Kể từ ngày 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam căn cứ theo Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Vậy công dân có bắt buộc phải đổi từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu có gắn chip không?
Mục lục bài viết
1. Có bắt buộc phải đổi hộ chiếu cũ sang hộ chiếu gắn chip không?
Bộ Công an và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chính thức được triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử của Việt Nam cấp từ ngày 01/3/2023.
Theo thông tin từ Cơ quan Công an, hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử được sử dụng song song.
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi nộp hồ sơ để xin cấp hộ chiếu có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Do đó, công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp được sử dụng cuốn hộ chiếu cũ cho đến khi hết thời hạn, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
2. So sánh hộ chiếu cũ và hộ chiếu gắn chip:
Về mặt pháp lý
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, sửa đổi năm 2023, giá trị pháp lý của cả hai loại hộ chiếu là như nhau, cụ thể:
+ Hộ chiếu phổ thông: cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, có thời hạn sử dụng 10 năm. Khi hết thời hạn, hộ chiếu không được gia hạn;
+ Hộ chiếu phổ thông gắn chíp: cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, có thời hạn sử dụng 10 năm. Khi hết thời hạn, hộ chiếu không được gia hạn;
+ Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn: có thời hạn không quá 12 tháng. Khi hết thời hạn, hộ chiếu không được gia hạn.
– Về hình thức
+ Hai mẫu hộ chiếu có gắn chip và không gắn chip có hình thức tương đối giống nhau. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, mẫu hộ chiếu gắn chip sẽ có nhiều đặc điểm khác biệt đáng chú ý so với mẫu hộ chiếu thông thường. Cụ thể, trên bề mặt bên ngoài của cuốn hộ chiếu gắn chip sẽ có một biểu tượng hình con chip điện tử, trong khi mẫu hộ chiếu thông thường không có biểu tượng này.
+ Khi mở bên trong ra, mẫu hộ chiếu gắn chip sẽ có hình con chip ngay ở phía trên dòng số hộ chiếu.
+ Nếu lật mặt sau của trang giấy, một bên có thêm khung còn với hộ chiếu bình thường sẽ không có gì.
+ Một điểm đặc biệt với hộ chiếu gắn chíp là các trang trong hộ chiếu đều được in cảnh đẹp của đất nước, ví dụ như Khuê Văn Các (Hà Nội), Tràng An (Ninh Bình), Kinh thành Huế, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phố cổ Hội An… và nhiều địa danh nổi tiếng khác của Việt Nam.
– Về quy cách, kỹ thuật của mẫu hộ chiếu gắn chip được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA như sau:
+ Trên mặt ngoài của trang bìa được in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có thêm biểu tượng chíp điện tử;
+ Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam và được kết hợp với họa tiết trống đồng;
+ Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh;
+ Bìa hộ chiếu được làm từ vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao;
+ Bán kính góc cuốn hộ chiếu r: 3,18mm ± 0,3mm;
+ Kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75 mm;
+ Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử;
+ Số trang trong cuốn hộ chiếu, không tính trang bìa, khác nhau tùy thuộc vào loại hộ chiếu. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm có 48 trang. Trong khi đó, hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng chỉ có 12 trang;
+ Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1;
+ Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.
– Về tính năng:
+ Hộ chiếu gắn chip có những tính năng ưu việt hơn so với hộ chiếu không gắn chip. Hộ chiếu gắn chip điện tử không chỉ lưu trữ các thông tin cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch được viết trên giấy, mà còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc học của cá nhân như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, nhóm máu…
+ Nhờ khả năng lưu trữ đa dạng thông tin một cách chính xác và thống nhất, khi sử dụng hộ chiếu có gắn chip điện tử, việc thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh tại các quốc gia trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Các quy trình kiểm soát và xác thực thông tin trên hộ chiếu tại các điểm kiểm soát xuất, nhập cảnh gần như không tốn quá nhiều thời gian.
Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu gắn chip điện tử. Theo đó, người được cấp hộ chiếu gắn chíp sẽ được phía nước ngoài ưu tiên hơn khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh.
Mẫu hộ chiếu thông thường không gắn chip thường dễ bị làm giả bởi các đối tượng xấu. Tuy nhiên, với hộ chiếu gắn chip điện tử, việc làm giả là rất khó xảy ra do chip điện tử có tính bảo mật cao, khó có thể sao chép thông tin.
3. Thủ tục cấp hộ chiếu điện tử:
Thủ tục cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử được quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 sửa đổi năm 2023 như sau:
– Đối với công dân có căn cước công dân, việc đề nghị cấp hộ chiếu gắn chip điện tử tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh bất kỳ mà công dân thuận lợi.
– Đối với trường hợp công dân sử dụng chứng minh nhân dân sẽ phải thực hiện quy trình cấp hộ chiếu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi cư trú thường xuyên hoặc tạm trú. Tuy nhiên, từ lần thứ hai trở đi khi đề nghị cấp hộ chiếu, công dân có thể lựa chọn địa điểm làm thủ tục tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an cấp tỉnh bất kỳ.
– Theo quy định tại Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, các bước để đăng ký cấp hộ chiếu bao gồm:
+ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm tờ khai đã điền đầy đủ thông tin theo mẫu, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định. Đồng thời, mang theo Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng tùy thuộc vào yêu cầu của Cơ quan cấp hộ chiếu.
+ Bước 2: Chụp ảnh, thu thập vân tay của; lấy giấy hẹn trả kết quả.
+ 3: Nhận hộ chiếu tại địa điểm trên giấy hẹn hoặc chuyển phát về địa chỉ yêu cầu.
– Thời gian xử lý cấp hộ chiếu sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào nơi thực hiện thủ tục. Nếu làm hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh địa phương, thì hộ chiếu sẽ được cấp trong vòng 8 ngày làm việc. Còn nếu làm thủ tục tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, thì thời gian cấp hộ chiếu là 5 ngày làm việc.
– Tại Thông tư 25/2021/TT-BTC có quy định mức phí khi làm hộ chiếu, theo đó: 200.000đ/hộ chiếu. Trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000đ/hộ chiếu
– Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 25/2021/TT-BTC, các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu bao gồm:
+ Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;
+ Người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu;
+ Những trường hợp vì lý do nhân đạo.
Bên cạnh đó còn có trường hợp được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu căn cứ khoản 3 Điều 6 Thông tư 25/2021/TT-BTC: Người đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu thì sẽ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hộ chiếu hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, sửa đổi, bổ sung năm 2023;
– Thông tư 31/2023/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, mẫu giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
– Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
THAM KHẢO THÊM: