Phụ cấp thâm niên là một trong những quyền lợi của những người làm việc trong các ban, ngành thuộc cơ quan nhà nước. Vậy Chỉ huy trưởng có được hưởng phụ cấp thâm niên không?
Mục lục bài viết
1. Chỉ huy trưởng có được hưởng phụ cấp thâm niên không?
1.1. Chỉ huy trưởng:
Chỉ huy trưởng gồm:
– Chỉ huy trưởng trong chức vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm có:
+ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hay còn gọi là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh); Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
+ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (hay còn gọi là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện).
– Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chính là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chính trị viên là Bí thư hoặc là Phó Bí thư cấp ủy cùng cấp, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó.
– Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã chính là ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, trong tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo các quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm về chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
1.2. Chỉ huy trưởng có được hưởng phụ cấp thâm niên không?
– Đối với chỉ huy trưởng trong chức vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam:
+ Đối với sĩ quan tại ngũ (Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, huyện; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh): Căn cứ Điều 31 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Sĩ quan Quân đội 2014 quy định chế độ tiền lương và phụ cấp đối với sĩ quan tại ngũ sẽ do Chính phủ quy định; bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, theo chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, phù hợp với nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên sẽ được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ. Sĩ quan quan đội được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và các phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự. Theo đó, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, huyện; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh được hưởng phụ cấp thâm niên theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ.
+ Đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ: Căn cứ Điều 37 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Sĩ quan Quân đội 2008 quy định Sĩ quan khi nghỉ hưu thì được hưởng phụ cấp thâm niên tính theo thời gian phục vụ tại ngũ và cấp bậc quân hàm tại thời điểm chuyển ngành.
– Đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Điều 33 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã mà có thời gian công tác ở vị trí này từ đủ 60 tháng trở lên sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên. Theo đó, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã cũng được hưởng phụ cấp thâm niên với điều kiện người đó phải có thời gian công tác ở chức vụ này từ đủ 60 tháng trở lên.
– Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức sẽ được hưởng phụ cấp chức vụ, còn đối với phụ cấp thâm niên thì không được hưởng.
Như vậy, qua các quy định trên, chỉ huy trưởng sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên, trừ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức theo Luật Dân quân tự vệ 2019.
2. Công thức tính phụ cấp thâm niên đối với Chỉ huy trưởng:
2.1. Đối với Chỉ huy trưởng trong chức vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam:
Căn cứ Thông tư 224/2017/TT-BQP về phụ cấp thâm niên với sĩ quan thì Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh được hưởng phụ cấp thâm niên với điều kiện và mức phụ cấp thâm niên đó là người này phải có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội đủ 5 năm (tức đủ 60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% với mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (tức 12 tháng) được tính thêm 1%. Ví dụ, anh A đã công tác ở vị trí Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp huyện là đủ 07 năm, khi đó anh A sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên là: 5% mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + 2% mức lương hiện hưởng.
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh được quy định như sau:
– Thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội;
– Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác sẽ được cộng dồn với thời gian quy định trên, bao gồm có:
+ Công an;
+ Cơ yếu;
+ Hải quan;
+ Tòa án;
+ Kiểm sát;
+ Kiểm toán;
+ Thanh tra;
+ Thi hành án dân sự;
+ Kiểm lâm;
+ Kiểm tra đảng;
+ Nhà giáo;
+ Dự trữ quốc gia;
+ Các ngành, nghề khác được Chính phủ quy định.
Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh gồm:
– Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử;
– Thời gian chấp hành hình phạt tù giam;
– Thời gian đào ngũ;
– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
– Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2.2. Đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã:
Như đã nói ở mục trên, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã cũng được hưởng phụ cấp thâm niên với điều kiện người đó phải có thời gian công tác ở chức vụ này từ đủ 60 tháng trở lên.
Căn cứ Điều 10
Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác ở những ngành nghề khác nếu như được hưởng phụ cấp thâm niên thì được cộng nối với thời gian đó với thời gian giữ các chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã nếu có đứt quãng thì sẽ được cộng dồn.
Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng và được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm các thời gian sau:
– Thời gian Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử;
– Thời gian Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã chấp hành hình phạt tù giam;
– Thời gian Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tự ý nghỉ việc;
– Thời gian Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc phụ cấp liên tục từ 01 tháng trở lên;
– Thời gian Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999;
– Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008;
– Luật Sĩ quan Quân đội 2014;
– Nghị định 21/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
– Thông tư 224/2017/TT-BQP về phụ cấp thâm niên với sĩ quan;
– Luật Dân quân tự vệ 2019;
– Nghị định 72/2020/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách với dân quân tự vệ.