Khi đọc một tác phẩm, không phải người đọc nào cũng có thể hiểu được hết các từ ngữ được tác giả sử dụng trong tác phẩm của mình. Do đó, việc thực hiện chú giải cho tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người đọc hiểu được tối đa câu từ và ý mà tác giả muốn truyền tải tới người đọc.
Mục lục bài viết
1. Chú giải là gì?
Chú giải là việc viết lời giải thích các chỗ khó trong tác phẩm để cho người đọc hiểu rõ.
Chú giải tiếng Anh là “Annotation”.
2. Người chú giải là gì?
Người chú giải tác phẩm là người cắt nghĩa nội dung, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm gốc để làm rõ nghĩa tác phẩm hoặc các phần riêng biệt của tác phẩm.
Người chú giải tiếng Anh là “Annotator”.
3. Tác phẩm chú giải là gì?
Tác phẩm chú giải là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc.
Tác phẩm chú giải tiếng Anh là “Annotated works”.
4. Quy định về chú giải tác phẩm và người chú giải tác phẩm:
4.1. Quy định về người chú giải tác phẩm:
Người chú giải tác phẩm có thể là tác giả, nhà xuất bản cũng có thể là những người khác.
Việc chú giải tác phẩm thường được thể hiện bằng việc giải thích, diễn giải.
Phần chú giải được in ở phần cuối cùng của mỗi trang để cắt nghĩa, giải thích thêm về một hoặc một số nội dung nhất định trong tác phẩm.
Người chú giải tác phẩm là tác giả của phần chú giải.
4.2. Quy định về tác phẩm chú giải:
Theo Khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm chú giải là một trong những loại hình tác phẩm của tác phẩm phái sinh, được tạo ra dựa trên một tác phẩm khác và không được gây phương hại tới tác phẩm được dùng để làm tác phẩm chú giải.
Tác phẩm được bảo hộ kể từ khi được sáng tạo ra và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định mà không cần tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền. Mặc dù việc tiến hành thủ tục đăng ký quyền tác giả là không bắt buộc, tuy nhiên việc đăng ký lại là cần thiết để bảo bảo tối ưu quyền lợi của tác giả. Khi tranh chấp xảy ra, việc tác giả đăng ký bản quyền sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Tác phẩm chú giải là một dạng của tác phẩm phái sinh, do đó, tác phẩm chú giải tuân thủ theo các yêu cầu của pháp luật sở hữu trí tuệ về tác phẩm phái sinh, theo đó:
Đặc điểm của tác phẩm phái sinh
– Được hình thành trên cơ sở một tác phẩm đã có
Tùy vào từng trường hợp mà bạn có thể cần xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc hoặc không.
– Tác phẩm phái sinh phải giữ được dấu ấn của tác phẩm chính
Nói cách khác, tác phẩm phái sinh phải dẫn công chúng liên tưởng tới tác phẩm gốc. sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc.
– Phải có sự sáng tạo đủ lớn
Để được công nhận là một tác phẩm phái sinh thì tác phẩm phải có sự sáng tạo đủ lớn từ tác giả. Tuy nhiên, cần xem xét để tránh trường hợp sự sáng tạo trở thành hành vi xâm phạm Quyền nhân thân của tác phẩm gốc.
– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được tạo ra
Quyền tác giả của tác phẩm phái sinh phát sinh khi tác phẩm được tạo ra, được bảo hộ mà không phụ thuộc vào việc đăng ký. Tuy vậy, khi xảy ra tranh chấp, nghĩa vụ chứng minh nội dung của tác phẩm thuộc về tác giả.
Điều kiện đối với tác phẩm phái sinh
– Tác phẩm phái sinh không được gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc
Cụ thể được quy định tại Khoản 2 Điều 14
” Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.”
Vậy tác phẩm phái sinh nếu như được sáng tạo ra mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân hay quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì không được pháp luật bảo hộ.
– Khi làm tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định, nếu làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
Căn cứ pháp lý cho điều kiện này tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019:
” Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.”
– Tác phẩm phái sinh phải mang dấu ấn riêng của tác giả
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc nhưng có sự mới mẻ trong lối hành văn, cách truyền đạt… Những điều này tạo nét riêng cho tác phẩm phái sinh và thể hiện sự đặc trưng, dấu ấn của tác giả với công chúng.
Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh
Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Cụ thể:
– Quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 bao gồm:
+ Đặt tên cho tác phẩm;
+ Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
– Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
– Quyền tác giả được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 bao gồm:
+ Làm tác phẩm phái sinh;
+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
– Sao chép tác phẩm;
+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
+ Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Quy định về làm tác phẩm phái sinh
– Theo quy định của
Như vậy, trước khi làm tác phẩm phái sinh cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm về việc cho phép thực hiện.
– Về thủ tục chuyển nhượng quyền làm tác phẩm phái sinh được thực hiện như sau:
Sau khi được sự đồng ý của tác giả tác phẩm, bạn phải lập một hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Nội dung hợp đồng bao gồm:
+ Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
+ Căn cứ chuyển nhượng;
+ Giá, phương thức thanh toán;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
– Ngoài ra, phải thanh toán một Khoản thù lao nhất định cho tác giả theo nguyên tắc sau:
+ Việc trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với thực tiễn của đất nước.
+ Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm.
+ Việc sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải có hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.
Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của tác giả có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Đồng thời buộc phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm theo quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, cụ thể:
“Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
5. Các tác phẩm phái sinh khác:
Tác phẩm dịch
Là tác phẩm phái sinh được thể hiện bởi ngôn ngữ khác biệt với ngôn ngữ mà tác phẩm gốc thể hiện, sự sáng tạo của tác phẩm phái sinh được thông qua cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Tuy nhiên, bản dịch phải sát nghĩa, không diễn đạt sai ý của tác giả.
Tác phẩm phóng tác
Là tác phẩm phỏng theo nội dung của tác phẩm gốc nhưng có sự sáng tạo rõ rệt về mặt nội dung, tư tưởng, để làm cho nó trở thành một tác phẩm hoàn toàn mới, khác biệt so với tác phẩm gốc. Chẳng hạn như viết lại thành một tác phẩm khác theo một yêu cầu nhất định.
Tác phẩm chuyển thể
Là tác phẩm được hình thành từ tác phẩm văn học sang một loại hình khác. Ví dụ: chuyển thể từ tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh. Tác phẩm gốc có thể là tiểu thuyết, trường ca, truyện dài… hoặc cũng có thể là tác phẩm kịch (sân khấu) được chuyển thành kịch bản điện ảnh, nhạc kịch…
Tác phẩm cải biên
Là sửa đổi hoặc biên soạn lại một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên một phần hoặc toàn bộ Tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới. Khi cải biên tác phẩm, người cải biên phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.
Tác phẩm biên soạn
Là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo. Ví dụ: biên soạn từ điển, giáo trình, bài giảng, sách.
Tác phẩm tuyển chọn
Là tác phẩm tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung tác phẩm gốc) theo các tiêu chí thành một tác phẩm đầy đủ hơn. Có thể là bộ sưu tập các bài thơ, truyện ngắn, bài hát,…
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009;
– Nghị định 131/2013/NĐ-CP.