Đấu giá viên đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và điều hành các phiên đấu giá. Họ thường phải có kiến thức sâu rộng về các loại hàng hóa và sở hữu kỹ năng giao tiếp, đàm phán và quản lý sự kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Vậy liệu rằng có bằng thạc sĩ kinh tế có được làm đấu giá viên hay không?
Mục lục bài viết
1. Có bằng thạc sĩ kinh tế có được làm đấu giá viên không?
Tại Điều 10 của Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định các tiêu chuẩn cần đáp ứng để trở thành một đấu giá viên gồm:
– Là người Việt Nam thường trú tại quốc gia này tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, và có phẩm chất đạo đức tốt;
– Có văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn thuộc một trong các ngành học như Luật, Kinh tế, Kế toán, Tài chính, hoặc Ngân hàng;
– Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá, theo quy định của Điều 11 trong Luật Đấu giá Tài sản 2016, trừ khi được miễn khóa đào tạo nghề đấu giá theo quy định tại Điều 12 của cùng luật;
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
Theo đó, việc có bằng thạc sĩ kinh tế chỉ đang đáp ứng đủ 01 tiêu chuẩn trong 04 tiêu chuẩn nêu trên là “Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng”. Do vậy, để được trở thành một đấu giá viên, ngoài có bằng thạc sĩ kinh tế thì cần phải đáp ứng 03 tiêu chuẩn còn lại để được xem xét trở thành đấu giá viên theo đúng trình tự pháp luật.
2. Các hành vi bị xử lý vi phạm hành chính đối với đấu giá viên:
Theo đó tại Điều 22
– Mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng áp dụng với hành vi không đeo thẻ đấu giá viên khi điều hành cuộc đấu giá tài sản.
– Mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng áp dụng cho một trong các hành vi sau:
+ Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên;
+ Thỏa thuận trái pháp luật với cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 7 Điều này;
+ Biết nhưng không ngăn chặn người tập sự hành nghề đấu giá do mình hướng dẫn chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản trong quá trình tập sự tại tổ chức đấu giá tài sản đó.
– Mức phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng áp dụng với một trong các hành vi sau:
+ Không dừng cuộc đấu giá khi có đề nghị của người có tài sản về việc đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối nhằm làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch nội dung hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
+ Không dừng cuộc đấu giá khi có đề nghị của người có tài sản về việc phát hiện người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
+ Không tước quyền tham gia cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi đưa thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
+ Không tước quyền tham dự cuộc đấu giá khi người trả giá cao nhất rút lại giá đã trả hoặc người chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận trước khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá;
+ Gián tiếp điều hành cuộc đấu giá nhưng vẫn ký biên bản đấu giá;
+ Hạn chế người tham gia đấu giá trong quá trình tham gia đấu giá;
+ Điều phối cuộc đấu giá không đúng hình thức đấu giá, phương thức đấu giá theo quy chế cuộc đấu giá đã ban hành;
+ Điều phối cuộc đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá không đúng quy định;
+ Tự xác định bước giá hoặc điều hành cuộc đấu giá không theo bước giá đã công bố.
– Mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng áp dụng với hành vi cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên để hành nghề đấu giá.
– Mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng áp dụng với một trong các hành vi sau:
+ Sử dụng thẻ đấu giá viên của người khác để điều hành cuộc đấu giá;
+ Không phải là đấu giá viên mà điều hành cuộc đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Công bố sai người trúng đấu giá;
+ Công bố sai giá do người tham gia đấu giá trả.
– Mức phạt từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng áp dụng với một trong các hành vi sau:
+ Điều hành cuộc đấu giá cho tổ chức không phải là tổ chức đấu giá mà mình đã đăng ký hành nghề hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng hoặc hội đồng đấu giá tài sản;
+ Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi.
Ngoài 06 hành vi bị phạt hành chính như trên, đấu giá viên sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 09 tháng đến 12 tháng đối với một trong các hành vi sau:
– Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá hoặc lập hồ sơ khống hoặc lập hồ sơ giả tham gia đấu giá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Đồng thời hành nghề tại 02 tổ chức đấu giá tài sản trở lên hoặc kiêm nhiệm hành nghề công chứng hoặc thừa phát lại;
– Cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản tham gia cuộc đấu giá.
Đồng thời, tùy thuộc vào từng loại hành vi, tính chất, mức độ mà áp dụng mức phạt tiền cụ thể và kèm theo đó là áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả.
3. Những trường hợp nào không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá?
Căn cứ Điều 15 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định 05 trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm:
– Thiếu một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này.
– Gồm các đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
– Gặp phải tình trạng mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; gặp khó khăn trong nhận thức và kiểm soát hành vi.
– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
– Bị thực hiện biện pháp xử lý hành chính, bao gồm việc bắt buộc tham gia cơ sở cai nghiện hoặc cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, để được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá thì cá nhân không được thuộc 05 trường hợp nêu phía trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật đấu giá tài sản 2016
– Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
THAM KHẢO THÊM: