Chung vốn làm ăn nhưng không muốn đứng tên có được không? Giao kết hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng không muốn đứng tên.
Chung vốn làm ăn nhưng không muốn đứng tên có được không? Giao kết hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng không muốn đứng tên.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luậtt sư ! Hiện nay tôi có 2 người bạn muốn chung vốn làm ăn nhưng vì một số lí do khách quan nên tôi ko thể đứng tên trong hợp đồng ( sang nhượng, thuê nhà…). Vậy xin văn phòng luật sư cho hỏi có thể làm 1 bản giao kèo giữa 3 người để tôi có nguyên quyền hạn dù ko đứng tên trong hợp đồng được không? Và bản mẫu đó như thế nào? Cảm ơn luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật doanh nghiệp 2014;
– Luật đầu tư 2014.
2. Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ là việc kinh doanh này chỉ là kinh doanh có thành lập tổ chức kinh tế hay không nên chúng tôi chia làm hai trường hợp:
Thứ nhất, kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp.
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Căn cứ vào Điều 19
" – Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
– Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật doanh nghiệp 2014, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
– Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật doanh nghiệp 2014 chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó."
Như thế, trong trường hợp này, bạn và hai bên còn lại có thể thỏa thuận về hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp. Trong hợp đồng có thể thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Ngoài giải pháp đó, bạn và các bên có thể thỏa thuận trong điều lệ công ty về quyền và nghĩa vụ của các thành viên góp vốn và quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Như thế, những giao dịch do người đại diện theo pháp luật thực hiện. Việc thông qua sự chấp nhận của các thành viên còn lại được thực hiện trong từng trường hợp cụ thể quy định tại Điều lệ công ty.
Thứ hai, kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Căn cứ Điều 28 Luật đầu tư 2014 thì:
"- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
– Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận."
Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
– Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
– Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
– Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
– Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp
Điều kiện để có hiệu lực của hợp đồng:
– Chủ thể tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Mục đích và nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
– Người tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua tổng đài: 1900.6568
Như thế, bạn và những người cùng góp vốn làm ăn với bạn có thể thỏa thuận những quyền và nghĩa vụ của bạn và những người khác trong hợp đồng và việc phân chia lợi nhuận…chỉ cần không trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, nếu để đảm bảo quyền lợi của bạn trong hoạt động kinh doanh để thu về lợi nhuận thì vẫn phải có tên trên hợp đồng mà các bên tiến hành ký kết.