Chi sai mục đích sử dụng ngân sách nhà nước. Hành vi làm thất thoát ngân sách nhà nước là việc làm mất mát, hao hụt ngân sách Nhà nước do những hành vi vi phạm pháp luật ngân sách.
Hiện nay, thực trạng chi ngân sách nhà nước vượt định mức, tiêu chuẩn cũng như chế độ khá nhiều. Một trong những nguyên nhân của thực trạng chi vượt định mức cũng là do chính cơ quan hành chính và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế khoán chi thường xuyên.
Trường hợp mà đơn vị, cơ quan hành chính nào sử dụng ngân sách sai tiêu chuẩn, định mức đề ra thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đó. Việc chi sai mục đích sử dụng ngân sách nhà nước để lại những hậu quả khá nghiệm trọng và cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, theo quy định pháp luật đã ban hành những chế tài xử lý các hành vi chi sai mục đích cũng như các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra các đường lối giải pháp để hạn chế, khắc phục về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm ngân sách nhà nước
Theo quy định tại Khoản 11, Điều 4
“14. Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.”
Chi ngân sách Nhà nước chính là quá trình thực hiện những việc cụ thể phân chia, phân phối lại những nguồn tài chính định hướng phân bổ những nguồn tài chính mà đã được tập trung vào ngân sách Nhà nước và đưa chúng đến mục tiểu,mục đích sử dụng cho từng công việc thuộc chức năng của nhà nước.
2. Các khoản chi ngân sách nhà nước
Chi ngân sách nhà nước được chia ra rất nhiều loại nhằm đảm bảo cho hoạt động chi tiêu đúng mục đích đúng định mức quy định cụ thể các khoản chi ngân sách nhà nước được phân loại ra như sau:
Thứ nhất, chi đầu tư phát triển gồm có các khoản cụ thể như:
– Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án theo các lĩnh vực được quy định theo các khoản chi cho các lĩnh vực như: an ninh trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, sự nghiệp thể dục thể thao, sự nghiệp văn hóa thông tin, sự nghiệp môi trường….. và các khoản 3, Điều 3, Nghị định 163/2016/NĐ-CP.
– Chi đầu tư và hỗ trợ thực hiện vốn để cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước tiến hành đặt hàng; các tổ chức kinh tế; các tổ chức tài chính của trung ương và địa phương; đầu tư vốn nhà nước vào tổ chức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Chi đầu tư phát triển vào các khoản chi khác theo quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước.
Thứ hai, chi dự trữ quốc gia.
Thứ ba, chi thường xuyên cho các lĩnh vực cụ thể bao gồm các mục tại điểm a,b,c,d,e,g,h,k,l,m,n khoản 3, Điều 3, Nghị định 163/2016/NĐ-CP:
“a) Quốc phòng;
b) An ninh và trật tự, an toàn xã hội;
c) Sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề;
d) Sự nghiệp khoa học và công nghệ;
đ) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;
e) Sự nghiệp văn hóa thông tin;
g) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn;
h) Sự nghiệp thể dục thể thao;
i) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;
k) Các hoạt động kinh tế;
l) Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội bao gồm: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;
m) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;
n) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.”
Thứ tư, thực hiện chi để trả lãi, và trả phí và các chi phí khác phát sinh từ các khoản tiền do Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vay.
Thứ năm, chi để viện trợ của ngân sách trung ương cho các tổ chức ngoài nước, Chính phủ.
Thứ sáu, chi để cho vay theo quy định ngân sách nhà nước của pháp luật hiện hành.
Thứ bảy, chi để bổ sung và các quỹ dự trữ tài chính.
Thứ tám, chi để chuyển các nguồn đang có từ ngân sách năm trước qua ngân sách năm sau.
Thứ chín, chi để bổ sung cân đối, điều phối lại ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.
