Hiện nay, việc tách khẩu đã được pháp luật đơn giản hóa khá nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp không ít khó khăn và vướng mắc liên quan đến vấn đề này. Câu hỏi được nhiều người quan tâm hơn cả là: Chủ hộ không đồng ý thì có tách sổ hộ khẩu được hay không?
Mục lục bài viết
1. Chủ hộ không đồng ý thì có tách hộ được không?
Tách hộ khẩu (hay còn gọi ngắn gọn tách hộ) là khái niệm để chỉ là việc một người đang đăng ký thường trú và có tên trong hộ khẩu làm các thủ tục xóa tên trong hộ khẩu đó (hay còn gọi là xóa đăng ký thường trú) và đăng ký hộ mới (tại cùng chỗ ở hợp pháp đó). Như vậy, kết quả của việc tách hộ là việc cho ra đời một hộ mới có thông tin của người được tách hộ. Liên quan đến vấn đề hộ khẩu thì hiện nay nhiều người thắc mắc rằng: nếu như chủ hộ không đồng ý thì có tách được hộ hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về cư trú. Cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 27 của văn bản hợp nhất Luật Cư trú năm 2020 hiện hành có thể thấy quy định việc tách hộ như sau: Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách hộ bao gồm:
– Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự và có nhu cầu tách hộ;
– Người đã nhập vào hộ khẩu theo quy định của pháp luật về cư trú mà được chủ hộ đồng ý cho tách hộ bằng văn bản.
Do đó có thể thấy, theo quy định của pháp luật về cư trú hiện nay thì để tách hộ, cần đáp ứng được hai điều kiện cần và đủ đó là: người yêu cầu tách hộ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật về dân sự và có nhu cầu tách hộ dựa trên mong muốn của bản thân, ngoài ra thì cần phải có sự đồng ý của chủ hộ đối với yêu cầu tách khẩu và sự đồng ý này phải được trả lời bằng văn bản rõ ràng. Như vậy đối với câu hỏi: Chủ hộ không đồng ý thì có tách hộ được không? Thì câu trả lời sẽ là không, dựa vào quy định của pháp luật nêu trên.
2. Mức xử phạt đối với hành vi không tạo điều kiện cho người có nhu cầu tách hộ:
Tại thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, có quy định rõ: Người đứng tên chủ hộ phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng đứng tên trong hộ được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội và không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, đối với hành vi cản trở của người đứng tên trong hộ thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu các chế tài nhất định. Nếu như trường hợp người đứng tên chủ hộ mà cố tình gây khó khăn hoặc gây những trở ngại, không cho những người cùng có tên trong hộ khẩu được phép sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo nhu cầu của bản thân trong khi những công việc đó lại phù hợp với quy định của pháp luật thì tùy vào từng tính chất và mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý.
Ngoài ra, căn cứ theo nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi cản trở này của chủ hộ sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 8 của nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Chính vì thế mà để giải quyết thì các chủ thể có thể làm đơn đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là công an cấp quận huyện nơi mà gia đình cư trú để trình bày về vấn đề này và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để chú hộ đồng ý cho việc tách hộ của mình.
3. Hồ sơ và thủ tục tách hộ được quy định như thế nào?
Nhìn chung thì thủ tục tách hộ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú, có thể căn cứ tại khoản 3 của Điều 25 văn bản hợp nhất Luật Cư trú năm 2020 hiện hành thì sẽ phải trải qua các giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Các chủ thể có nhu cầu tách khẩu sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Nhìn chung thì hồ sơ tách hộ sẽ bao gồm: tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo mẫu do pháp luật có quy định phù hợp về mặt nội dung và hình thức, trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú đó sẽ phải nêu rõ ý kiến đồng ý tách hộ của chủ hộ cũng như chủ sở hữu hợp pháp chỗ ở, tuy nhiên quy định này sẽ không áp dụng đối với trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản. Ngoài ra đối với trường hợp tách hộ sau ly hôn theo quy định của pháp luật về cư trú thì hồ sơ tách hộ sẽ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo quy định của pháp luật phù hợp về nội dung và hình thức, kèm theo các giấy tờ và tài liệu chứng minh việc ly hôn đúng quy định của pháp luật và việc tiếp tục sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì người đăng ký tách hộ sẽ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là cơ quan đăng ký cư trú tại địa phương. Chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ sẽ phải xem xét và đánh giá hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Bước 3: Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì trong thời hạn luật định đó là 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký cư trú phải có trách nhiệm tiến hành thẩm định và cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú cũng như thông báo cho các chủ thể tiến hành đăng ký về việc đã cập nhật thông tin theo đúng quy định của pháp luật, Đối với trường hợp từ chối giải quyết quá trình tách khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng, nếu như xét thấy hồ sơ thiếu cần phải bổ sung thì cần phải hướng dẫn các chủ thể nộp hồ sơ tiến hành chỉnh sửa sao cho phù hợp với quy định.
4. Một số lưu ý khi tiến hành tách hộ:
Khi công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thủ tục tách hộ thì cần phải lưu ý những điều sau đây:
Thứ nhất, điều kiện tách hộ khẩu theo quy định của pháp luật. Hiện nay vấn đề này được quy định cụ hiện nay vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 27 của văn bản hợp nhất Luật Cư trú năm 2020 hiện hành, bao gồm những điều kiện đó là người yêu cầu tách hộ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách hộ phù hợp với mong muốn của bản thân và không trái quy định của pháp luật, đồng thời còn phải có sự đồng ý của chủ hộ bằng văn bản về việc tách hộ.
Thứ hai, khi yêu cầu tách hộ thì cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo như phân tích ở trên. Đồng thời phải nộp hồ sơ tách hộ đúng thẩm quyền và đúng cơ quan nhà nước. Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại công an cấp quận huyện, còn đối với cấp tỉnh thì sẽ nộp hồ sơ tại công an xã phường thị trấn thuộc huyện hoặc công an xã, công an thành phố thuộc tỉnh.
Thứ ba, cần lưu ý thêm về thời hạn giải quyết như đã phân tích ở trên. Riêng đối với trường hợp không giải quyết thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Ngoài ra, vấn đề lệ phí, thì đây là trường hợp được miễn thu lệ phí khi tiến hành tách sổ hộ.
Nhìn chung có thể nói, tách hộ là một vấn đề quan trọng và cần thiết trong đời sống xã hội ngày nay. Vì nhiều lý do khác nhau mà các chủ thể có nhu cầu muốn tách hộ. Dựa trên chức năng và nhiệm vụ của mình thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cần phải đáp ứng nhu cầu này của người dân sao cho đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định cũng như đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Cư trú năm 2020;
– Thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.