạt động một cách cụ thể, các nguyên tắc cần tuân thủ trong công tác của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc và các cấp ủy địa phương là: “Giữ vững sự lãnh đạo của chính quyền, đi đúng bản chất, vị trí của tổ chức, đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Theo điều lệ của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc, Chính hiệp có thể tổ chức cho các ủy viên bàn bạc việc nước thông qua nhiều hình thức như họp hội nghị, nêu đề án, thị sát, điều tra nghiên cứu chuyên đề…đồng thời tiến hành giám sát việc thực thi Hiến pháp, pháp luật, công tác của các cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước, nêu ra ý kiến và kiến nghị. Trong thực tiễn, những nội dung đề cập trong ý kiến và kiến nghị của Chính hiệp đều được phản ánh trong phương châm chính sách của Chính phủ.
Có thể nói, về cơ bản các nguyên tắc hoạt động giữa Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Mặt trận tổ quốc Việt Nam đều có những nét tương đồng, đều hướng tới giữ vững sự lãnh đạo của chính quyền, thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân để từ đó phát huy dân chủ xã hội. Trong đó, hiệp thương dân chủ luôn là một trong những nguyên tắc được coi trọng hàng đầu của hai tổ chức này trong hệ thống chính trị. Hiệp thương dân chủ mang tính phổ quát, được thực hiện trong đời sống chính trị – xã hội của cả Trung Quốc và Việt Nam nhằm điều hòa, điều chỉnh những sự khác biệt, mâu thuẫn và lợi ích khác nhau giữa các giai tầng, các nhóm người trong xã hội, trên cơ sở đó tìm ra sự đồng thuận và tiếng nói chung để duy trì sự ổn định và phát triển xã hội. Với mọi loại hình tổ chức mang tính tự nguyện hay quyền lực, bên cạnh việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đều phải sử dụng phương thức hiệp thương dân chủ, bàn bạc thương lượng, thỏa thuận để đi đến sự nhất trí trong nhận thức và hành động. Vì vậy, hiệp thương dân chủ không chi là một cách thức thực hiện dân chủ, là một tiêu chí, thước đo trình độ dân chủ, mà còn là cách thức đi tới sự tập trung, biểu hiện mức độ tập trung, thống nhất của của cả hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Cơ chế của Chính hiệp Trung Quốc là chế độ Đại hội Đại biểu Nhân dân, chế độ hiệp thương chính trị, hợp tác đa đảng và chế độ tự trị khu vực dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, nhân dân thông qua bầu cử, thực hiện quyền bỏ phiếu và Chính hiệp Nhân dân tiến hành hiệp thương trước khi bỏ phiếu bầu cử là hai hình thức quan trọng nhất của Trung Quốc. Quan hệ giữa Chính hiệp Nhân dân, Đại hội Đại biểu Nhân dân và Chính phủ là Chính hiệp Nhân dân hiệp thương trước khi ra quyết sách, Đại hội Đại biểu Nhân dân hiệp thương sau khi ra quyết sách và Chính phủ thực hiện sau khi ra quyết sách. Ba cơ cấu này thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực hiện các chức năng của mình cũng như hợp tác, bổ sung lẫn nhau. Đây là thể chế chính trị mang màu sắc Trung Quốc, phù hợp với tình hình Trung Quốc và Chính hiệp Nhân dân đóng một vai trò quan trọng trong thể chế này.
2. Cơ cấu tổ chức của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc:
Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc là cơ quan hiệp thương cao nhất của Trung Quốc. Theo đó, Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo sẽ tồn tại và phát triển lâu dài. Cũng tương tự như Việt Nam, Chính hiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Đảng Cộng sản Trung Quốc và 8 đảng phái dân chủ, nhân sĩ dân chủ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, đại biểu các dân tộc ít người và các giới, đại biểu đồng bào Đài Loan, đồng bào Hồng Kông, Ma Cao và kiều bào trở về nước cũng như một số nhân sĩ được mời đặc biệt, có cơ sở xã hội rộng rãi. Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc có Uỷ ban toàn quốc và Ủy ban cấp dưới, nhiệm kỳ 5 năm. Mỗi Ủy ban thiết lập chức vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký. Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc mỗi năm họp một lần. Uỷ ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và một số Ủy viên Thường vụ. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký là Chủ tịch đoàn Hội nghị, xử lý các công việc quan trọng hàng ngày của Uy ban Thường vụ.
Ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc cơ sở do Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng cấp hiệp thương với các đảng phái dân chủ, Hội Công thương toàn quốc, các đoàn thể nhân dân.. cử ra, không qua bầu cử.
Uỷ viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung quốc từ cấp huyện trở lên do Chính hiệp cấp đó cử ra, nhưng cũng có thể dùng phương thức do Đảng Cộng sản cùng cấp và các đảng phái dân chủ, hội công thương toàn quốc, các đoàn thể nhân dân hiệp thương giới thiệu. Trong trường hợp đặc biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đề bạt Ủy viên Chính hiệp toàn quốc, như Hồ Cẩm Đào với cương vị Tổng Bí thư đã phê chuẩn Mao Tân Vũ (cháu nội Mao Trạch Đông) làm Ủy viên Chính hiệp toàn quốc vào tháng 3- 2008. Chính hiệp cấp cơ sở cũng chỉ có các Ủy viên, không có hội viên. Hiện nay, số Ủy ban Chính hiệp địa phương trong cả nước đã lên tới hơn 3.000 cơ sở với hơn 500.000 ủy viên.