Việc giữ các loại giấy tờ liên quan trong túi hoặc trong xe khi đang lưu thông trên đường là điều rất quan trọng, một sự quên lãng nhỏ cũng có thể gây ra rắc rối lớn nếu gặp cảnh sát giao thông. Vậy, khi quên mang bằng lái xe phải chứng minh như thế nào với cảnh sát giao thông? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Giấy phép lái xe là gì?
Bằng lái xe, còn được gọi là giấy phép lái xe (GPLX), là một loại chứng chỉ được cấp bởi cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép một cá nhân cụ thể có quyền vận hành và tham gia giao thông bằng các loại xe cơ giới như xe máy, xe mô tô, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container, và các loại xe khác trên đường công cộng.
Điều kiện để được cấp GPLX là phải đảm bảo các yếu tố sau: (i) đủ tuổi quy định tương đương hạng bằng lái, (ii) trải qua quá trình đào tạo và phải hoàn thành một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt tùy yêu cầu của từng loại phương tiện và (iii) các thủ tục khác quy định đối với tường loại phương tiện và từng đối tượng cụ thể. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền về mặt pháp lý để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Khi một người vi phạm luật giao thông, CSGT thường yêu cầu xuất trình GPLX để kiểm tra. Với một số lỗi nhất định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị CSGT giữ bằng lái.
2. Quên mang bằng lái xe thì phải chứng minh với cảnh sát giao thông như thế nào?
Trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ như Giấy đăng ký xe, GPLX, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường… thì sẽ được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 82
– Cán bộ có thẩm quyền sẽ lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện khi họ không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời cũng lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về các hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và tiến hành tạm giữ phương tiện theo quy định;
– Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt đối với hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định. Trong trường hợp này không tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện;
– Người vi phạm xuất trình giấy tờ hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Lưu ý: Chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí khác phát sinh (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ trong trường hợp phương tiện bị tạm giữ theo quy định.
Như vậy, trong trường hợp người điều khiển phương tiện quên mang bằng lái, thì họ chỉ cần xuất trình bổ sung khi đến giải quyết vi phạm trong đúng thời hạn.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống VNeID đã được phát triển để tích hợp các giấy tờ của cá nhân, vì vậy, cá nhân có thể sử dụng giấy tờ xe tích hợp trên VNeID để xuất trình khi được yêu cầu kiểm tra, bao gồm các loại giấy tờ như sau:
Các loại giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông được cảnh sát giao thông kiểm soát được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, bao gồm:
– Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
– GPLX;
– Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ);
– Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực kèm theo bản gốc Giấy biên nhận còn hiệu lực của tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe;
– Đối với các loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định thì còn có yêu cầu thêm Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Khi các cơ sở dữ liệu đã được kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, có thể xác định được thông tin về tình trạng của giấy tờ. Việc kiểm soát thông qua việc kiểm tra và đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị tương đương với việc kiểm tra trực tiếp các giấy tờ.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, người dân có thể sử dụng giấy tờ xe được tích hợp trên VNeID để xuất trình khi được yêu cầu kiểm tra giấy tờ.
3. Bị phạt bao nhiêu tiền khi quên mang bằng lái xe?
Đối với hành vi không mang theo giấy tờ xe khi lưu thông trên đường, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
– Phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo bằng lái xe.
– Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo bằng lái xe.
(Trừ trường hợp có GPLX quốc tế nhưng không mang theo GPLX quốc gia).
– Trường hợp không có GPLX:
+ Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175cm3;
+ Phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự xe mô tô có dung tích xi lanh trên 175cm3;
+ Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
4. Sử dụng bằng lái xe giả sẽ bị xử phạt như thế nào?
Việc xử phạt đối với hành vi sử dụng bằng lái xe giả được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc không có GPLX, GPLX bị tẩy xóa.
– Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và xe mô tô ba bánh mà sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc không có GPLX, GPLX bị tẩy xóa.
– Phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 06 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc không có GPLX, GPLX bị tẩy xóa.
Ngoài việc bị phạt tiền như quy định nêu trên, người điều khiển phương tiện còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu GPLX bị tẩy xóa, GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX không hợp lệ.
Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 của Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì việc sử dụng bằng lái xe giả cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình phạt bao gồm phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ từ 03 năm đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Các mức phạt tù cụ thể sẽ được xác định căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017;
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ; đường sắt; hàng không dân dụng;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông
THAM KHẢO THÊM: