Chuyển đổi doanh nghiệp không còn là vấn đề mới, nhưng tại Việt Nam, thì vấn đề này vẫn để lại nhiều thắc mắc và băn khoăn. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Chuyển đổi doanh nghiệp là gì? Các hình thức chuyển đổi doanh nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Chuyển đổi doanh nghiệp là gì?
Quá trình chuyển đổi doanh nghiệp có thể được xem là quá trình thay đổi mối quan hệ giữa các thành viên doanh nghiệp với nhau, thay đổi mối quan hệ về quản trị doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các thành viên doanh nghiệp với doanh nghiệp và đôi khi thay đổi trách nhiệm của thành viên doanh nghiệp đối với các khoản nợ của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp vẫn tồn tại và không ngừng hoạt động. Doanh nghiệp được tạo lập nên bởi ý chí của thành viên, nên việc chuyển đổi phải được tự do theo sự lựa chọn của thành viên hoặc các thành viên. Tuy nhiên doanh nghiệp là một thực thể kinh doanh hay là một chủ thể của pháp luật có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng và người thứ ba.
Chuyển đổi doanh nghiệp là tổ chức lại doanh nghiệp. Theo đó doanh nghiệp sẽ thay đổi từ hình thức doanh nghiệp này sang hình thức của một loại hình doanh nghiệp khác. Có nghĩa là thay đổi các yếu tố kết cấu chủ yếu để tạo lập thành các hình thức doanh nghiệp như mối liên hệ giữa các thành viên, mối liên hệ giữa các thành viên với doanh nghiệp, chế độ trách nhiệm của các thành viên đối với khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức lại nội bộ và quyền nghĩa vụ của các thành viên … việc thay đổi các yếu tố không ảnh hưởng tới hình thức doanh nghiệp do pháp luật đã xác định không được xem là thay đổi hình thức doanh nghiệp, ví dụ như thay đổi vốn điều lệ, thay đổi thành viên hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật …
Chuyển đổi doanh nghiệp là thay đổi hình thức doanh nghiệp và có thể dẫn đến thay đổi hình thức sở hữu hoặc không dẫn đến thay đổi hình thức sở hữu. Ví dụ: hình thức sở hữu của doanh nghiệp không thay đổi khi chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhưng việc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần thì có thay đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi doanh nghiệp không làm chấm dứt hay thay đổi nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp chuyển đổi, vì về nguyên tắc doanh nghiệp là một thương nhân nên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ. Bởi vậy pháp luật chỉ can thiệp vào chuyển đổi doanh nghiệp ở các khía cạnh như thủ tục chuyển đổi, các trường hợp chuyển đổi, vấn đề bảo vệ người thứ ba và các khoản nợ của doanh nghiệp đối với người thứ ba trong trường hợp chuyển đổi hình thức doanh nghiệp. Khi chuyển đổi doanh nghiệp mà tài sản của doanh nghiệp tăng lên thì khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng tăng theo. Xét về bản chất kinh tế và pháp lý, thì chuyển đổi doanh nghiệp chỉ là việc thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp do chính doanh nghiệp đó quyết định, không làm tiêu biến thương nhân đó, cũng không thể khiến thương nhân đó rũ bỏ các khoản nợ đối với bên thứ ba. Doanh nghiệp vẫn tồn tại liên tục về mặt kinh tế. Điều đó có nghĩa là việc chuyển đổi doanh nghiệp không làm chấm dứt nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên việc chuyển đổi có thể làm biến đổi chế độ trách nhiệm của thành viên đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Vì vậy việc nghiên cứu hình thức doanh nghiệp nhất là về đặc điểm pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về chuyển đổi doanh nghiệp.
Tóm lại theo quan điểm cá nhân và từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra khái niệm về chuyển đổi doanh nghiệp như sau: là hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp và là quá trình chuyển từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác, diễn ra trong sự tồn tại liên tục của doanh nghiệp, và có sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trước và sau chuyển đổi. Doanh nghiệp là một thực thể pháp lý tách biệt với chủ sở hữu của nó, chuyển đổi doanh nghiệp có bản chất là một hành vi pháp lý, do đó nó mang những đặc điểm sau:
Thứ nhất, chuyển đổi doanh nghiệp là hoạt động mang tính thủ tục pháp lý, theo đó thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường trước và sau quá trình chuyển đổi.
Thứ hai, chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định nội dung và hình thức cũng như thời gian chuyển đổi doanh nghiệp.
Thứ ba, lý do chuyển đổi thường mang tính tự nguyện nhằm triển khai định hướng phát triển công ty phù hợp với điều kiện mới của chủ đầu tư, xong cũng có thể mang tính bắt buộc để tránh nguy cơ giải thể.
