Giới thiệu về Hội đồng kiểm toán nhà nước? Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm toán nhà nước? Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Kiểm toán nhà nước?
Bên cạnh các vị trí lãnh đạo như Tổng Kiểm toán nhà nước, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thì Kiểm toán nhà nước còn bao gồm cả Hội đồng Kiểm toán nhà nước. Đây là thành phần không thể thiếu của Kiểm toán nhà nước giữ chức năng quan trọng trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định khá cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Kiểm toán nhà nước. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp nội dung về vấn đề này.
1. Giới thiệu về Hội đồng kiểm toán nhà nước
Tại Khoản 1 Điều 18 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định như sau:
“1. Hội đồng Kiểm toán nhà nước được thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Tổng Kiểm toán nhà nước thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng; giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện tái thẩm định các báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán.”
Đối chiếu theo quy định này thì có thể thấy Hội đồng kiểm toán nhà nước không phải là cơ quan thường xuyên của kiểm toán nhà nước mà chỉ là cơ quan được thành lập để hoạt động theo vụ việc trong một thời gian nhất định. Hội đồng kiểm toán nhà nước do một Phó tổng Kiểm toán nhà nước làm chủ tịch, các thành viên khác của Hội đồng kiểm toán nhà nước sẽ do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định triệu tập. Thông thường, các thành viên được triệu tập bao gồm: trưởng đoàn kiểm toán đã lập báo cáo kiểm toán, vụ trưởng vụ chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, vụ trưởng vụ Pháp chế, và một thành viên thuộc vụ Tổng hợp. Tùy trường hợp cụ thể, Tổng Kiểm toán Nhà nước được mời các chuyên gia không thuộc kiểm toán nhà nước tham gia hội đồng này. Các chuyên gia này sẽ đóng vai trò góp ý cho các cá nhân khác, đưa ra ý kiến dựa trên những kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm dày dặn của mình, từ đó giúp việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm toán nhà nước được toàn diện nhất có thể.
Hội đồng kiểm toán nhà nước được thành lập khi có bất đồng lớn giữa ý kiến của đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán hoặc có sai phạm lớn trong quá trình kiểm toán. Trong phạm vi nhiệm vụ của mình và trên cơ sở pháp luật, Đoàn Kiểm toán có quyền bảo lưu kiến nghị của mình đối với đơn vị được kiểm toán. Ngược lại, nếu đơn vị được kiểm toán cho rằng báo cáo kiểm toán chưa hợp lý, kiến nghị kiểm toán không phù hợp thì có quyền khiếu nại đến kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành hoặc khu vực và đoàn kiểm toán trực thuộc. Kiểm toán trưởng là người soát xét cuối cùng và nếu kiểm toán trưởng vẫn giữ nguyên ý kiến của đoàn kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại lên Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ thành lập Hội đồng kiểm toán nhà nước tái thẩm định lại báo cáo kiểm toán và đưa ra kết luận cuối cùng.
Hội đồng Kiểm toán nhà nước tự giải thể khi kết thúc nhiệm vụ. (Khoản 2 Điều 18 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019). Như ở trên viết, Hội đồng Kiểm toán nhà nước được thành lập trong các trường hợp cần thiết, sự tồn tại của Hội đồng Kiểm toán nhà nước chỉ trong những thời hạn nhất định, khi thực hiện xong nhiệm vụ được giao thì sẽ tự giải thể. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì Hội đồng Kiểm toán nhà nước bao gồm các cá nhân là các Kiểm toán viên, có nhiệm vụ chuyên trách riêng biệt, chỉ thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng khi hội đồng hoạt động, do đó, khi thực hiện xong nhiệm vụ, thì các cá nhân này lại quay trở về thực hiện nhiệm vụ chuyên trách của họ.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm toán nhà nước
Tạ Khoản 1 Điều 18 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 đã quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm toán nhà nước như sau: “…thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng; giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện tái thẩm định các báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán.”
Theo quy định này, thì có thể chia nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng Kiểm toán nhà nước thành ba nội dung chính, bao gồm:
– Thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng: thẩm định là quá trình kiểm tra, đánh giá lại một cách khách quan, toàn diện các nội dung của báo cáo kiểm toán nhằm đưa ra kết luận về khách quan về hoạt động kiểm toán được thể hiện thông qua nội dung của báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán là một văn bản vô cùng quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp đối với các cơ quan được kiểm toán. Hoạt động thẩm định này đóng vai trò như việc kiểm tra một lần nữa về báo cáo đã được lập, xem báo cáo này liệu rằng có những sai sót, nhầm lẫn gì không. Hội đồng Kiểm toán nhà nước bao gồm nhiều thành viên trong Kiểm toán nhà nước, mỗi cá nhân sẽ thực hiện một nhiệm vụ khác nhau trong hoạt động thẩm định này.
