Khái quát về người khuyết tật? Chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật?
Người khuyết tật là nhóm người có tỷ lệ lớn ở nước ta do hậu quả từ chiến tranh, đặc biệt là hậu quả từ chất độc màu da cam, đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Lịch sử đã chứng minh sự phát triển của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia về quyền của người khuyết tật như một sự khẳng định và đảm bảo bình đẳng cho đối tượng yếu thế này trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Một trong những yếu tố định hướng, chi phối tới các quy định của pháp luật là chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật, chính sách này là sự quan tâm, truyền thống nhân đạo trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của người khuyết tật. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật và phân tích các chính sách này một cách cụ thể nhất.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất Luật người khuyết tật năm 2019
1. Khái quát về người khuyết tật?
Cách nhìn nhận người khuyết tật (people with disabilities) có những thay đổi nhất định qua từng thời ký khác nhau:
Những năm 1950 người khuyết tật được nhìn nhận theo mô hình “chăm sóc tế”, theo đó người khuyết tật bị coi là các “đối tượng” của phúc lợi xã hội mà không phải là các chủ thể có quyền như một công dân bình thường.
Đến những năm 1970, cách nhìn nhận người khuyết tật đã có sự thay đổi, theo đó những người khuyết tật là những người có khả năng, có quyền sống và lao động như những người bình thường chứ không phải là một đối tượng cận nhận sự “chiếu cố” của xã hội.
Quá rình chuyển biến nhận thức về người khuyết tật là kết quả đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau của bản thân người khuyết tật và các hiệp hội của họ xuất phát từ Hoa Kỳ sau đó là lan rộng và phổ biến ở nhiều nước như Thụy Điển, Nhật Bản,…và gần đây là Hàn Quốc, Thái Lan.
Ở Việt Nam, việc tiếp cận người khuyết tật cũng có sự tiến bộ trong việc coi người khuyết tật là một đối tượng có quyền sống và lao động, thể hiện rõ trong chính sách của nhà nước. Khái niệm người khuyết tật được quy định tại Luật Người khuyết tật (Văn bản hợp nhất năm 2019)- đã thay thế cho thuật ngữ “người tàn tật” được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. (Khoản 1, Điều 2).
Trên cơ sở định nghĩa về người khuyết tật, có thể được ra một số đặc điểm của người khuyết tật như sau:
Thứ nhất, đặc điểm về sức khỏe:
So với người bình thường có đầy đủ các bộ phận trên cơ thể theo cấu tạo sinh học, khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi trong các quan hệ xã hội thì người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết (thiếu, không có hoặc bị mất đi) bộ phận nào đó trên cơ thể, bị suy giám sức khỏe khó có thể phục hồi, bị hạn chế hoặc không có khả năng nhận thức, tiếp thu các tư tưởng văn hóa và giáo dục như các chủ thể thông thường khác.
Thứ hai, đặc điểm về tâm lý:
Tâm lý của khá đông người khuyết tật là mặc cảm, tự đánh giá thấp bản thân mình so với những người bình thường khác. Ở những người mà khuyết tật nhìn thấy được- chẳng hạn như khuyết chi- họ có các biểu hiện tâm lý giống như mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder), tức là sự chú trọng quá mức đến khiếm khuyết cơ thể đến nỗi gây khổ đau lớn- mặc dù vậy trong tâm lý học, mặc cảm ngoại hình không được chuẩn đoán cho người có khiếm khuyết cơ thể nghiêm trọng, rối loạn tâm lý này chí hướng tới những người có khiếm khuyết nhỏ nhưng lại cứ cường điệu chúng lêm.
Tiếp đến một ảnh hưởng khác cần xét đến là ám ảnh sọ xã hội một kiểu trốn tránh và sợ hãi khi thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng như giáo lưu, gặp gỡ ở chỗ đông người. Tuy nhiên điều này không phải luôn luôn đúng, người ta nhận thất ở nhiều người khuyết tật nổ lực tồn tại và phát triển đặc biệt cao.
2. Chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật?
Mặc dù xem xét người khuyết tật với một tư cách bình đẳng như thế nào thì cũng không thể phủ nhận rằng, người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, sự bình đẳng đôi khi được tạo ra không phải dựa trên sự cần bằng trong hai tư cách chủ thể cùng được thực hiện một việc gì đó. Vì vậy, dựa trên những đặc điểm cơ bản của người khuyết tật, Nhà nước đã đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể tại Điều 5, Luật Người khuyết tật như sau:
– Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật. Đây là các chích sách về giáo dục, việc làm, bảo hiểm xã hội, những chính sách đặc trưng, xuất phát từ những khó khăn của người khuyết tật.
– Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. Trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách này thuộc vệ gia đình, trạm y tế xã, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục.
– Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.
Trong đó, bảo trợ xã hội là chế định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an sinh xã hội, người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội, hộ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng; được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; được hỗ trợ chế độ mai táng phí. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn được chăm sóc sức khỏe chu đáo, tại nơi cư trú, cơ sở khám chữa bệnh.
Về giáo dục, người khuyết tật được Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng; được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập; được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
Về dạy nghề và việc làm, người khuyết tật được Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác; tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
Về văn hóa, thể thao, du lịch: Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch; tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao.
– Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Đây là sự phát triển tương đối trong tư duy giữa việc thực hiện các chính sách về người khuyết tật nhưng cũng không loại bỏ đi sự đóng góp của họ trong việc phát triển kinh tế- xã hội.
– Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Điều này phụ thuộc vào hoạt động của các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng và sự hỗ trợ của xã hội, cộng đồng trong việc phục hồi chức năng.
– Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật. Chủ yếu là những người làm trong cơ sở khám, chữa bệnh; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; tổ chức giới thiệu việc làm; cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Đây là những người có sự tiếp xúc trực tiếp và có vai trò ý nghĩa quan trọng tác động thay đổi tâm lý hoặc thể chất của người khuyết tật.
– Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Đó là việc nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, trợ giúp về tài chính, kỹ thuật để thực hiện hoạt động chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật; đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
– Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động. Trong đó, tổ chức của người khuyết tật là tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên là người khuyết tật, tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Tổ chức vì người khuyết tật là tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
– Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật. Điều này hoàn toàn phù hợp trong sự khuyến khích, hỗ trợ, cải thiện tâm lý cho người khuyết tật cho họ thấy được sự quan tâm của nhà nước và sự bình đẳng trong khen và phạt.
– Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật điều bị xử lý, tuy nhiên xuất phát từ việc bảo vệ người khuyết tật, việc, vi phạm quy định về Luật người khuyết tật sẽ bị xử lý nghiêm khắc về hành chính hoặc hình sự.
Để đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.