Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng là gì? Chức năng, nhiệm vụ của Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng? Quyền, nghĩa vụ của Viện pháp y quân đội?
Viện pháp y quân đội là một trong các cơ quan trực thuộc của Bộ Quốc phòng. Hiện nay, các quy định về Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại Nghị định số 85/2013/NĐ- CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ- CP. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về các chức năng, nhiệm vụ của Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
–
–
– Nghị định số 85/2013/NĐ- CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ- CP.
1. Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng là gì?
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này (Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định Tư pháp năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018, năm 2020). Như vậy, hoạt động tư pháp là hoạt động được tiến hành khi hoạt động khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự hoặc khi giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính,… khi có yêu cầu giám định.
Hoạt động giám định tư pháp có thể chia ra thành giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định pháp y tử thi, kỹ thuật hình sự,…
Hoạt động giám định pháp y sẽ do tổ chức giám định pháp y thực hiện. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp thì tổ chức giám định pháp y bao gồm:
“Điều 12. Tổ chức giám định tư pháp công lập
1. Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:
a) Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
c) Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
d) Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an….”
Từ quy định trên, có thể thấy Viện pháp y quân đội thuộc Bộ quốc phòng là tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, tức Viện pháp y quân đội này do cơ quan nhà nước thành lập, đây là một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Hiện nay Viện pháp y quân đội được tổ chức gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, và viện giám định pháp y quân đội được tổ chức thành các phòng ban chức năng riêng. Và Viện pháp y quân đội này có con dấu riêng.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng
Điều 5 Nghị định số 85/2013/NĐ- CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ- CP thì Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng có các chức năng, nhiệm vụ sau đây:
“a) Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
b) Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;
c) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Quốc phòng;
d) Tổng kết, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức hoạt động giám định pháp y trong quân đội theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi báo cáo về Viện pháp y quốc gia;
đ) Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Viện pháp y quân đội có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định phải là giám định viên tư pháp.
Việc bổ nhiệm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện pháp y quân đội được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.”
Như vậy, Viện pháp y quân đội sẽ tiến hành giám định pháp y theo quy định pháp luật tố tụng, tức là khi có yêu cầu trưng cầu giám định. Theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì các trường hợp phải tiến hành trưng cầu giám định đó chính là:
“Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”
Như vậy, có thể thấy Viện pháp y quân đội thực hiện hoạt động giám định pháp y, tức là sẽ thực hiện hoạt động giám định pháp y về tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động.
Viện pháp y quân đội thực hiện hoạt động giám định pháp y khi có yêu cầu trưng cầu giám định pháp y. Khi các đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Các cơ quan có thẩm quyền này sẽ thực hiện giám định pháp y khi đúng thẩm quyền, và không thuộc trường hợp phải từ chối giám định.
Viện pháp y quân đội còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Khoa học pháp y đóng vai trò quan trọng đối với việc xét xử, giải quyết vụ án. Khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học chính là việc phát minh, nghiên cứu ra những phương thức giám định mới, hiệu quả hơn, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc giám định pháp y,…
Bên cạnh đó, Viện pháp y quân đội thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Quốc phòng. Hợp tác quốc tế là hoạt động không thể thiếu ở ngày thay, bên cạnh việc giám định, nghiên cứu trong nước, thì Viện pháp y quân đội còn thực hiện hoạt động liên kết giám định, nghiên cứu với các quốc gia khác theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Và cuối cùng, là Viện pháp y quân đội còn có nhiệm vụ tổng kết, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức hoạt động giám định pháp y trong quân đội theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi báo cáo về Viện pháp y quốc gia. Đây là hoạt động không thể thiếu, thể hiện rõ sự quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tê, Bộ Tư pháp đối với hoạt động giám định pháp y của Viện Pháp y. Thông qua hoạt động tổng kết, báo cáo mà cơ quan có thẩm quyền biết được những kết quả đã đạt được, cũng hạn chế, tồn tại cũng như khó khăn trong khi thực hiện các nhiệm vụ của Viện pháp y quân đội, từ đó tìm ra phương hướng để giải quyết khó khăn, đồng thời phát triển.
3. Quyền, nghĩa vụ của Viện pháp y quân đội
Là một tổ chức giám định pháp y, thì bên các quy định riêng về chức năng, nhiệm vụ thì Viện pháp y quân đội còn có các quyền, và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Theo đó, tại Điều 25. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư phá của Luật này quy định như sau:
“1. Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có quyền:
a) Yêu cầu người trưng cầu, người yêu cầu giám định cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật cần thiết cho việc giám định;
b) Từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm;
c) Được nhận tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; được thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp khi trả kết quả giám định.
2. Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó và thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn.
Người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định, trường hợp cần có từ 02 người trở lên thực hiện vụ việc giám định thì phải phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định;
b) Bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.
Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết;
c) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người thực hiện giám định do mình phân công cố ý kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức;
d) Trường hợp từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp thì phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn;
đ) Chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp do mình đưa ra.”
Khi thực hiện các hoạt động giám định pháp y thì Viện pháp y quận đội được thực hiện các quyền như trên, đó là được yêu cầu cung cấp thông tin, được quyền từ chối giám định pháp y và có quyền được nhận tạm ứng chi phí giám định. Bên cạnh các quyền thì Viện pháp y quân đội cũng phải thực hiện các nghĩa vụ của mình, đó là phân công giám định viên thực hiện giám định, bảo đảm các điều kiện để giám định, chịu trách nhiệm về kết luận giám định,… Với đặc thù của mình, thì Viện pháp y quân đội thực hiện hoạt động giám định pháp y thuộc khối quân đội, nên Viện pháp y quân đội cũng phải tuân theo những quy định, nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao cho.