– Giúp Tổng Kiểm toán thực hiện tái thẩm định các báo cáo kiểm toán khi có yêu cầu của đơn vị kiểm toán. Sau khi được ban hành, báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thi hành đối với đơn vị kiểm toán. Tuy nhiên, trong các trường hợp đơn vị kiểm toán vẫn cảm thấy không đồng tình với kết quả kiểm toán thì có quyền yêu cầu Tổng Kiểm toán tái thẩm định lại báo cáo thẩm định đó. Tái thẩm định ở đây là việc kiểm tra lần hai sau một lần thẩm định trước đó, cũng nhằm mục đích xem xét lại toàn bộ nội dung báo cáo kiểm toán, kiểm tra tính đúng đắn, phát hiện những sai sót khi thực hiện kiểm toán. Hội đồng Kiểm toán nhà nước được thành lập độc lập với các chủ thể đã lập báo cáo kiểm toán được yêu cầu tái thẩm định, do đó, các cá nhân này thực hiện hoạt động tái thẩm định là vô cùng quan trọng. Đồng thời, hầu hết các trường hợp yêu cầu tái thẩm định đều là những báo cáo kiểm toán có nội dung dài, phức tạp, nên cần có đội ngũ chuyên môn cao giúp đỡ Tổng Kiểm toán hoạt động tái thẩm định này.
– Giúp Tổng Kiểm toán giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán: Theo Từ điển tiếng Việt, khiếu nại được hiểu là việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét một việc làm mà mình không đồng ý, cho là trái phép hay không hợp lý . Theo Thuật ngữ pháp lý phổ thông khiếu nại là việc yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc người có chức vụ giải quyết việc vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân người khiếu nại. Việc khiếu nại về báo cáo kiểm toán chính là việc các đơn vị kiểm toán đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện xem xét lại báo cáo kiểm toán mà đơn vị kiểm toán cho rằng báo cáo đó là không hợp lý. Hội đồng kiểm toán nhà nước sẽ giúp đỡ Tổng Kiểm toán xem xét lại toàn bộ quá trình kiểm toán để lập nên báo cáo kiểm toán, từ đó sẽ có kết quả nhận xét về hoạt động kiểm toán cũng như báo cáo kiểm toán, làm cơ sở cho Tổng Kiểm toán nhà nước giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán.
3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Kiểm toán nhà nước
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 19 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019, theo đó gồm ba nguyên tắc:
– Làm việc theo chế độ tập thể. Hội đồng Kiểm toán nhà nước là một tập thể, do đó, các cá nhân hoạt động dưới sự chỉ đạo chung của Chủ tịch Hội đồng Kiểm toán, và có sự phối hợp nhau cùng thực hiện nhiệm vụ, không cá nhân nào làm việc tách rời nhau.
– Quyết định theo đa số, ý kiến thiểu số được bảo lưu và báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước. Đối với các vấn đề cần quyết định, thì các cá nhân trong Hội đồng Kiểm toán nhà nước đều có quyền đưa ra ý kiến. Kết quả quyết định sẽ dựa trên lựa chọn được nhiều sự đồng tình hơn, tức nhiều cá nhân đồng tình, còn đối với các ý kiến thiểu số vẫn được bảo lưu và báo cáo lên Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét lại. Việc bảo lưu ý kiến thiểu số và báo cáo cho Tổng Kiểm toán nhà nước là điểm riêng biệt trong Hội đồng Kiểm toán nhà nước khi so sánh với các hội đồng khác.
– Biên bản và các tài liệu của Hội đồng Kiểm toán nhà nước được bảo quản, lưu giữ trong hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Mặc dù hoạt động không thường xuyên, được thành lập khi cần thiết nhưng mọi hồ sơ về hoạt động của Hội đồng Kiểm toán nhà nước đều được lưu lại, việc này vừa có ý nghĩa lưu trữ để làm cơ sở hoặc tài liệu cho các hoạt động khác, đồng thời cũng đề cao trách nhiệm của Hội đồng Kiểm toán nhà nước khi làm việc và được lưu trữ cho hoạt động thanh tra, giám sát.
Có thể nói, việc thành lập Hội đồng kiểm toán nhà nước trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan kiểm toán nhà nước chính là giải pháp đảm bảo tính công khai, công bằng, khách quan và hợp lý của hoạt động kiểm toán nhà nước, đồng thời đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kiểm toán nhà nước.