Trên thực tế độc giả đã chứng kiến không ít những vụ hoả hoạn, đuối nước hoặc những vụ án chèn gối, chèn chăn,... Đó đều là các hình thức gây án bằng thủ đoạn gây ngạt đối với nạn nhân. Dưới góc nhìn y pháp thì các dấu hiệu chết ngạt được phân tích thế nào?
Mục lục bài viết
1. Định nghĩa chết ngạt:
Ngạt là hiện tượng ngừng cung cấp ô xy, thừa khí carbonic trong cơ thể. Ngạt có thể xảy ra rất nhanh chóng hoặc từ từ và gây chết nếu nguyên nhân gây ngạt không bị loại bỏ.
Người ta có thể nhịn ăn nhịn uống dài ngày, nhưng không thể nhịn thở quá 5 phút (trung bình 2 – 3 phút). Bình thường máu động mạch bão hoà gần hết ôxy, chỉ còn 5% là không. Máu tĩnh mạch có nhiều hemoglobin không bão hoà hết oxy chiếm tới 30%. Người ta coi mao mạch là trung gian, thì lượng hemoglobin không oxy tại đây là số trung bình của (5% + 30%) : 2 = 17.5%. tím tái xuất hiện khi lượng hemoglobin khử oxy tại mao mạch lên tới 30 – 35%. Tím tái do ngộ độc không phải do thiếu hemoglobin mà vì lượng hemoglobin biến thành methemogobin hay sulfhemoglobin. Khi lượng những chất này quá 3mg% trong máu thì xuất hiện xanh tím, nhưng xanh tím ở đây tươi hơn các trường hợp khác. đối với những tổ chức biệt hoá cao như tim, não,v.v… nhu cầu oxy của tế bào rất lớn vì thiếu oxy chúng bị tổn thương sớm nhất.
Ngừng cung cấp oxy, thừa khí carbonic trong cơ thể thường thấy dưới hình thức: máu thiếu oxy thực sự nên không đủ oxy cung cấp cho tế bào (những nguyên nhân làm lấp đường thở).
Máu có đầy đủ oxy nhưng hô hấp tế bào không thu nhận được chúng, trường hợp này gặp trong ngộ độc acid cyanhydric (HCN) và một số chất khác.
2. Phân loại nguyên nhân gây ngạt:
Người ta thường gặp hai hình thức ngạt: ngạt hoàn toàn và ngạt không hoàn toàn.
Ngạt hoàn toàn thấy trong các trường hợp treo cổ, thắt cổ, chẹt cổ chết dưới nước, ngộ độc các khí oxyt carbon, khí carbonic, acid cyanhydric.
Ngạt không hoàn toàn gặp ở các trường hợp dị vật bịt đường thở (hạt ngô, lạc trong khí quản), hoặc trường hợp đường hô hấp ngoài bị cản trở (chùm chăn kín, bịt mồm, mũi bằng quần áo chăn màn hoặc bằng tay, phòng ở quá kín không khí không được lưu thông. Trong tất cả các trường hợp đó, oxy giảm, khí CO, tăng.
Ngạt hoàn toàn và không hoàn toàn còn gặp trong các bệnh hô hấp như: phế viêm, phù phổi cấp, viêm phế quản phổi, bệnh bạch hầu, co thắt khí phế quản phản xạ, các khối u chèn ép đường thở.
3. Triệu chứng lâm sàng của chết ngạt:
Thực nghiệm ngạt cho thấy lượng oxy trong phòng kín hoàn toàn giảm 12 – 14% và khí carbonic lên tới 6 8% thì xuất hiện những triệu chứng như: cảm thấy ngột ngạt, nhức đầu, buồn bã chân tay, thở nhanh, huyết áp tăng, v.v… Khí oxy chỉ còn 8% và khí carbonic tăng 12% thì chết (bình thường oxy 20.96%, carbonic 0.04%).
Nếu lấp đường thở hoàn toàn, ngạt xuất hiện lần lượt qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: khoảng 1 phút thở sâu và nhanh tiếp đó khó thở, nhịp tim tăng và bất tỉnh.
