Thực tế hiện nay để thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, pháp luật quy định đảng viên không được phép sinh con thứ 3, trừ một số trường hợp đặc biệt. Vậy nếu chi bộ có Đảng viên bị kỷ luật sinh con thứ 3 thì xếp loại gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Đảng viên bị xử lý kỷ luật do sinh con thứ ba thì bị xếp loại gì?
- 2 2. Chi bộ có hai đảng viên bị xử lý kỷ luật do sinh con thứ ba thì chi bộ có bị ảnh hưởng gì đến xếp loại không?
- 3 3. Các hình thức xử lý kỷ luật nào khi Đảng viên sinh con thứ ba?
- 4 4. Các trường hợp sinh con thứ 3 không bị vi phạm chính sách dân số:
1. Đảng viên bị xử lý kỷ luật do sinh con thứ ba thì bị xếp loại gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2.3 Mục 2 Phần B Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019, Đảng ủy cơ sở, chi bộ cơ sở chủ trì tổ chức thực hiện và xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đảng viên, đồng thời từng đảng viên tự đánh giá, xếp loại chất lượng, căn cứ để xác định tiêu chuẩn các mức chất lượng như sau:
– Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
+ Là đảng viên thực sự tiêu biểu về năng lực, có lối sống, phẩm chất đạo đức tốt, luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, có nhiều thành tích nổi bật trong công tác, có sản phẩm cụ thể lượng hóa được, và là đảng viên gương mẫu được các đảng viên khác học tập, noi theo;
+ Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao đều được đánh giá đạt cấp độ “Xuất sắc”; các tiêu chí còn lại khi hoàn thành được đánh giá đạt cấp độ “Tốt” trở lên;
+ Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Trong từng tổ chức cơ sở Đảng thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
– Mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ
+ Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của đảng viên đều được đánh giá đạt cấp độ “Tốt” trở lên; những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ “Trung bình” trở lên;
+ Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
– Mức độ hoàn thành nhiệm vụ
+ Các tiêu chí cơ bản của đảng viên được đánh giá đạt cấp độ “Trung bình” trở lên;
+ Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức phải được xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên.
– Mức độ xác định không hoàn thành nhiệm vụ
Đảng viên không được đánh giá ở mức độ “Hoàn thành nhiệm vụ” hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Cấp có thẩm quyền kết luận đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, đạo đức, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”;
+ Chỉ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm;
+ Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức bị xếp loại ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ”;
+ Đảng viên bị thi hành kỷ luật trong năm (với một vi phạm bị xử lý kỷ luật chỉ tính một lần khi xếp loại).
Theo đó, đảng viên do sinh con thứ ba đã bị xử lý kỷ luật sẽ bị xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Chi bộ có hai đảng viên bị xử lý kỷ luật do sinh con thứ ba thì chi bộ có bị ảnh hưởng gì đến xếp loại không?
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm được tiến hành ngay sau khi kết thúc kiểm điểm dựa trên cơ sở kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Căn cứ theo khoản 1.3 Mục 1 Phần B Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019 quy định tiêu chuẩn các mức chất lượng để đánh giá đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; đảng bộ cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng (sau đây gọi chung là cấp huyện); Đảng bộ cơ sở (bao gồm cả đảng bộ cơ sở mà đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở) và chi bộ cơ sở; Đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở do các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể như sau:
– Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
+ Là đảng bộ (chi bộ) có đổi mới sáng tạo, có nhiều thành tích nổi bật; vai trò hàng đầu, khẳng định vị thế điển hình để các tổ chức đảng khác học tập, noi theo;
+ Các tiêu chí về kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng; kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế – xã hội, được cấp có thẩm quyền giao đều được đánh giá đạt cấp độ “Xuất sắc”, những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ “Tốt” trở lên;
– Đối với đảng bộ được xếp loại chất lượng “Hoàn thành nhiệm vụ” phải có 100% số tổ chức đảng trực thuộc trở lên, trong đó có từ 80% được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Đối với chi bộ được xếp loại chất lượng “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên phải có 100% đảng viên, trong đó có từ 80% được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên;
+ Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp được xếp loại chất lượng với đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng tổ chức đảng được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số tổ chức đảng cùng cấp trực thuộc của từng đảng bộ được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ
+ Các tiêu chí về kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng hệ thống chính trị, công tác xây dựng Đảng; kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển quốc phòng – an ninh, kinh tế – xã hội được cấp có thẩm quyền giao đều đánh giá đạt cấp độ “Tốt” trở lên, những tiêu chí còn lại được đánh giá đạt cấp độ “Trung bình” trở lên;
+ Đối với đảng bộ được xếp loại chất lượng “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên phải có 100% số tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có từ 50% được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Đối với chi bộ được xếp loại chất lượng “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên phải có 100% đảng viên, trong đó có từ 50% được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên;
+ Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp được đánh giá xếp loại chất lượng “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên.
– Hoàn thành nhiệm vụ
+ Các tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ đều được đánh đánh giá đạt cấp độ “Trung bình” trở lên;
+ Tổ chức đảng không bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật nhưng tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
– Không hoàn thành nhiệm vụ
Là đảng bộ (chi bộ) không đạt mức “Hoàn thành nhiệm vụ” hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Chỉ hoàn thành dưới 50% số chỉ tiêu, nhiệm vụ về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh được cấp có thẩm quyền giao (trừ trường hợp bất khả kháng) hoặc các chương trình, kế hoạch xây dựng hệ thống chính trị của đảng bộ, kế hoạch về xây dựng Đảng ở mức kém;
+ Có từ 02 tổ chức trong các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp với đánh giá xếp loại chất lượng “Không hoàn thành nhiệm vụ”;
+ Tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật;
+ Đảng bộ xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ” có trên 20% số tổ chức đảng trực thuộc, chi bộ cơ sở xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ” có trên 20% số đảng viên xếp loại này.
Như vậy, khi chi bộ có 2 đảng viên vi phạm chính sách dân số (tưc Đảng viên mà sinh con thứ 3) đã bị xử lý kỷ luật trong 01 năm thì đảng viên đó sẽ bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”, thì chi bộ đó sẽ xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” bởi vì hai đảng viên vi phạm này đã chiếm hơn 20% đảng viên trong chi bộ.
3. Các hình thức xử lý kỷ luật nào khi Đảng viên sinh con thứ ba?
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW quy định về kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm, đối với trường hợp Đảng viên vi phạm quy định chính sách về dân số mà thuộc một trong các trường hợp sau gây ít hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cụ thể:
+ Cưỡng bức, cản trở thực hiện kế hoạch hóa gia đình; chuẩn đoán, tham gia các hoạt động xét nghiệm để xác định giới tính thai nhi trái quy định;
+ Vi phạm chính sách về dân số.
Đối với các trường hợp vi phạm đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), cụ thể là:
+ Hành vi tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành các văn bản mà có nội dung vi phạm các quy định về chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc;
+ Có hành vi gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là cho con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc thực hiện các hành vi khác trái quy định.
Đối với trường hợp vi phạm quy định về chính sách dân sự mà đã bị xử lý bằng hình thức khiển trách, đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) mà gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
Theo đó, công chức là đảng viên mà sinh con thứ ba thì áp dụng kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
4. Các trường hợp sinh con thứ 3 không bị vi phạm chính sách dân số:
Căn cứ theo Điều 2 quy định số 05-QĐi/TW quy định việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng thì những trường hợp sau không bị coi là vi phạm:
– Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người;
– Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;
– Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;
– Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả trường hợp con đẻ đã được cho làm con nuôi;
– Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị dị tật không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;
– Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đảng viên đó đã có con riêng (con đẻ);
+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ), tuy nhiên quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;
– Phụ nữ chưa kết hôn mà trong cùng một lần sinh sinh một hoặc hai con trở lên;
– Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành
– Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, mà có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên rằng nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Quy định 69-QĐ/TW ngày 06 tháng 7 năm 2022 về kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm;
– Hướng dẫn 21-HD/BTCTW ngày 18 tháng 10 năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp;
– Quy định 05-QĐi/TW ngày 28 tháng 8 năm 2018 về việc kết nạp người vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng.