Mục lục bài viết
1. Có bắt buộc phải ký kết thỏa ước lao động tập thể không?
1.1. Thế nào là thỏa ước lao động tập thể?
Thỏa ước lao động tập thể được quy định tại Điều 75
– Thỏa ước lao động tập thể được hiểu là thỏa thuận đạt được thông qua quá trình thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ) và tổ chức đại diện NLĐ và được các bên ký kết bằng văn bản.
– Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.
Yêu cầu đối với thỏa ước lao động tập thể:
– Nội dung không được trái với quy định của pháp luật;
– Khuyến khích nội dung của thỏa ước có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
1.2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng thỏa ước lao động tập thể không?
Quy trình lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể được quy định chi tiết tại khoản Điều 76
Quy trình lấy ý kiến về thỏa ước lao động tập thể:
– Thỏa ước lao động tập thể ngành yêu toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện NLĐ tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng tham gia lấy ý kiến. Thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có sự đồng thuận từ ít nhất 50% tổng số thành viên tham gia biểu quyết.
– Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp yêu cầu toàn bộ NLĐ tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện NLĐ tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng cùng tham gia lấy ý kiến. Chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng thuận mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.
– Trước khi ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, toàn bộ NLĐ trong doanh nghiệp phải được lấy ý kiến về dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% NLĐ của doanh nghiệp biểu quyết tán thành, thông qua thỏa ước lao động tập thể đó.
– Tổ chức đại diện NLĐ sẽ quyết định địa điểm, thời gian và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng. NSDLĐ không được gây cản trở hoặc gây khó khăn, can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện NLĐ lấy ý kiến NLĐ của doanh nghiệp biểu quyết về dự thảo thỏa ước.
Thẩm quyền ký kết thỏa ước lao động tập thể:
– Đại diện hợp pháp của các bên tham gia thương lượng sẽ có thẩm quyền ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng sẽ có thẩm quyền ký kết thỏa ước lao động tập thể đó.
– Thỏa ước lao động tập thể phải được gửi cho mỗi bên ký kết. Trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm thỏa ước được ký kết NSDLĐ tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trường hợp ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp hoặc thỏa ước lao động tập thể ngành thì từng NSDLĐ và từng tổ chức đại diện NLĐ tại các doanh nghiệp tham gia thỏa ước phải được nhận 01 bản.
– Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, NSDLĐ phải công bố cho NLĐ của mình biết.
Như vậy, để ký kết thỏa ước lao động tập thể thì phải thông qua quá trình thương lượng, lấy ý kiến, biểu quyết tán thành và chỉ được ký kết bằng văn bản khi có trên 50% NLĐ trong doanh nghiệp, ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện NLĐ biểu quyết tán thành. Do vậy, thỏa ước lao động tập thể là không bắt buộc.
2. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu trong trường hợp nào?
Các trường hợp vô hiệu của thỏa ước lao động tập thể được quy định tại Điều 86 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
– Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, các phần nội dung còn lại của thỏa ước lao động tập thể không bị ảnh hưởng.
– Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người ký kết thỏa ước lao động tập thể không đúng thẩm quyền;
+ Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật;
+ Quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể không được tuân thủ đúng.
3. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào nếu vẫn thực hiện thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu?
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể được quy định tại Điều 16 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
– NSDLĐ bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng nếu có một trong các hành vi sau đây:
+ Không trả chi phí cho quá trình thương lượng; ký kết; sửa đổi, bổ sung; gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;
+ Không gửi thỏa ước lao động tập thể sau khi đã ký kết đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định;
+ Không công bố thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho NLĐ biết;
+ Cung cấp thông tin không đúng thời hạn theo quy định hoặc cung cấp thông tin sai lệch về tình hình kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất; cung cấp thông tin sai lệch khi đại diện NLĐ yêu cầu các nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng để tiến hành thương lượng tập thể.
– NSDLĐ phải chịu mức phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
+ Không bố trí địa điểm, thời gian hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể;
+ Không cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất; không cung cấp các thông tin về các nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng theo quy định khi có yêu cầu từ đại diện NLĐ để tiến hành thương lượng tập thể.
– NSDLĐ phải chịu mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng khi có một trong các hành vi sau:
+ Thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu;
+ Gây cản trở, gây khó khăn hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện NLĐ thảo luận, lấy ý kiến của NLĐ về thỏa ước lao động tập thể;
+ Từ chối thương lượng tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, NSDLĐ cần lưu ý rằng mức phạt được quy định ở trên theo sẽ là mức phạt được áp dụng đối với NSDLĐ là cá nhân. Đối với NSDLĐ là tổ chức, mức phạt tiền sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với NSDLĐ là cá nhân.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, nếu doanh nghiệp vẫn thực hiện thỏa ước lao động tập thể đã bị tuyên bố vô hiệu thì doanh nghiệp có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền lên đến 20 đến 30 triệu đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
-
Bộ luật Lao động năm 2019;
-
Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
-
Nghị định 12/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.