Chồng có thể nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu của vợ? Thủ tục chuyển nơi đăng ký thường trú từ nơi có hộ khẩu thường trú đến nơi ở mới.
Chồng có thể nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu của vợ? Thủ tục chuyển nơi đăng ký thường trú từ nơi có hộ khẩu thường trú đến nơi ở mới.
Tóm tắt câu hỏi:
Trước kia em có nhập hộ khẩu theo diện nhập nhờ và tách sổ hộ khẩu luôn. Nhập vào với sổ của mợ. Em chưa có đất và nhập hộ khẩu vào nhà đứng tên mợ. Hiện tại mới kết hôn và muốn chồng nhập vào sổ hộ khẩu của mình thì có hợp lệ không. Em cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
+ Luật cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013.
2. Nội dung tư vấn:
Trước hết, theo quy định tại Điều 24 Luật cư trú năm 2006 , sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú cho công dân.Sau khi nhập hộ khẩu vào nhà mợ thì bạn đã tiến hành tách sổ hộ khẩu và đã được cấp một sổ hộ khẩu riêng cho cá nhân, và bạn là chủ của sổ hộ khẩu.Theo thông tin thì hiện nay bạn mới kết hôn và đang muốn chồng của bạn nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu mang tên bạn. Trong trường hợp này, việc chồng bạn nhập vào hộ khẩu vào sổ hộ khẩu mang tên bạn được xác định là việc chồng bạn muốn đăng ký thường trú tại nơi bạn đang cư trú, đang có sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên, trong thông tin bạn không nói rõ, nơi bạn đang cư trú và có sổ hộ khẩu – nơi chồng bạn đang dự định đăng ký thường trú ở đây là quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh; hay là quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp này, nếu chồng bạn muốn nhập hộ khẩu vào nơi bạn đang có sổ hộ khẩu là quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thì căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), chồng bạn chỉ cần đáp ứng điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh là có chỗ ở hợp pháp. Trong trường hợp cả bạn và chồng bạn đều không có chỗ ở hợp pháp tại nơi bạn có hộ khẩu, mà đang ở nhờ, mượn, thuê nhà mợ của bạn. Trong trường hợp này, chỉ cần có sự đồng ý bằng văn bản của mợ bạn về việc chồng bạn được cư trú tại nhà của mợ thì chồng bạn sẽ đủ điều kiện để đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu vào nơi bạn có sổ hộ khẩu.
Trong trường hợp nơi chồng bạn dự định nhập hộ khẩu là thành phố trực thuộc trung ương, chồng bạn có quyền nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu mang tên bạn theo diện chồng về ở với vợ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), cụ thể:
"Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú trực thuộc trung ương.
…
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại; anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột".
Trong trường hợp này, để có thể thực hiện việc đăng ký thường trú theo diện chồng về ở với vợ thì chồng bạn cần nhận được sự đồng ý của người có hộ khẩu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về thủ tục đăng ký thường trú: 1900.6568
Để có thể thực hiện việc đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu của chồng bạn vào sổ hộ khẩu của bạn thì chồng bạn cần tiến hành các thủ tục chuyển hộ khẩu từ nơi đang đăng ký thường trú và tiến hành nhập hộ khẩu, đăng ký thường trú tại nơi mà bạn đang có sổ hộ khẩu. Cụ thể:
Thủ tục chuyển hộ khẩu và đăng ký thường trú
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật cư trú năm 2006 thì công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp Giấy chuyển hộ khẩu. Giấy chuyển hộ khẩu sẽ được cấp cho công dân trong các trường hợp: chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Do vậy, khi chồng bạn muốn nhập hộ khẩu vào trong sổ hộ khẩu mà bạn đang đứng tên thì chồng bạn đang di chuyển nơi thường trú nên cần phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chuyển hộ khẩu. Về thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu thì theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú năm 2006 ; và được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 35/2014/TT- BCA chồng bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo nhân khẩu hộ khẩu nộp cho Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp Giấy chuyển hộ khẩu cho bạn. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của cơ quan quản lý cư trú nơi chồng bạn chuyển đến (nơi bạn có hộ khẩu) thì cơ quan công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi chồng bạn chuyển đi sẽ phải chuyển hồ sơ đăng ký, quản lý hộ khẩu cho công an cùng cấp nơi chồng bạn chuyển đến.
Theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú năm 2006 thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
– Giấy chuyển hộ khẩu
– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, chứng minh các trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú. Cụ thể như chồng bạn chuyển đến đăng ký thường trú tại nơi bạn đang có sổ hộ khẩu theo diện chồng về ở với vợ, thì trong hồ sơ đăng ký thường trú cho chồng bạn cần chuẩn bị thêm chứng cứ chứng minh quan hệ vợ, chồng của bạn và chồng bạn như Giấy đăng ký kết hôn; sổ hộ khẩu của bạn; Giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 35/2014/TT- BCA).
Nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú, cụ thể là cơ quan Công an quận, huyện, thị xã trong trường hợp nơi bạn có hộ khẩu là thành phố trực thuộc trung ương; là cơ quan công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong trường hợp nơi bạn có hộ khẩu là thuộc tỉnh. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải nhập hộ khẩu cho chồng bạn vào sổ hộ khẩu của bạn.