Một số quy định về hoạt động kiến trúc? Chi phí và thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc?
Quản lý kiến trúc ở giai đoạn hiện nay được xem là công việc phức tạp, đòi hỏi sự thỏa thuận và cân bằng lợi ích giữa các cơ quan quản lý, chủ đầu tư cho đến người dân, các nhà chuyên môn, các nhà hoạt động xã hội và môi trường. Những cộng đồng sống trong khu vực là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các quyết định từ phía các nhà chức trách. Chính bởi vì thế, quyền lợi của người dân cần được đặt ở ví trí cao nhất, để nhằm mục đích đảm bảo được điều đó thì pháp luật nước ta đã ban hành một số quy định cụ thể về quy chế quản lý kiến trúc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu chi phí và thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
Luật kiến trúc 2019.
Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.
Thông tư 08/2021/TT-BXD hướng dẫn về phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc.
1. Một số quy định về hoạt động kiến trúc:
Theo Điều 4 Luật kiến trúc 2019 quy định về nguyên tắc hoạt động kiến trúc có nội dung cụ thể như sau:
“1. Tuân thủ Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
3. Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
4. Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
5. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Trong giai đoạn hiện nay thì kiến trúc là một trong những hoạt động được xem trọng và rất được quan tâm, đặc biệt là khi nhu cầu về thẩm mỹ của con người ngày càng tăng cao và không ngừng phát triển. Kiến trúc được biết đến là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.
Các hoạt động kiến trúc đều đòi hỏi tính nguyên tắc cao cũng như đòi hỏi bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc. Không những vậy quản lý kiến trúc phải bảo đảm an toàn cho con người, công trình kiến trúc và khu vực tập trung dân cư trước tác động bất lợi do thiên nhiên hoặc con người gây ra trên thực tế.
Ngày nay, công tác quản lý, khai thác hoạt động kiến trúc cảnh có một vai trò hết sức quan trọng. Và, để làm được điều đó thì việc tuân thủ các nguyên tắc được nêu cụ thể bên trên đóng những vai trò rất to lớn.
Theo Luật Kiến trúc năm 2019 các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc bao gồm.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
– Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc.
Tất cả các hành vi được nêu cụ thể bên trên đều bị pháp luật nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc. Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm tuỳ vào mức độ và hành vi vi phạm đều sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Việc đưa ra quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc là vô cùng hợp lý và đảm bảo cho hoạt động kiến trúc diễn ra chính xác, đảm bảo quy định pháp luật và tránh những sai sót xảy ra cũng như bảo đảm an toàn cho con người, sự sạch đẹp của cảnh quan, môi trường.
Bên cạnh đó, kiến trúc đô thị phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản được nêu sau đây:
– Thứ nhất: Kiến trúc đô thị phải hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
– Thứ hai: Kiến trúc đô thị phải sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông.
– Thứ ba: Kiến trúc nhà ở phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu, gắn công trình nhà ở riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của khu vực.
– Thứ tư: Các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông.
– Thứ năm: Đối với hệ thống biển báo, quảng cáo, chiếu sáng, trang trí đô thị phải tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch quảng cáo ngoài trời, phù hợp với kiến trúc chung của khu đô thị.
– Thứ sáu: Các công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu, đài phun nước và các công trình trang trí khác phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng.
-Thứ bảy: Đối với công trình giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.
Ngoài ra, kiến trúc nông thôn phải đáp ứng yêu cầu thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ năm được nêu trên và các yêu cầu cụ thể sau đây:
– Kiến trúc nông thôn cần bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến.
– Kiến trúc nông thôn cần bảo đảm tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc.
– Đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động kiến trúc ở khu vực nông thôn hay thành thi sẽ cần phải đáp ứng đúng các yêu cầu cụ thể của pháp luật.
2. Chi phí và thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc:
Quy định về thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Kiến trúc 2019 có nội dung như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành”.
Như vậy, ta nhận thấy, việc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp (cấp tỉnh) thông qua quy chế trước khi ban hành thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chế quản lý kiến trúc, thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính Phủ với nội dung như sau:
“Điều 8. Lập quy chế quản lý kiến trúc
2. Các bước lập quy chế quản lý kiến trúc:
c) Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chế quản lý kiến trúc. Thời gian lấy ý kiến tối thiểu 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.”
Quy định về chi phí lập, thẩm định quy chế quản lý kiến trúc:
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính Phủ thì Bộ Xây dựng công bố phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức và ban hành Thông tư 08/2021/TT-BXD hướng dẫn về phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc. Các chủ thể quan tâm có thể tìm hiểu thêm chi tiết quy định về phương pháp xác định chi phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc tại Điều 2 Thông tư 08/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, các chi phí thẩm định quy chế quản lý kiến trúc, thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị là các chi phí dành để chi trực tiếp cho các hoạt động thẩm định cụ thể như là: chi trả thù lao trực tiếp cho các cá nhân, cơ quan trong và ngoài đơn vị tham gia trong quá trình thẩm định; chi phí hội nghị, hội thảo, các cuộc họp góp ý kiến của các đơn vị có liên quan; chi phí phối hợp với các đơn vị cho việc khảo sát thực tế trong quá trình thẩm định.
Chi phí thẩm định quy chế quản lý kiến trúc, thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị xác định bằng 5% chi phí lập quy chế quản lý kiến trúc, chi phí lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị tương ứng xác định theo quy định tại Thông tư 08/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.