Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách được Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện song song với tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Dưới đây là bài phân tích về chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030.
Mục lục bài viết
1. Quan điểm về việc đưa ra chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030:
Tại Quyết định 450/QĐ-TTg, Nhà nước đã đưa ra các quan điểm về việc đưa ra chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030 như sau:
– Quan điểm 1: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Vậy nên, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Khi thực hiện phát triển kinh tế, Nhà nước và nhân dân phải chú trọng hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
– Quan điểm 2: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng. Khi bảo vệ môi trường, Nhà nước và nhân dân phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.
– Quan điểm 3: Lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu khi thực hiện các chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường. Khi bảo vệ môi trường, Nhà nước và nhân dân phải lưu ý ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; các vấn đề liên quan đến ô nhiễm, suy thoái cần được khắc phục. Ngoài ra, cần hướng đến việc cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Quan điểm 4: Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch và sự giám sát của cộng đồng. Ngoài ra, khi thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, Nhà nước cần chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; thúc đẩy phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, liên vùng, liên ngành, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp.
– Quan điểm 5: Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Tức Nhà nước quan điểm rằng, bảo vệ môi trường là một chiến lược đầu tư phát triển bền vững. Chiến lược phát triển này nhằm hướng đến việc tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền. Tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết.
2. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030:
Theo quy định tại Quyết định 450/QĐ-TTg, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030 được thực hiện với các nhiệm vụ chiến lược như sau:
– Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường. Với nhiệm vụ này, Nhà nước và Nhà nước cần thực hiện các công việc sau đây:
+ Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
+ Thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường.
+ Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường.
+ Chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
– Mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường. Với mục tiêu này, các công việc được thực hiện đo là:
+ Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.
+ Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.
+ Tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý, bảo vệ môi trường nước và các lưu vực sông.
+ Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo vệ môi trường đất.
+ Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
+ Tiếp tục cung cấp nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường và ngăn chặn các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe con người.
– Nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Với nhiệm vụ này, các công việc được thực hiện đó là:
+ Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên, mở rộng hệ thống các khu bảo tồn, các hành lang đa dạng sinh học.
+ Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái.
+ Ngăn chặn sự suy giảm các loài và nguồn gen, bảo đảm an toàn sinh học.
+ Tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
– Nhiệm vụ chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Các công việc phải thực hiện:
+ Tăng cường bảo vệ môi trường để giảm tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
+ Phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.
Trên đây là các nhiệm vụ chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030. Đây là các nhiệm vụ chiến lược dài hạn, nhằm hướng đến việc bảo vệ môi trường trong một thời gian cụ thể. Đồng thời, chiến lược này giúp Nhà nước và người dân cùng hướng đến việc thực hiện công cuộc bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam một cách nhanh chóng, toàn diện và đạt hiệu quả cao nhất. Chiến lược này là hệ thống công việc thực tiễn, buộc tất cả mọi người đều phải tuân thủ thực hiện. Mục tiêu hướng đến là xây dựng một đất nước Việt Nam lành mạnh, văn minh và an toàn.
3. Các giải pháp để thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030:
Các giải pháp để thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia Việt Nam đến 2030 được quy định tại phần III Quyết định 450/QĐ-TTg như sau:
– Giải pháp 1: Đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Tại giải pháp này, Nhà nước chủ trương thực hiện một số công việc như sau:
+ Nhà nước phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm coi “môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững”.
+ Trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường cần được quy định rõ.
+ Các hoạt động: Tăng cường giáo dục đạo đức môi trường; phát huy ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp; truyền thông về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng cần được đẩy mạnh.
– Giải pháp 2: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.
Với giải pháp này, Nhà nước chủ trương thực hiện các công việc cụ thể như: Rà soát, sửa đổi luật; tạo lập cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường; xây dựng và thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo hướng tiếp cận với các nước phát triển.
– Giải pháp 3: Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường.
– Giải pháp 4: Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Giải pháp 5: Huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường.
– Giải pháp 6: Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường.
– Giải pháp 7: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Quyết định 450/QĐ-TTg quyết định phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050