Quy định về dấu hợp quy? Có buộc phải thể hiện dấu hợp quy trên sản phẩm hàng hóa? Dấu hợp quy và việc công bố dấu hợp quy diễn ra như thế nào? Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi công bố hợp quy?
Dấu hợp quy là dấu hiệu để chứng minh sự phù hợp, tương thích của sản phẩm, hàng hóa với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Hoạt động chứng nhận, kiểm định tại Việt Nam cũng đang ngày càng phát triển và đi theo quy củ chặt chẽ. Vậy đối với sản phẩm hàng hóa trên thị trường lưu thông, việc thể hiện dấu hợp quy có bắt buộc hay không? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Căn cứ pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Quy định về dấu hợp quy:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, dấu hợp quy và sử dụng dấu hợp quy được thể hiện như sau:
– Hình dạng, kích thức của dấu hợp quy được quy định như sau:
Kích thước của dấu hợp quy:
Chú thích:
H = 1,5 a
h = 0,5 H
C = 7,5 H
– Dấu hợp quy sẽ được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa hoặc trên các bao bì hoặc trong tài liệu kỹ thuật; hay trên các nhãn gắn trên sản phẩm, hàng hóa được đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc.
– Khi in dấu hợp quy phải đảm bảo không dễ bị tẩy xóa và không thể bóc ra gắn lại.
– Về việc in dấu hợp quy, có thể phóng to hoặc thu nhỏ lại nhưng vẫn phải đảm bảo đúng kích thước, tỷ lệ cơ bản như mục trên quy định; đảm bảo cho người tiêu dùng nhận biết được bằng mắt thường.
– Dấu hợp quy trên sản phẩm phải được thiết kế và thể hiện cùng một màu và dễ nhận biết.
2. Có buộc phải thể hiện dấu hợp quy trên sản phẩm hàng hóa?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo bắt buộc thể hiện nội dung gồm:
– Tên hàng hóa.
– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
– Xuất xứ hàng hóa.
– Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa và theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 18 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm có:
– Các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa được thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và những nội dung khác (nếu có).
Khi thể hiện đảm bảo những nội dung đó không trái với quy định của pháp luật cũng như cam kết độ chính xác, phản ánh đúng với bản chất của hàng hóa, đảm bảo dễ nhìn và dễ thấy và không làm sai lệch những nội dung bắt buộc trên nhãn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đảm bảo những thông tin trên nhãn không thể hiện hình ảnh, nội dung mang tính chất nhạy cảm, gây kích động đến tranh chấp chủ quyền; ảnh hưởng đến đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Do đó, căn cứ theo các quy định trên, có thể thấy việc thể hiện dấu hợp quy trên sản phẩm không mang tính chất bắt buộc mà đó là quyền của thương nhân, có thể thể hiện hoặc không thể hiện dấu hợp quy trên nhãn hàng hóa sản phẩm.
3. Dấu hợp quy và việc công bố dấu hợp quy diễn ra như thế nào?
Công bố hợp quy là việc cá nhân, tổ chức tự thực hiện công bố sản phẩm cũng như hàng hóa, dịch vụ, quá trình hay môi trường sao cho phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Việc công bố hợp quy là quy trình bắt buộc. Đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành.
3.1. Hồ sơ công bố hợp quy:
Muốn tiền hành công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ gồm giấy tờ trong các trường hợp sau:
* Dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất):
– Bản công bố hợp quy theo mẫu.
– Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau: tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ, điện thoại; tên sản phẩm, hàng hóa; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng.
* Dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba):
– Bản công bố hợp quy theo mẫu.
– Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (bản sao).
Đồng thời kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.
3.2. Trình tự, thủ tục công bố hợp quy:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ gồm những giấy tờ trên, cá nhân, tổ chức tiến hành nộp hồ sơ tại các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng với sản phẩm, hàng hóa.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu:
– Cơ quan chuyên ngành thực hiện xem xét hồ sơ:
+ Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (theo mẫu số 3. TBTNHS quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN).
Lưu ý: thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy có giá trị dựa trên giá trị của giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc có giá trị ba năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy.
+ Đối với hồ sơ không đầy đủ thì cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ theo quy định tới tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc.
Sau khi nhận được thông báo văn bản đề nghị bổ sung mà cá nhân, tổ chức không thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ công bố hợp quy thì cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ đó theo đúng quy định.
Sau khi hồ sơ công bố kiểm tra nếu đầy đủ nhưng không hợp lệ thì cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy và nêu rõ lý do không tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Công bố hợp quy:
– Tiến hành đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp quy với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:
+ Việc đánh giá hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (bên thứ nhất) thực hiện.
+ Phương thức đánh giá thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
– Sau khi thực hiện việc đánh giá sẽ tiến hành đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.
4. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi công bố hợp quy:
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, khi công bố hợp quy thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm sau đây:
– Đảm bảo người sử dụng sản phẩm, hàng hóa đó dễ dàng tiếp cận thì phải thông báo trên các phương tiện thông tin thích hợp về việc công bố hợp quy của mình.
– Duy trì liên tục và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường đã công bố hợp quy; duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ.
– Đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy khi sử dụng dấu hợp quy sẽ phải lập sổ theo dõi và định kỳ hàng năm báo cáo việc sử dụng dấu hợp quy cho tổ chức chứng nhận được chỉ định.
– Trong trường hợp phát hiện việc công bố hợp quy và trong quá trình lưu thông, sử dụng phát hiện sự không phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường thì phải có các biện pháp xử lý sau:
+ Kịp thời phát hiện và thông báo bằng văn bản về sự không phù hợp với cơ quan chuyên ngành.
+ Trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa không phù hợp có rủi ro cao gây mất an toàn cho người sử dụng, phải tạm ngừng việc xuất xưởng và tiến hành thu hồi các sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đang lưu thông trên thị trường.
Nếu cần thiết thì phải ngừng vận hành, khai thác các quá trình, dịch vụ, môi trường nếu có liên quan.
+ Sau đó thực hiện các biện pháp khắc phục việc không phù hợp.
+ Cuối cùng, trước khi tiếp tục đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường vào sử dụng, lưu thông, khai thác, kinh doanh; doanh nghiệp gửi văn bản thông báo đến cơ quan chuyên ngành về kết quả khắc phục sự không phù hợp.
– Tiến hành lập và lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy để làm cơ sở cho quá trình kiểm tra và thanh tra sau này của cơ quan Nhà nước.