Thứ tư, chuyển đổi doanh nghiệp sẽ làm thay đổi loại hình doanh nghiệp, do vậy về thủ tục pháp lý, tất yếu sẽ phải cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau chuyển đổi. Trong mọi trường hợp thì doanh nghiệp sau chuyển đổi đương nhiên kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp trước chuyển đổi.
2. Các hình thức chuyển đổi doanh nghiệp và lấy ví dụ:
Pháp
Thứ nhất, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần. Quy định này được quy định cụ thể tại các Điều 196, Điều 197 và Điều 198 của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Theo đó thì công ty trách nhiệm hữu hạn có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc trách nhiệm yêu hạn hai thành viên trở lên. Trong loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu nhưng đều được phép chuyển đổi thành công ty cổ phần. Ví dụ, công ty A hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, nay công ty A có thể chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và các thành viên đổi tư cách sang cổ đông, vốn góp được thể hiện dưới hình thức là cổ phiếu.
Thứ hai, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trong quy định này bắt buộc phải thực hiện khi chỉ còn một cổ đông duy nhất hoặc các cổ đông muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó. Ví dụ, công ty A hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, nay tất cả các cổ đông của công ty A muốn chuyển nhượng lại cổ phần của mình mà chỉ còn duy nhất 1 cổ động thì khi đó, 1 cổ đông còn lại có thể mua lại của các cổ đông khác, và chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên.
Thứ ba, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, trong trường hợp này chỉ cần giới hạn thành viên tối thiểu là 02, thì sẽ chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Ví dụ, công ty A hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, nay các cổ đông muốn bán lại cổ phần cho ít nhất là 2 thành viên còn lại, nếu chỉ còn 1 thành viên thì họ có thể kêu gọi thêm những người quen khác để cùng tham gia chuyển đổi thành loại hình công ty trách nhiệm 2 thành viên trở lên.
Thứ tư, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên duy nhất trong công ty. Ví dụ, công ty A hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, nay các thành viên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho 1 thành viên duy nhất trong công ty mà vẫn giữ nguyên bản chất của loại hình trách nhiệm hữu hạn, thì sẽ thực hiện thủ tục chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên
Thứ năm, chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Như vậy doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải là chủ sở hữu hoặc thành viên của công ty mới. Ví dụ, doanh nghiệp A hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, nếu đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật doanh nghiệp, thay đổi chế độ chịu trách nhiệm của công ty thì có thể chuyển đổi thành hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (một hoặc hai thành viên).
3. Quy định về điều kiện chuyển đổi doanh nghiệp:
Hiện tại chỉ duy nhất đối với doanh nghiệp tư nhân là pháp luật có quy định cụ thể về điều kiện chuyển đổi sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn cụ thể là tại Điều 199. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 28 của pháp luật doanh nghiệp hiện hành.
Thứ hai, chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên công ty mới (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên).
Thứ ba, chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ khoản nợ khi đến hạn, cam kết không vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ tư, chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó.
Như vậy thì chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì việc chuyển đổi doanh nghiệp mới có thể tiến hành. Việc pháp luật chỉ quy định về điều kiện chuyển đổi đối với chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn mà không có quy định về điều kiện chuyển đổi đối với trường hợp chuyển đổi khác xuất phát từ lý do:
Một là, cần sự kiểm soát chặt chẽ khi chuyển đổi từ chế độ trách nhiệm vô hạn sang chế độ trách nhiệm hữu hạn để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của chủ nợ.
Hai là, các trường hợp chuyển đổi khác có chung chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn của doanh nghiệp chuyển đổi nên chủ yếu kiểm soát vấn đề kế thừa và chuyển giao nghĩa vụ và thông qua đó là có thể bảo vệ quyền lợi của chủ nợ. Do vậy cho nên pháp luật không cần thiết quy định điều kiện chuyển đổi doanh nghiệp và cho phép việc này do chủ doanh nghiệp quyết định sao cho phù hợp với quyền tự do kinh doanh và không trái với quy định của pháp luật.
4. Quy định về thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp:
Có thể nói rằng, việc đặt ra các thủ tục là cần thiết và thực hiện theo thủ tục luật định chính là công việc công khai hóa việc chuyển đổi đối với người thứ ba và đặc biệt là để xác định tính hợp pháp của việc chuyển đổi, qua đó đặt ra các chế tài phù hợp. Để chuyển đổi doanh nghiệp một cách phù hợp thì cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần xác định chính xác căn cứ pháp lý chuyển đổi doanh nghiệp – chuyển đổi tự nguyện hay chuyển đổi bắt buộc theo quy định của pháp luật, bởi lẽ thì việc chuyển đổi doanh nghiệp phải xuất phát từ một căn cứ cụ thể nào đó.
Thứ hai, các văn bản chứng minh đã đảm bảo được các điều kiện luật định.
Thứ ba, văn bản phải thể hiện ý chí chuyển đổi của các chủ thể có quyền lợi.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp.