Sau khi hoàn thành quá trình mua bán hàng hóa với chế độ chiết khấu đã được thỏa thuận, kế toán cần phải thực hiện thủ tục hạch toán hóa đơn đầu vào có chiết khấu. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì chiết khấu thanh toán xuất hóa đơn và hạch toán được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về chiết khấu thanh toán xuất hóa đơn:
Chiết khấu thanh toán là một trong những chế định quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm. Trong tiếng Anh thì chiết khấu thanh toán được gọi là Payment discount, là hoạt động diễn ra một cách thường xuyên giữa khách hàng và các doanh nghiệp. Việc thực hiện các khoản chiết khấu thanh toán sẽ được dựa trên số phần trăm được chiết khấu phải dựa trên điều kiện thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn của hợp đồng. Ví dụ về chiết khấu thanh toán như sau: Công ty Minh Anh bán hàng cho công ty Phương Đông, trong hợp đồng giữa hai công ty có quy định, nếu công ty Phương Đông thanh toán trước thời hạn ít nhất 07 ngày làm việc thì công ty Phương Đông sẽ được giảm 2% giá trị của hợp đồng. Theo quy định của pháp luật thì khoảng 2% này được xác định là chiết khấu thanh toán mà công ty Phương Đông được hưởng từ công ty Minh Anh.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khoản chiết khấu thanh toán không phát sinh từ nguyên nhân các hàng hóa bị lỗi, hàng hóa bị hư hỏng mà liên quan đến thời gian thanh toán, dựa trên sự thỏa thuận của các bên tham gia vào quá trình giao dịch mua bán hàng hóa.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật thì hóa đơn được xem là loại giấy tờ tài liệu, chứng từ do người bán lập và cung cấp, phát cho bên còn lại nhằm mục đích ghi nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa, số lượng, đơn giá của hàng hóa, qua đó xác lập mối quan hệ giữa bên mua và bên bán trong quá trình giao dịch dân sự. Chính vì vậy, trong trường hợp phát sinh các giao dịch mua bán thì mới cần phải thực hiện thủ tục xuất hóa đơn, còn chiết khấu thanh toán thì chỉ đơn giản là một loại chi phí tài chính mà bên bán đưa ra nhằm mục đích thúc đẩy bên mua thanh toán trước thời hạn, vì vậy chiết khấu thanh toán không cần phải thực hiện thủ tục xuất hóa đơn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư
– Các tổ chức và cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, các khoản thu liên quan đến các khoản tiền hỗ trợ và các khoản thu tài chính khác;
– Các cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền chuyển nhượng, tiền hỗ trợ nhận được và các khoản thu tài chính khác thì cần phải lập giấy tờ, chứng từ thu theo quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền;
– Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, bồi thường bằng dịch vụ, cơ sở môi trường sẽ cần phải lập hóa đơn, kê khai và tính nộp thuế giá trị gia tăng như đối với bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở nhận bồi thường sẽ kê khai và khấu trừ theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của các tổ chức và cá nhân để thực hiện dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân đó như dịch vụ sửa chữa, khuyến mãi, bảo hành, quảng cáo thì cần phải thực hiện hoạt động kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, khoản tiền nhận được từ hoạt động chiết khấu thanh toán, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, đồng thời không được ghi nhận trên hóa đơn bán hàng đã giảm giá. Vì vậy, chiết khấu thanh toán sẽ không cần phải thực hiện thủ tục xuất hóa đơn.
2. Chiết khấu thanh toán hạch toán thế nào?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về vấn đề hạch toán đối với chiết khấu thanh toán. Theo đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào phiếu thu, căn cứ vào phiếu chi của hai bên để thực hiện hoạt động hạch toán đối với chiết khấu thanh toán. Các tài khoản chiết khấu thanh toán như sau:
– Bên bán sẽ thực hiện thủ tục hạch toán chiết khấu thanh toán vào tài khoản với mã số 635, tức là tài khoản chi phí tài chính;
– Bên mua sẽ thực hiện thủ tục thanh toán đối với kết cấu thanh toán được hưởng vào tài khoản mang mã số 515, tức là tài khoản doanh thu hoạt động tài chính.
Cụ thể như sau:
Đối với bên bán, căn cứ vào phiếu chi, căn cứ vào số tiền chiết khấu thanh toán phải trả cho người mua khi người mua thanh toán trước thời hạn theo quy định của pháp luật và trừ vào khoản nợ phải thu của khách hàng, định khoản. Cụ thể như sau:
– Nợ TK 635 – chi phí tài chính (tức là số tiền chiết khấu thanh toán);
– Có TK 313 (trong trường hợp bù trừ luôn vào tài khoản phải thu);
– Có TK 111 và TK 112 (trong trường hợp trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản).
Đối với bên mua, căn cứ vào phiếu thu, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán thì chiết khấu thanh toán thực tế được nhận từ bên bán sẽ cần phải ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài khoản và định khoản. Cụ thể như sau:
– Nợ TK 331 – tức là chi phí phải trả cho người bán nếu giảm trừ công nợ;
– Nợ TK 111 và TK 112 – tức là tài khoản trả tiền mua hàng nếu nhận bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản;
– Có TK 515 – doanh thu hoạt động tài chính, tức là tất cả các khoản chiết khấu thanh toán được nhận.
3. Quy định về chi trả chiết khấu thanh toán cho cá nhân:
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp được khấu trừ mọi chi phí nếu doanh nghiệp đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cơ bản sau đây:
– Khoản chi phí thực tế phát sinh có liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
– Khoản chi có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ và chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Khoản chi nếu có hóa đơn dịch vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên, đồng thời không dùng tiền mặt để thực hiện hoạt động thanh toán.
Theo đó thì có thể nói, với bên bán, để các khoản chiết khấu thanh toán đủ điều kiện là chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần phải có đầy đủ các loại giấy tờ sau:
– Hợp đồng mua bán hàng hóa có thỏa thuận chi tiết về điều kiện chiết khấu thanh toán;
– Chứng từ thanh toán tiền chiết khấu, hay còn được gọi là phiếu chi.
Đồng thời, về vấn đề chi trả chiết khấu thanh toán cho cá nhân. Nếu bên nhận chiết khấu thanh toán được xác định là cá nhân kinh doanh thì khoản chiết khấu thanh toán được nhận sẽ thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Công ty chi trả khoản chiết khấu thanh toán cho các cá nhân kinh doanh sẽ cần phải thực hiện nghĩa vụ khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân đó căn cứ theo quy định tại Công văn 1162/TCT-TNCN của Tổng cục Thuế về việc hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, theo quy định mới nhất tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thì có thể nói khoản chiết khấu thanh toán sẽ thuộc nhóm chịu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất là 0,5%. Nếu bên nhận chiết khấu không phải là cá nhân kinh doanh, cá nhân đó chỉ tiến hành hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ để tiêu dùng thì các khoản chiết khấu thanh toán được nhận sẽ không cần phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;
– Thông tư 43/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính);
– Công văn 1162/TCT-TNCN của Tổng cục Thuế về việc hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân;
– Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Thông tư 100/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
THAM KHẢO THÊM: