Quy định về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp? Các điều khoản cơ bản của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp? Hợp đồng đăng ký chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp? Hạn chế việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp?
Quyền sở hữu công nghiệp có thể được hiểu là quyền của các cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh do cá nhân, tổ chức đó sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Một trong những hình thức chuyển giao công nghệ hiệu quả nhất hiện nay đó chính là việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và các điều cần lưu ý.
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Quy định về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
– Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.(Khoản 1, Điều 138, Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
– Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.(khoản 1, Điều 141, Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
Có thể nói việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hay nói một cách khác là cấp li-xăng quyền sở hữu công nghiệp là một trong những phương pháp hữu hiệu để chủ sở hữu quyền khai thác quyền này của mình cũng như để bên nhận phát triển công việc kinh doanh của mình dựa trên những lợi thế của quyền sở hữu công nghiệp được li-xăng.
Về cơ bản, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và chuyển quyền sử dụng có những điểm tương đồng với nhau. Đó là có chung phạm vi về đối tượng: chủ yếu là quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hình thức này là nếu hoạt động chuyển gia quyển sử dụng chỉ và việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sử hữu công nghiệp. Còn chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ là một phần của việc chuyển giao, bên cạnh đó còn là sự chuyển giao về cách thức, bí quyết tiến hành kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh…
2. Các điều khoản cơ bản của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Những điều khoản không thể thiếu được trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là các điều khoản cơ bản của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không thể giao kết được.
Ngoài ra, có những điều khoản trong hợp đồng không phải là điều khoản cơ bản đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhưng các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng thấy cần phải thoả thuận được điều khoản đó mới có thể giao kết hợp đồng thì những điều khoản này cũng trở thành điều khoản cơ bản của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
Các điều khoản cơ bản của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là:
– Căn cứ chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp: Căn cứ chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là căn cứ về việc bên chuyển nhượng có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho bên nhận chuyển nhượng. Trong đó bao gồm các thông tin về: Tên sáng chế; Số văn bằng; Ngày cấp văn bằng; Chủ sở hữu văn bằng và Cơ quan cấp bằng. Ngoài ra còn có các thông tin về căn cứ chuyển nhượng cần dựa trên Văn bằng bảo hộ đã được cấp.
– Phạm vi chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp: Bao gồm gồm giới hạn quyền sử dụng và giới hạn lãnh thổ.
+ Về quyền sử dụng: hai bên thỏa thuận về quyền sử dụng của bên nhận chuyển giao, phạm vi sử dụng của bên nhận chuyển giao, đưa ra các trường hợp hạn chế sử dụng
+ Giới hạn lãnh thổ: là quốc gia nơi bên chuyển giao được sử dụng, có thể một hoặc nhiều quốc gia trong số các quốc gia mà đối tượng bảo hộ được bảo hộ.
– Thời hạn và các điều khoản của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp: Thời hạn của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm thời hạn chuyển quyền sử dụng và thỏa thuận về gia hạn sử dụng hoặc kết thúc việc sử dụng trước thời hạn.
– Các điều khoản thông thường của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: Các điều khoản thông thường của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng không thoả thuận những điều khoản thông thường của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật quy định.
Các điều khoản thông thường của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có thể là: Điều khoản về các trường hợp bất khả kháng; Điều khoản về giải quyết tranh chấp; Điều khoản chấm dứt hợp đồng; Điều khoản về hiệu lực hợp đồng; Điều khoản phạt vi phạm: tức là các bên có thể cân nhắc thỏa thuận các chế tài khi vi phạm hợp đồng.
– Các điều khoản tùy nghi của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: Khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp thì khi đó các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng còn có thể thoả thuận thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Các điều khoản thông thường của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có thể là: Cam kết và bảo đảm hợp đồng; Điều khoản về bảo mật thông tin; Điều khoản về chuyển giao, chuyển nhượng hợp đồng; Điều khoản về cải tiến kỹ thuật đối với đối tượng chuyển nhượng; Điều khoản về cách thức thông báo giữa các bên trong hợp đồng liên quan tới hợp đồng.
3. Hợp đồng đăng ký chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Hai bên tham gia vào hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp thỏa thuận với nhau về trách nhiệm đăng kí chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và về nghĩa vụ thanh toán các chi phí liên quan.
3.1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại Điều 149, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
– Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
– Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí;
– Giấy uỷ quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.
3.2. Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Hiệu lực của hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ theo thỏa thuận giữa các bên đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cở sở theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:
– Đối với nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ theo quy định.
– Đối với nhãn hiệu nối tiếng thì quyền sở hữu công nghiệp sẽ được xác lập trên cơ sở sử dụng mà không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Ngoài ra đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được nêu ở trên thì hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu. Nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên chuyển giao bị chấm dứt thì hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cũng bị chấm dứt hiệu lực.
4. Hạn chế việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ 2005:
– Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Quyền sử dụng tên thương mại, chỉ dẫn địa lý không được quyền chuyển giao. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được quyền chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
Bên được chuyển quyền sở hữu công nghiệp không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba. Trừ trường hợp được bên chuyển quyền sở hữu công nghiệp cho phép. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định có nghĩa vụ ghi rõ chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền theo quy định có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.
– Chuyển nhượng quyền sử hữu đối tượng sở hữu công nghiệp
Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được phép chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi được bảo hộ theo quy định. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không phép được chuyển giao. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển giao cùng với việc chuyển giao toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
Việc chuyển giao quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ phép được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân đáp ứng được các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.