Giáo dục đại học là một trong những chính sách rất quan trọng và được quan tâm phát triển của nước ta nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Nhà nước cũng đã có các chính sách về phát triển giáo dục đại học cụ thể được quy định tại Luật Giáo dục.
Mục lục bài viết
1. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học là gì?
Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học được quy định tại Khoản 7 Điều 1
1. Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
2. Phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác.
Ưu tiên, ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác để phát triển giáo dục đại học.
3. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học.
4. Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.
5. Có chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình.
6. Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
7. Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học.
8. Ưu tiên đối với người được hưởng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người học ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.
9. Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Đối tượng của giáo dục là con người – vốn quí nhất, nguồn nội lực cốt lõi với sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Căn cứ theo quy định này chúng ta thấy có rất nhiều các loại chính sách được đưa ra khác nhau để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học, như chúng ta đã biết thì chính sách giáo dục là một trong những chính sách xã hội cơ bản nằm trong hệ thống các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước. Chính sách giáo dục là công cụ quản lí vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục nhằm thực hiện các mục tiêu của Nhà nước về lĩnh vực này. Chính sách giáo dục là một hệ thống các quan điểm, các mục tiêu của Nhà nước về giáo dục, cùng các phương hướng, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đó trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển đất nước.
Có thể nói, giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm tạo ra một nguồn nhân lực có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, đáp ứng ở mức cao nhất những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nếu như trước đây sự thiếu thốn vốn và nghèo nàn về cơ sở vật chất là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tốc độ phát triển kinh tế thì trong thời đại hiện nay, phần quan trọng của tăng trưởng gắn liền với chất lượng của lực lượng lao động. Do vậy, các quốc gia trong giai đoạn hiện nay coi đầu tư phát triển nguồn nhân lực là quan trọng hơn các loại đầu tư khác.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, đất nước nào không có chính sách giáo dục đúng đắn, không trang bị đủ kiến thức và tay nghề cho nhân dân và không sử dụng những cái đó một cách hữu hiệu thì không thể phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Vì vậy các quốc gia trên thế giới đều chú trọng nhiều hơn đến giáo dục và coi đây là phương thức hàng đầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế.
2. Vai trò của các chính sách giáo dục đại học hiện nay:
Giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang không ngừng thay đổi và có những chuyển biến hiệu quả. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam đang không ngừng phát triển để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu thì giáo dục đại học lại càng được quan tâm. Chính vì thế nền giáo dục đã đạt được nhiều điểm sáng tuy nhiên vẫn còn tồn tại những điểm chưa tốt.
Khi đã trả lời được câu hỏi giáo dục đại học là gì thì chúng ta cũng sẽ hiểu được phần nào vai trò của nó. Nhưng trước hết, ta phải hiểu được vai trò của giáo dục trong đời sống xã hội.
Từ xưa giáo dục đã luôn được coi trọng, nhất là ở Việt Nam, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu được nhà nước quan tâm. Muốn phát triển kinh tế mạnh thì trước hết người dân phải có tri thức. Giáo dục không chỉ là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế mà còn giúp cho chính trị xã hội của mỗi quốc gia được ổn định, nâng cao chỉ số phát triển con người.
Sự thay đổi lớn trong xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân phải có kiến thức chuyên sâu hơn để thích ứng với nhiều ngành nghề. Để đạt được điều đó, con người chỉ có thể thông qua giáo dục và học tập.
Từ vai trò giáo dục, ta có thể hiểu giáo dục đại học là một quá trình đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng. Giáo dục đại học được coi như một hệ thống nuôi dưỡng những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tương lai. Bên cạnh lực lượng lao động, lực lượng tri thức chính là nhân tố để thúc đẩy sự phát triển về khoa học công nghệ và sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.
3. Thực trạng về đào tạo giáo dục đại học hiện nay:
Chúng ta có thể thấy rõ những thành tựu đáng ghi nhận mà nền giáo dục đại học ở Việt Nam mang lại. Hiện nay, số lượng các trường đại học và học viện tương đối nhiều. Theo thống kê, mỗi năm có hàng triệu nhân lực với trình độ đại học, cao đẳng được đào tạo ra cùng với đó là hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ các ngành. Hiện nay ở nước ta, các trường đại học đã xuất hiện ở rất nhiều nơi đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục đại học đã được nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Chương trình đào tạo của các trường không ngừng được đổi mới theo sự phát triển của xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường được chú trọng đầu tư. Trình độ năng lực của sinh viên từ đó mà cũng được cải thiện rất nhiều. Đã có rất nhiều nghiên cứu của sinh viên gây được tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn trong khu vực. Chất lượng đầu ra của sinh viên các trường ngày càng cao.
Tuy nhiên các chính sách giáo dục đại học cũng nên lưu ý về cách thức tổ chức chương trình đào tạo của các trường còn nhiều bất cập, vẫn bị nặng lý thuyết mà chưa chú trọng nhiều đến thực hành. Tuy thời gian đào tạo của nền giáo dục đại học ở nước ta là khá dài từ 3 đến 5 năm nhưng dành quá nhiều thời gian để học môn đại cương (khoảng 1 năm hoặc 1 năm rưỡi).
Chất lượng sinh viên đầu ra không đáp ứng được những công việc thực tế. Nhu cầu việc làm trên thị trường hiện nay rất lớn tuy nhiên tỉ lệ sinh viên vẫn thất nghiệp vẫn còn cao do không có kỹ năng thực tế. Chương trình đào tạo của một số trường tuy có được đổi mới nhưng hiệu quả không rõ rệt thậm chí là còn bị giảm sút, chưa bám sát vào sự thay đổi của xã hội.
Thêm nữa đó là cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề của nước ta chưa có được sự cân đối. Trình độ giáo dục ở thành phố và nông thôn vẫn cách quá xa làm cho chất lượng sinh viên không đồng đều. Các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn với đòi hỏi cao, nguồn nhân lực ở những vùng nông thôn không thể đáp ứng được. Từ đó dẫn đến tình trạng thất nghiệp vẫn còn gia tăng.