Chung sống như vợ chồng với người chưa đủ tuổi là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy từng trường hợp, chung sống như vợ chồng với người chưa đủ tuổi có thể sẽ bị xử lý như sau:
Mục lục bài viết
1. Chung sống như vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn:
Ở đây, ta hiểu chung sống như vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn tức là chung sống như vợ chồng với người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đối với nữ và người đủ 16 tuổi đến dưới 20 tuổi đối với nam.
Trường hợp này, người chung sống như vợ chồng với người chưa đủ tuổi và người chưa đủ tuổi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội sau:
1.1. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
Hình phạt: Điều 182 Bộ Luật hình sự 2015 quy định:
– Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc là người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ ràng là đang có chồng, có vợ thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
+ Đã có quyết định của Tòa án về việc hủy việc kết hôn hoặc là buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:
– Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Mặt khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thể hiện ở hành vi của người mà đang có vợ, có chồng nhưng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc là người chưa có vợ, chưa có chồng nhưng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là người đó đang có chồng, có vợ. Trong đó:
++ Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng.
++ Người chưa có vợ, có chồng là người chưa kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hoặc là họ đã từng kết hôn nhưng đã chấm dứt quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật.
+ Hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác (với người dưới 18 tuổi là nữ và người dưới 20 tuổi là nam) là hành vi của người đang có vợ hoặc có chồng mà tổ chức một cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng với người khác (người đã có chồng hoặc có vợ hoặc chưa có chồng, có vợ).
+ Hành vi của người chưa có vợ, chưa có chồng (với người dưới 18 tuổi là nữ và người dưới 20 tuổi là nam) mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc có vợ là hành vi của người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng với người biết rõ là đang có chồng hoặc có vợ.
+ Tuy nhiên, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
++ Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng là có thể làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,…
++ Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Bị coi là hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng nhưng mà còn có vi phạm lần sau, nếu trước đó đã bị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, nhưng lại chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
++ Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà vẫn duy trì mối quan hệ đó, thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
– Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ ràng về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
– Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội của tội phạm này có thể là người đang có vợ, có chồng hoặc chưa có vợ, có chồng. Chính vì thế, kể cả người dưới 18 tuổi là nữ, dưới 20 tuổi là nam (chưa đủ tuổi kết hôn) là có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, chứ không riêng gì người trên 18 tuổi có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác.
1.2. Tội tổ chức tảo hôn:
Hình phạt: Điều 183 Bộ Luật hình sự 2015 quy định người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn (chưa đủ tuổi kết hôn), đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng mà còn có vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Dấu hiệu pháp lý tội tổ chức tảo hôn:
– Khách thể của tội phạm: Tảo hôn chính là hành vi kết hôn của người mà chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật (nữ đủ 18 tuổi nam 20 tuổi). Như vậy, khách thể của tội tổ chức tảo hôn chính là quan hệ hôn nhân tiến bộ, một trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Đối với tội tổ chức tảo hôn, người phạm tội có thể có một trong các hành vi sau:
++ Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để người chưa đến tuổi kết hôn được kết hôn;
++ Tìm người chưa đến tuổi kết hôn cho người khác để tổ chức kết hôn;
++ Chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người chưa đến tuổi kết hôn để họ kết hôn với người khác.
++ Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn là tổ chức cho nam và nữ xác lập lên mối quan hệ vợ chồng nhưng việc xác lập này lại là trái pháp luật (không đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn). Hành vi tổ chức tảo hôn thường được thực hiện là việc xác lập quan hệ hôn nhân không có đăng ký nhưng có tổ chức lễ cưới (cưới chui).
+ Hậu quả của tội tổ chức tảo hôn là:
++ Duy trì các phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc mà tội phạm hoàn thành từ khi xác lập quan hệ hôn nhân.
++ Hậu quả của tội phạm này có thể chưa xảy ra ngay khi đã có hành vi tổ chức tảo hôn, nhưng nếu như vẫn duy trì quan hệ hôn nhân giữa những người chưa đến tuổi kết hôn thì về lâu về dài có thể gây ra những thiệt hại cho chính người duy đang trì quan hệ vợ chồng chưa đến tuổi kết hôn như sức khoẻ bị tổn hại do sinh sản quá sớm hay con do họ sinh ra bị khiếm khuyết,…
– Chủ thể của tội phạm:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự (gồm năng lực nhận thức hoặc năng lực làm chủ hành vi).
+ Chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai. Chủ thể của những hành vi này thông thường là người có mối liên hệ nhất định đối với nạn nhân (người chưa đủ tuổi kết hôn), người phạm tội có thể là người thân của người chưa đến tuổi kết hôn như là: bố mẹ, ông bà, anh chị em, cô, bác, chú, dì… hoặc những người mà không phải là người thân của người chưa đến tuổi kết hôn.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
+ Người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức tảo hôn là do lỗi cố ý, có nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ ràng về việc tổ chức kết hôn cho những người mà chưa đến tuổi kết hôn là trái pháp luật, thấy rõ trước được hậu quả xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
+ Động cơ: do thiếu hiểu biết nên cho rằng kết hôn sớm là điều tất nhiên, là phong tục của dân tộc, quan niệm này sẽ thường xuất hiện ở một số dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn chưa cao.
2. Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi:
Chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi ngoài trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn (như đã phân tích ở mục trên) thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội sau:
2.1. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Hình phạt: Điều 145 Bộ Luật Hình sự quy định:
– Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người mà từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Có tính chất loạn luân;
+ Làm nạn nhân có thai;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm:
– Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này thể hiện qua dấu hiệu sau đây:
+ Có hành vi giao cấu theo sự thỏa thuận đồng ý giữa người đã thành niên (từ đủ mười tám tuổi trở lên) với trẻ em đã từ đủ mười ba tuổi đến dưới mười sáu tuổi. Sự thỏa thuận đó được hiểu là cả hai bên đều có ý chí rằng mong muốn được giao cấu với nhau nhưng lại không vì bất kỳ mục đích có tính chất nào khác (có nghĩa là cho giao cấu nhưng không có sự thỏa thuận điều kiện như cho giao cấu rồi nhận tiền bạc…). Nếu như mà sự thỏa thuận có kèm theo điều kiện trao đổi là tiền bạc, vật chất thì sẽ cấu thành Tội mua dâm người chưa thành niên.
+ Lưu ý, tội này sẽ chỉ hoàn thành khi có hành vi giao cấu. Nếu như người đã thành niên và người từ 13 đến dưới 16 tuổi có thỏa thuận việc giao cấu thuận tình nhưng mà chưa giao cấu được thì tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý về Tội dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi nếu như thỏa mãn dấu hiệu Tội dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi. Tội này không có giai đoạn chưa đạt.
– Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về nhân phẩm, về danh dự của trẻ em, xâm phạm đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý
– Chủ thể: Chủ thể của tội này có độ tuổi cao hơn so với nhiều tội khác, là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) và phải có năng lực trách nhiệm hình sự.
2.2. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi:
Hình phạt: Điều 146 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
– Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện những hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Phạm tội có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
+ Làm nạn nhân tự sát.
– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm:
– Khách thể: Hành vi nêu trên đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, về danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em.
– Chủ thể: Chủ thể của tội dâm ô đối với trẻ em là bất kỳ người nào đã thành niên và phải có năng lực trách nhiệm hình sự (kể cả nam và nữ).
– Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các dấu hiệu sau đây:
+ Có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm (như dương vật) cọ sát vào cơ thể hoặc các bộ phận sinh dục của trẻ em.
+ Có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát… vào các bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác.
+ Cần lưu ý rằng các hành vi nêu trên đều chưa và không có mục đích giao cấu với trẻ em. Nếu như có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng mà không giao cấu hoặc thực hiện hành vi đó được thì sẽ không phải là hành vi dâm ô mà sẽ tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, về tội cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc là tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc là bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Việc tự nguyện của nạn nhân sẽ không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bởi vì về độ tuổi và nhận thức của nạn nhân rất non nớt, còn chưa được xem là trưởng thành để đủ chín chắn nhìn nhận được việc bản thân đang bị xâm hại. Bởi vậy, về việc xử lý hành vi dâm ô không xem xét về yếu tố tự nguyện của nạn nhân mà điều quan trọng nhất đó chính là độ tuổi của nạn nhân.
+ Đây là tội có cấu thành hình thức, nghĩa là xem về hành vi vi phạm để xác định về trách nhiệm hình sự chứ không căn cứ vào hậu quả hay các tổn hại từ hành vi dâm ô xảy ra như thế nào trên thực tế. Nếu như người thành niên có ý định dâm ô nhưng chưa có các hành vi cụ thể nào (có thể mới chỉ là các hành vi quấy nhiễu tình dục hoặc ôm hôn bình thường) thì không cấu thành tội này.
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
2.3. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi:
Hình phạt: Điều 142 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
– Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc các thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
+ Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Có tính chất loạn luân;
+ Làm nạn nhân có thai;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Có tổ chức;
+ Nhiều người hiếp một người;
+ Đối với người dưới 10 tuổi;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm:
– Khách thể: Đối tượng tác động là người dưới 16 tuổi.
– Khách quan: Tội hiếp dâm người 16 tuổi chia làm hai loại.
+ Loại thứ nhất: Đối với đối tượng từ 13 đến chưa đủ 16 tuổi. Trường hợp này thì người phạm tội thực hiện hành vi giống như là đối với người đã trên 16 tuổi quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự. “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc là lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc các thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đã từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc là “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.
+ Loại thứ hai: Đối với người chưa đủ 13 tuổi thì hành vi hiếp dâm có hai trường hợp:
++ Trường hợp 1: người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc là thủ đoạn khác nhằm giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn với người chưa đủ 13 tuổi (giống như với người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi nêu trên).
++ Trường hợp thứ hai: đối với người chưa đủ 13 tuổi thì chỉ cần có các hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác (không cần có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dù vũ lực hoặc thủ đoạn khác). Bởi lẽ đối tượng là người chưa đủ 13 tuổi là đối tượng yếu thế, không có khả năng để bảo vệ mình nên chỉ cần hành vi giao cấu với những người này cũng cấu thành tội hiếp trẻ em.
– Chủ quan: Lỗi cố ý.
– Chủ thể: Người đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Hình sự 2015;