Phòng chống thiên tai là một trong những hoạt động cấp thiết mà Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Dưới đây là bài phân tích về chính sách, trách nhiệm Nhà nước về phòng chống thiên tai.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai:
Luật phòng chống thiên tai 2020 quy định về nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai như sau:
– Nguyên tắc 1: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
– Nguyên tắc 2: Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.
– Nguyên tắc 3: Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
– Nguyên tắc 4: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
– Nguyên tắc 5: Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.
– Nguyên tắc 6: Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Nguyên tắc 7: Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.
2. Chính sách, trách nhiệm Nhà nước về phòng chống thiên tai:
Điều 5 Luật phòng chống thiên tai quy định về các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai như sau:
– Nhà nước luôn có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ.
– Nhà nước đẩy mạnh đào tạo, giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai.
– Nhà nước luôn đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thường xuyên bị thiên tai; di dời dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, ưu tiên vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đối tượng dễ bị tổn thương.
– Nhà nước Việt Nam luôn có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động phòng, chống thiên tai. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai.
– Chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai; hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh ở vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phòng, chống thiên tai; chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp cho phòng, chống thiên tai cũng được Nhà nước đẩy mạnh thực hiện.
Trên đây là các chính sách phòng chống thiên tai mà Nhà nước đưa ra. Các chính sách phòng chống thiên tai này nhằm hướng đến mục đích phòng chống thiên tai, ngăn chặn, hạn chế đến mức tối đa những rủi ro do thiên tai mang lại. Và các chính sách này mang tính áp dụng chung, buộc tất cả người dân phải tuân thủ thực hiện.
3. Các hành vi bị cấm trong hoạt động phòng, chống thiên tai:
Theo quy định của pháp luật, các hành vi bị cấm trong hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm:
– Nhà nước nghiêm cấm hành vi lợi dụng thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và lợi ích khác của quốc gia; gây mất trật tự xã hội; xâm hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng và thực hiện các hoạt động trái pháp luật khác.
– Hành vi phá hoại, làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai cũng bị Nhà nước đặc biệt nghiêm cấm thực hiện.
– Nghiêm cấm hành vi vận hành hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, cống, trạm bơm không đúng quy trình được phê duyệt, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của người có thẩm quyền.
– Các cá nhân, tổ chức không được thực hiện hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt là chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
– Người dân tuyệt đối không được có hành vi chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; không được thực hiện hành vi chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó khẩn cấp thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.
– Nhà nước nghiêm cấm các hành vi: lợi dụng thiên tai đầu cơ nâng giá hàng hóa, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để trục lợi, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh; Sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, làm thất thoát tiền và hàng cứu trợ; cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng; Cố ý đưa tin sai sự thật về thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai; Cố ý báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.
4. Một số nội dung phòng ngừa thiên tai:
Các nội dung về phòng ngừa thiên tai mà Nhà nước đưa ra bao gồm:
– Nội dung 1: Xây dựng, phê duyệt và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng, chống thiên tai.
– Nội dung 2: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
– Nội dung 3: Xây dựng chính sách trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
– Nội dung 4: Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai và theo dõi, giám sát thiên tai.
– Nội dung 5: Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; rà soát, có kế hoạch di dời dân cư vùng có rủi ro thiên tai rất cao.
– Nội dung 6: Xác định cấp độ rủi ro thiên tai.
– Nội dung 7: Xây dựng và quản lý công trình phòng, chống thiên tai.
– Nội dung 8: Tổ chức, tham gia thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai đối với các cấp, các ngành và cộng đồng.
– Nội dung 9: Chuẩn bị ứng phó thiên tai, bao gồm:
+ Xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể;
+ Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai;
+ Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; tổ chức dự báo, cảnh báo thiên tai;
+ Tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai.
5. Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai:
Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai bao gồm:
– Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi có biến động lớn về thiên tai.
– Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án trọng điểm và việc tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai trên phạm vi cả nước.
– Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai được xây dựng trên cơ sở sau đây:
+ Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế – xã hội;
+ Thực tiễn hoạt động phòng, chống thiên tai của quốc gia;
+ Kết quả xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai và biến đổi khí hậu;
+ Nguồn lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai;
+ Nhu cầu và khả năng thích ứng của cộng đồng trước thiên tai.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật phòng chống thiên tai 2013, sửa đổi bổ sung một số điều tại Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều 2020.