Ở tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều rất quan tâm tới việc thực hiện theo các chính sách pháp luật trên tất cả các lĩnh vực và nhất là lĩnh vực y tế. Tại Việt Nam đây cũng là một vấn đề rất cần thiết và được Đảng ta xây dựng rất chặt chẽ và áp dụng trên cả nước.
Mục lục bài viết
1. Chính sách y tế là gì?
Chính sách y tế là các định hướng mang tính chiến lược trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu đáp ưng nhu cầu về y tế một cách công bằng, có hiệu quả và đảm bảo phát triển xã hội bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ các nhóm dân cư nghèo nhất trong xã hội thông qua hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ kế hoạch hoá gia đình, cung cấp nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường, hỗ trợ giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hoá và hỗ trợ trong y tế. Nếu không có các chương trình này, những người dân nghèo, dân sống ở các vùng khó khăn, vùng núi và vùng sâu, vùng xa sẽ khó tránh khỏi tụt hậu so với các vùng khác.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo phải kể đến là gánh nặng chi phí y tế của các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo. Một lần nữa, khi sống trong nghèo đói người ta lại dễ bị ốm đau và bệnh tật thường nặng nề hơn. Như vậy tạo nên vòng xoắn của sự đói nghèo.Chính sách y tế và xã hội. Mô hình bệnh tật kép, nghĩa là trong lúc các bệnh lây nhiễm vẫn đang chiếm tỷ lệ không nhỏ thì nguy cơ cũng như tỷ lệ hiện mắc các bệnh không lây nhiễm lại khá cao. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng ngày càng tăng và đa dạng nhưng mức độ đáp ứng còn chậm không chỉ đối với khu vực kinh tế phát triển hơn mà còn ở cả các vùng nghèo, vùng khó khăn.
Sự mất công bằng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế đang có xu hướng gia tăng.Hiệu quả của đầu tư cho y tế còn hạn chế, nhiều mục tiêu đã đạt được theo tiến độ, nhiều mục tiêu chưa đạt. Các cơ sở y tế được đầu tư chưa thật hợp lý và vẫn chậm chuyển đổi trong nền kinh tế thị trường. Chất lượng dịch vụ còn hạn chế không chỉ do thiếu nguồn lực mà còn do quá trình hoạt động sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả. Năng lực sản xuất, cung ứng, phân phối thuốc còn nhiều bất cập. Giá thuốc trên thị trường thường bất ổn định. Người dân chưa thực sự tham gia để giải quyết các vấn đề tồn tại của chính cộng đồng mình. Nhiều chính sách chưa chuyển đổi kịp thời và thiếu sự cam kết một cách mạnh mẽ về tài chính.
Chính sách y tế tiếng anh là ” Health Policy”.
2. Chính sách y tế hiện hành của Việt Nam:
Bất cứ một quốc gia dân chủ nào, việc Nhà nước quan tâm hàng đầu là đảm bảo công bằng xã hội. Cho dù Việt Nam đã chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung của thời kỳ quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường, định hướng XHCN vẫn được coi trọng và là tư tưởng xuyên suốt của các chính sách xã hội, trong đó có chính sách y tế. Tại sao cần có công bằng xã hội?
Trong thời kỳ bao cấp, mọi người được hưởng các dịch vụ xã hội gần như nhau. Sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội không lớn và không phải là vấn đề bức xúc. Trong cơ chế thị trường, phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn. Người có thu nhập cao dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội nhiều hơn nhóm có thu nhập thấp nhiều lần. Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm điều hoà sự cách biệt đó, giảm bớt sự phân hoá giàu nghèo trong thu nhập bằng các chương trình xoá đói giảm nghèo, giảm bớt khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhóm thu nhập thấp bằng thực hiện khám chữa bệnh (KCB) không mất tiền cho họ và một loạt các chính sách khác.
Quá trình xây dựng chính sách y tế ở Việt Nam về cơ bản không khác với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên cũng có những đặc điểm khá đặc trưng, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng, nghĩa là mang màu sắc chính trị rất rõ, hay nói cách khác, đó là sự cam kết chính trị của cấp lãnh đạo xã hội cao nhất, không chỉ ở Trung ương mà cả các địa phương.
