Chủ doanh nghiệp tư nhân có được mở công ty trách nhiệm hữu hạn không? Chủ của doanh nghiệp tư nhân có được phép đứng tên thành lập một công ty TNHH khác không?
Nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có mong muốn thành lập thêm công ty trách nhiệm hữu hạn nhằm mục đích mở rộng thêm hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên chủ doanh nghiệp tư nhân có được mở công ty trách nhiệm hữu hạn không? Đây là vấn đề mà nhiều người băn khoăn, vướng mắc. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này bài viết sau sẽ giúp bạn đọc nắm rõ hơn.
I.CĂN CỨ PHÁP LÝ.
–Luật doanh nghiệp 2020
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn
a,Doanh nghiệp tư nhân.
Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp tư nhân là:
“1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”
Theo quy định trên thì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không đáp ứng được theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”
Cá nhân chính là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chính là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân đó. Chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ có toàn quyền quyết định đối với toàn bộ những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cũng là người có toàn quyền quyết định về việc sử dụng lợi nhuận của công ty sau khi đã nộp thuế và phải thực hiện những nghĩa vụ tài chính khác theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác về doanh nghiệp mình làm giám đốc để thực hiện quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân vẫn được đăng ký kinh doanh, có Mã số thuế, con dấu tròn doanh nghiệp, được thực hiện các chế độ kế toán hiện hành và được quyền in ấn và phát hành các loại hóa đơn theo đúng quy định của luật doanh nghiệp tuy nhiên doanh nghiệp tư nhân không có điều lệ công ty.
b,Công ty trách nhiệm hữu hạn.
b.1 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
b.2 Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.
Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”
Theo đó các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chỉ cần chịu trách nhiệm về khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn góp. Số lượng các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn là từ 2 – 50 người. Việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên phải có sự đồng ý của các thành viên khác và phải ưu tiên chuyển nhượng cho những thành viên trong công ty trước. Công ty trách nhiệm hữu hạn không bị giới hạn về ngành nghề kinh doanh và không được tiến hành phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Luật sư
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có được mở công ty trách nhiệm hữu hạn không?
Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:
“3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”
Có thể thấy pháp luật chỉ cấm một chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân thành lập 2 doanh nghiệp tư nhân, không thành lập thêm hộ kinh doanh, trở thành thành viên công ty hợp danh. Ngoài ra chế định chỉ điều chỉnh doanh nghiệp tư nhân không được góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần mà không nghiêm cấm thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
“3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.”
Pháp luật quy định hạn chế như trên vì khi chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh sẽ gây rủi ro cho các chủ thể tham gia quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, hộ kinh doanh và khi giải quyết trách nhiệm tài sản sẽ gây ra nhiều vấn đề bất cập khác.
II.TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi có thắc mắc muốn nhờ luật sư tư vấn về vấn đề sau: Doanh nghiệp tư nhân của tôi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào năm 2020. Hiện nay tôi muốn đăng ký thêm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì có hợp pháp không? Nếu được thì khi doanh nghiệp tư nhân của tôi bị tuyên bố phá sản không phải do lý do bất khả kháng thì công ty trách nhiệm hữu hạn mới có bị ảnh hưởng gì không? Cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Luật Dương Gia xin cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi ưu ái gửi câu hỏi đến Luật Dương Gia. Với thắc mắc của anh/chị, Luật Dương Gia xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, Khoản 3, khoản 4 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:
“3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”
Pháp luật chỉ cấm một chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân thành lập 2 doanh nghiệp tư nhân, không thành lập thêm hộ kinh doanh, trở thành thành viên công ty hợp danh. Ngoài ra chế định chỉ điều chỉnh doanh nghiệp tư nhân không được góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần mà không nghiêm cấm thành lập công ty TNHH một thành viên. Do đó, bạn có thể đăng ký thêm công ty TNHH một thành viên theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Thứ hai, Hậu quả pháp lý xảy ra khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản không phải do lý do bất khả kháng:
Về tư cách chủ sở hữu, công ty TNHH một thành viên mới thành lập thì theo khoản 3, khoản 4 Điều 130 Luật phá sản năm 2014 quy định:
Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản
“3. Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
4. Quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng.”
Bạn là chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên nên sẽ giữ chức danh chủ tịch công ty. Bạn có thể kiêm giám đốc hoặc thuê giám đốc nhưng dù trong trường hợp nào thì bạn cũng giữ chức danh quản lý công ty TNHH bởi theo khoản 24 Điều 4
“Người quản lý doanh nghiệp là n là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Xét quan hệ tài sản, nếu tài sản kinh doanh của bạn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân không đủ để thanh toán nợ thì các tài sản còn lại của bạn sẽ được sử dụng để tiếp tục trả nợ cho đến khi hết nợ do chế độ của doanh nghiệp tư nhân là chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản. Sau khi bán công ty TNHH thì phần tài sản thu được sẽ thuộc phạm vi trả nợ nếu chưa trả hết.
Trên đây là nội dung tư vấn Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hay không mà Luật Dương Gia gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì còn vướng mắc, băn khoăn, hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin trên Website hoặc tổng đài hỗ trợ trực tuyến 19006568 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!