Các chính sách pháp luật về phòng ngừa ô nhiễm biển do rác thải nhựa bao gồm: Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về biển và hải đảo trong giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa; Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về biển và hải đảo trong giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa:
Thực tế, hoạt động hợp tác quốc tế về ngăn chặn, giảm thiểu, quản lý ô nhiễm biển do rác thải nhựa đã được các quốc gia và tổ chức quốc tế triển khai thực hiện với quy mô toàn cầu từ hơn 20 năm về trước. Thành tự nổi bật trong hoạt động hợp tác quốc tế về ngăn chặn, giảm thiểu, quản lý ô nhiễm biển do rác thải nhựa chính là sự hình thành Hiệp hội nhựa toàn cầu. Vào tháng 3 năm 2011, các nhà lãnh đạo từ 47 hiệp hội nhựa trên toàn cầu đã ký một tuyên bố để chống lại căn nguyên của vấn đề rác thải biển. Vào đầu năm 2020, khoảng gần 400 dự án đã được lập kế hoạch, đang thực hiện hoặc đã hoàn thành do 80 hiệp hội nhựa ở 43 quốc gia ký kết tuyên bố và 13 hiệp hội nhựa không tham gia ký kết tuyên bố thực hiện. Tuyên bố của Hiệp hội nhựa toàn cầu đã định hướng cho các hoạt động trong phòng, chống, giảm thiểu và quản lý rác thải đại dương.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm biển do rác thải nhựa. Đứng trước những thách thức to lớn mà rác thải nhựa có thể gây ra cho biển mà đại dương, Việt Nam không những chủ động tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế mà nước ta còn chủ động đề xuất và kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế cùng tham gia.
Năm 2017, Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vị nhựa đại dương. Năm 2018, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Canada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết hành động, đồng thời kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Sang tới Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển – đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa ô nhiễm biển do rác thải nhựa vì các đại dương xanh. Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra vào tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Đối với đề kiến này, Việt Nam chủ động đề xuất thực hiện 05 hợp phần, và một trong số đó là hợp phần Xây dựng cơ sở tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng liên quan đến rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á.
Ngày 18 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 647/QĐ–TTg nhằm thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36–NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trong các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, Đề án đã đặt hàng một số nhiệm cụ thể, trọng điểm liên quan đến phát triển hợp tác quốc tế về rác thải nhựa đại dương: i) Thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; ii) Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; iii) Tăng cường quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa đại dương, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, trọng tâm là môi trường ở các khu vực đô thị, khu vực kinh tế, khu công nghiệp, các đảo ven biển có người sinh sống.
Đặc biệt, trong năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp triển khai thực hiện Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”.
Dự án tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa tại 02 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh; đồng thời, quản lý chất thải từ tàu cá tại các cảng biển Việt Nam; thu gom rác thải biển bằng tàu cá thực hiện tại một số tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ triển Kế hoạch | hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, giúp Việt Nam đạt các mục tiêu đã đề ra là:
i) Quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn bảo đảm chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển;
ii) Đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, tạo đột phá trong nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong tiêu dùng sản phẩm nhựa, rác thải nhựa;
iii) Đồng thời, những kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai Dự án và các hoạt động thí điểm sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình và kiến nghị các ý tưởng xây dựng chính sách của Nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do rác thải.
2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình quốc gia liên quan đến giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa:
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X năm 2007 đã thông qua Chiến lược biển đến năm 2020. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII năm 2018 đã thông qua Nghị quyết 36–NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 36–NQ/TW đặt một trong các mục tiêu là “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Nhằm triển khai, hiện thực hóa mục tiêu này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành, phê duyệt nhiều kế hoạch, chương trình quốc gia liên quan đến giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa tại các văn bản hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định. Trong số các văn bản hành chính này, có 04 quyết định và 01 chỉ thị quan trọng liên quan đến giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa đã được Thủ tướng Chính phủ lần lượt ký ban hành:
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030:
Ngày 04 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ–TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Kế hoạch này được ban hành với kỳ vọng sẽ giúp: 1) Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; ii) Góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; ii) Phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; và iv) Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội [19].
Cũng tại Kế hoạch này, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% ô nhiễm biển do rác thải nhựa và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Ngoài ra, định hướng đến năm 2030, cả nước quyết tâm nâng cao tỷ lệ % rác thải nhựa được giảm thiểu. Cụ thể, đến năm 2030, ô nhiễm biển do rác thải nhựa sẽ giảm thiểu 75%; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
Ngày 24 tháng 9 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 28/2020/QĐ–TTg ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Quyết định số 28/2020/QĐ–TTg ra đời thay thế Quyết định 73/2014/QĐ–TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời loại bỏ 13 loại phế liệu ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất so với Quyết định 73/2014/QĐ–TTg cũ.