3. Điều kiện thực hiện chi ngân sách nhà nước
Việc chi ngân sách nhà nước theo quy định thì chỉ được tiến hành khi đã có sự thống nhất trong dự toán ngân sách được cơ quan có thẩm quyền giao, trong đó trừ trường hợp theo quy định tại Điều 51 Luật ngân sách nhà nước năm 2015 mà đã được chính thủ trưởng trong đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp cụ thể sau:
-) Đối với việc chi đầu tư xây dựng cơ bản thì cần phải đáp ứng các tiêu chí về luật đầu tư công và xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành.
-) Đối với việc thực hiện để chi thường xuyên cần đáp ứng các tiêu chuẩn là đúng chế độ, đảm bảo tiêu chuẩn và định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trong trường hợp mà các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép để thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng biên chế và kinh phí thì sẽ thực hiện đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ đã đề ra và phải phù hợp với nguồn dự toán được giao tự chủ.
-) Đối với các hoạt động chi dự trữ quốc gia theo quy định thì phải bảo đảm các điều kiện của pháp luật hiện hành về dự trữ quốc gia;
-) Đối với việc chi cho những gói thầu mà thuộc các nhiệm vụ, chương trình, dự án cần phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.
-) Đối với những khoản chi mà thực hiện cho công việc thì theo cách thức mà Nhà nước tiến hành đặt hàng, cũng như giao kế hoạch thì phải theo quy định pháp luật hiện hành về giá hoặc phí và lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
4. Chi sai mục đích sử dụng ngân sách nhà nước
Các hành vi vi phạm pháp luật chi ngân sách nhà nước sai tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định là hành vi chi ngân sách nhà nước không đúng tiêu chuẩn về chức danh về đối tượng sử dụng, chi vượt định mức chi vượt quá cả về số lượng, vượt cả về giá trị, chi sai chế độ chính là chi không đảm bảo các điều kiện, các nguyên tắc của chế độ chi theo quy định pháp luật hiện hành.
Việc xử phạt hành vi chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước quy định được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP.
Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức mà có hành vi vi phạm về mua sắm hoặc thuê tài sản nhà nước vượt tiêu chuẩn định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP.
Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi các khoản đã chi sai mục đích chi sai quy định thì tại Khoản 3 Điều 54 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm bị phát hiện sau khi Kho bạc Nhà nước đã thực hiện thanh toán, chi trả.
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi luật sư, tôi có một thắc mắc muốn được giải đáp. Việc chi sai mục đích sử dụng đối với khoản tiền ngân sách nhà nước có được coi là hành vi làm thất thóat ngân sách nhà nước không? Văn bản pháp luật nào quy định rõ về hành vi này? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật ngân sách Nhà nước 2019;
– Bộ luật hình sự 2015;
– Nghị định số 63/2019/NĐ–CP;
2. Luật sư tư vấn:
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Hiện nay, Luật ngân sách Nhà nước 2019 và các văn bản liên quan không quy định thế nào là thất thoát ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, thất thoát ngân sách Nhà nước là việc làm mất mát, hao hụt ngân sách Nhà nước do những hành vi vi phạm pháp luật ngân sách. Theo quy định tại Điều 18 của Luật Ngân sách Nhà nước 2019:
“Điều 18.Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước:
….
3. Chi không có dự toán, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; chi không đúng dự toán ngân sách được giao; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.”
Chi sai mục đích sử dụng ngân sách Nhà nước là chi dùng ngân sách Nhà nước cho những việc không đúng mục đích sử dụng ngân sách theo dự toán ngân sách được giao. Chi ngân sách Nhà nước sai mục đích (không đúng mục đích) là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách nên cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tại điểm a,b,c khoản 2 Điều 54 Nghị định số 63/2019/NĐ–CP quy định:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện;
b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi thanh toán cho khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán;
c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.;”
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 87/2019/TT–BTC, hành vi lập hồ sơ, chứng từ gửi kho bạc nhà nước để chi các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Người có hành vi chi ngân sách Nhà nước sai mục đích có thể bị truy cứu trách nhiện hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.