Xuất phát điểm của một chính sách thường là những phát hiện về các vấn đề tồn tại trong công tác y tế mà các tài liệu nước ngoài thường gọi là “vấn đề sức khoẻ”. Các vấn đề này có thể nhận biết qua phân tích số liệu thống kê khách quan dựa vào bằng chứng và cũng có thể là từ ý chí quyết tâm thực hiện đường lối chính trị nhất quán về công bằng xã hội của Đảng và Chính phủ. Trong khi xây dựng Nhà nước pháp quyền, vai trò của Quốc hội rất lớn. Nhiều chính sách y tế có xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân và được thể hiện qua các đại biểu Quốc hội. Quốc hội cũng đề xuất các nghị quyết, pháp lệnh như một chính sách lớn để toàn dân thực hiện thông qua bộ máy hành chính các cấp.
Thông thường, Bộ Y tế phát hiện các vấn đề tồn tại mà vấn đề này thông thường chỉ riêng ngành y tế không thể giải quyết được, để đề xuất lên Chính phủ, xin phép xây dựng các chính sách. Sau khi có ý kiến tham mưu của các Bộ, ngành liên quan, Chính phủ quyết định cho xây dựng chính sách đó. Nếu chính sách lớn và tổng thể, Ban Bí thư Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị sẽ quyết định và cho phép xây dựng các văn bản có tính chính sách của Đảng (ví dụ Nghị quyết Đại hội Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IV năm 1994 hay Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005). Nếu vấn đề không quá lớn, Chính phủ sẽ ra các văn bản chính sách, hoặc giao cho BYT ra các văn bản chính sách của ngành.
Dựa trên quyết định của Đảng và Chính phủ, các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia về chính sách và có cả sự tham gia của những người lãnh đạo các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương sẽ xây dựng bản dự thảo chính sách dưới dạng các văn bản pháp quy của Chính phủ như: Quyết định, Nghị định, Chỉ thị. Bản dự thảo trên sẽ được Chính phủ, Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị phê chuẩn sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.
Bộ Y tế sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách. Đó là các thông tư liên bộ hoặc thông tư liên tịch có hiệu lực của các quyết định chính sách rất mạnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng Bộ Y tế triển khai kế hoạch hàng năm, có đảm bảo về tài chính, có sự chỉ đạo thực hiện của UBND địa phương. Trường hợp liên quan tới tổ chức và nhân lực, sẽ có sự tham gia của Bộ Nội vụ trong các thông tư liên bộ. Bộ Y tế ra các văn bản như thông tư, quyết định, chỉ thị, quy chế, hướng dẫn v.v…
Việc triển khai các chính sách được theo dõi và giám sát bởi cơ quan y tế và các cấp chính quyền địa phương. Qua đây phát hiện các vấn đề tồn tại cần điều chỉnh hàng năm hoặc sửa đổi nội dung các giải pháp ở tầm vĩ mô để trình Chính phủ phê duyệt. Việc thực hiện chính sách có thể thông qua các chương trình, dự án và cũng có thể dựa trên các hoạt động thường quy trước đó. Sau đây là các quan điểm và một số chính sách lớn về y tế hiện nay.
3. Quan điểm chăm sóc sức khỏe:
Ở Việt Nam, Nghị quyết của Đảng là chính sách có hiệu lực mạnh nhất. Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23 tháng 2 năm 2005 là một văn bản về chính sách y tế. Có thể coi đây là chính sách của các chính sách y tế. Trong Nghị quyết 46 đã đưa ra năm quan điểm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Quan điểm 1: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển, quan điểm này thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
Quan điểm 2: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Đây là một quan điểm mới của Đảng nhằm chỉ rõ đường lối xây dựng hệ thống y tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà tiêu chí đầu tiên là công bằng, hiệu quả và phát triển, đồng thời là một định hướng lớn để phát triển y tế trong điều kiện kinh tế thị trường. Công bằng phải đi đôi với hiệu quả và phát triển. Không chia đều sự nghèo khó cho mọi người. Chúng ta phải hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, thuận lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng được những yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của các tầng lớp xã hội; xây dựng nền y học có trình độ tiên tiến ngang hành với các nước tiên tiến trong khu vực và tiến tới trình độ thế giới.
Tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Khi kinh tế đất nước phát triển thì chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cũng sẽ được nâng lên; người dân sẽ được hưởng thêm các dịch vụ mà giai đoạn trước chưa có điều kiện đảm bảo, chưa có khả năng tiếp cận các kỹ thuật cao hơn thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại nhất.