Trong số 13 loại phế liệu bị loại bỏ ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, có nhiều loại là phế liệu nhựa như: phế liệu và mẩu vụ của plastic (nhựa) từ polyme styren (PS): dạng xốp, không cứng; phế liệu và mẩu vụ của plastic (nhựa) từ polyme vinyl clorua (PVC): dạng xốp, không cứng [18].
Như vậy, hiện nay, trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, chỉ còn lại 05 loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu, gồm [19]:
i) Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Etylen (PE): Dạng xốp, không cứng
ii) Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Etylen (PE): Loại khác;
iii) Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Styren (PS): Loại khác;
iv) Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ Polyme Vinyl Clorua (PVC): Loại khác;
v) Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ các loại plastic (nhựa) khác: Polyethylene Terephthalate (PET); Polypropylen (PP); Polycarbonat (PC); Polyamit (PA); Acrylonitrin Butadien Styren (ABS); High Impact Polystyrene (HIPS); Poly Oxy Methylene (POM); Poly Methyl Methacrylate (PMMA); Expanded Polystyrene (EPS); Thermoplastic Polyurethanes (TPU); Ethylene Vinyl Acetate (EVA); Nhựa Silicon loại ra từ quá trình sản xuất và chưa qua sử dụng.
Việc Quyết định số 28/2020/QĐ–TTg loại bỏ bớt một số loại phế liệu nhựa ra khỏi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sẽ góp phần hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài, thay vào đó là thúc đẩy tái chế rác thải nhựa trong nước như là nguyên liệu sản xuất. Điều này có ý nghĩa rất lớn với trong hoạt sản xuất, kinh doanh của ngành nhựa và trong công tác quản lý nhà nước về rác thải nhựa nói chung và giải quyết ô nhiễm biển do rác thải nhựa nói riêng.
Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021–2025”
Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021–2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 175/QĐ–TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021 nhằm mục tiêu tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các
mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường [22].
Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện trong bố cảnh Việt Nam chủ động và nỗ lực tham gia hợp tác sâu rộng với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Còn tại trong nước, Đề án ra đời sau thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua. Căn cứ để thực hiện Đề án là tất cả các văn bản luật hiện hành có quy định trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh nội dung kiểm soát ô nhiễm biển do rác thải nhựa.
Do đó, Đề án được kỳ vọng sẽ giúp người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống rác thải nhựa. Đối với người dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, các thành phố lớn, đông dân cư và khu vực đô thị, Đề án hướng tới mục tiêu thay đổi thói quen sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo [22].
Các nội dung được lựa chọn để tuyên truyền trong Đề án rất đa dạng nhưng có trọng điểm; không sa đà vào tuyên truyền lan man, hình thức, thiếu thực tế, thiếu thuyết phục khi đã tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, Đề án tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân thuộc mọi tầng lớp về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa.
Thứ hai, Để thay đổi cốt lõi thói quen sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa của người dân, Đề án lựa chọn nội dung tuyên truyền trọng tâm về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường nói chung, trong đó có cả môi trường biển nói riêng.
Thứ ba, Để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và ý thức của người dân trong việc giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo, Đề án chú trọng tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa; các nội dung về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; và các nội dung mang tính phổ biến toàn cầu như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh,...
Thứ tư, Để giúp doanh nghiệp và người dẫn có thể áp dụng dễ dàng các biện pháp phòng, ngừa ô nhiễm biển do rác thải nhựa, Đề án đã đưa thêm kinh nghiệm quốc tế trong công tác phòng, chống rác thải nhựa vào nội dung tuyên truyền. Đồng thời, với mong muốn khuyến khích, cổ vũ doanh nghiệp và người dân tăng cường hành động để bảo vệ môi trường biển khỏi rác thải nhựa, Đề án đặc biệt tuyên truyền về các tấm gương điển hình tiên tiến và các hoạt động thi, khen thưởng trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa.
Chính sách tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa
Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi
trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT–TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành pháp của nước ta đã chỉ thị cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước ngày 30 tháng 10 năm 2020 phải hoàn thành ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý [22].
Tại Chỉ thị số 33/CT–TTg này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni–lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn.v.v...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị này cần phải tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở; bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị không để cho chất thải nhựa, chất thải khác có thể tái chế lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Bên cạnh Chỉ thị số 33/CT–TTg, nhằm góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, đồng thời giảm sử dụng túi ny lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, ngày 22 tháng 7 năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký thay Thủ tướng Chính phủ Quyết định 1316/QĐ–TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Đề án đặt ra mục tiêu là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về: Quản lý chất thải nhựa; sản xuất và tiêu thụ túi ny lông khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt (bao gồm cốc, chén, bát, đĩa, thìa, dĩa, ống hút, bao gói nhựa/hộp đựng thực phẩm sử dụng một lần, màng bọc thực phẩm, bộ đồ ăn nhựa dùng một lần...). Phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% ô nhiễm biển do rác thải nhựa; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.