Giai đoạn 2: khoảng 2 – 3 phút khó thở ra, nhịp tim tăng mất các n đường phản xạ, co giật toàn thân, co bóp cơ trơn gây đái ỉa.
Các triệu chứng của giai đoạn 1 và 2 do trung tâm hô hấp bị kích thích bởi oxy giảm đặc biệt do khí carbonic tăng.
Giai đoạn 3: độ 1 phút nhịp thở lúc nhanh, lúc chậm, huyết áp giảm, do trung tâm hô hấp bị ức chế bởi nồng độ khí carbonic quá cao trong cơ thể.
Giai đoạn 4: khoảng 40 giây, trung tâm hô hấp và trung tâm vận mạch bị ức chế sâu sắc do nồng độ carbonic quá cao trong máu với thời gian kéo dài làm cho tim loạn nhịp rồi đập thưa dần, huyết áp giảm rõ rệt, mất phản xạ, đồng tử giãn, cơ mềm, thở ngáp và cuối cùng ngừng thở.
Nhìn chung sức chịu ngạt không quá 5 phút, cá biệt có khi 10 phút hoặc lâu hơn, nhất là trong các trường hợp có rèn luyện thở tốt như thợ lặn, vận động viên bơi lội, chạy dai sức đường dài. Tuy nhiên thời gian chịu đựng ngạt tùy thuộc vào một phần tình trạng của thần kinh. Nếu tình trạng thần kinh hưng phấn thì sự sống kết thúc nhanh. Nếu ở trạng thái ức chế thời gian chịu đựng kéo dài hơn. Khi loại bỏ nguyên nhân lấp đường thở hoàn toàn, ở giai đoạn 3 sinh vật có thể sống nhưng không quá 24 giờ, nếu ngừng ở giai đoạn 2 thì có thể sống lại bình thường, nạn nhân được cứu sống còn thấy khó thở trong vài ngày, ho ra máu, viêm phổi, mất trí hoặc giảm trí nhớ trong một thời gian. Ngay trong gây mê, trong phẫu thuật kéo dài cũng gây thiếu oxy cho bệnh nhân khi tỉnh lại trí nhớ giảm và hay quên, tình trạng này kéo dài hàng tháng mới hồi phục.
4. Những dấu hiệu chết ngạt:
Tổn thương tổ chức, tế bào trong chết ngạt không có hình ảnh đặc thù, chỉ có dấu hiệu chung cho mọi tác nhân gây ngạt
Dấu hiệu bên ngoài: xung huyết niêm mạc, củng mạc mắt, da mặt, cổ, môi với mức độ khác nhau. Vết hoen tử thi xuất hiện sớm, lan rộng nhanh sau 30 phút (bình thường từ 3 – 24 giờ), hư thối cũng sớm, giai đoạn cứng tử thi rất ngắn.
Dấu hiệu bên trong: trên các phủ tạng có các chấm xuất hiện (dấu hiệu Tardieu) rải rác ở thanh mạc, thượng tâm mạc, màng phổi, trong não, trên niêm mạc mắt, củng mạc mắt. Đôi khi chảy máu tuyến thượng thận. Qua diện cắt thấy tất cả các phủ tạng xung huyết dữ dội. Màu của phủ tạng xung huyết này tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ngạt: nếu nguyên nhân gây ngạt làm tổ chức thiếu oxy, thừa CO, thì các phủ tạng có màu đỏ sẫm. Nếu nguyên nhân gây ngạt chỉ làm tổ chức tế bào không hấp thụ được oxy, còn trong máu lượng oxy vẫn bình thường thì máu phủ tạng đỏ tươi giống màu đỏ cánh sen (ngộ độc các chất clorat, nitritbitmut, đặc biệt là oxytcarbon và acid cyanhydric).
Xung huyết các phủ tạng là biểu hiện thích nghi của cơ thể để bù đắp vào sự thiếu hụt oxy khiến cho nhịp tim mạch nhanh, phổi thở mạnh nhằm làm tăng khối lượng máu đang duy trì sự sống tại những cơ quan trọng yếu nhu não, tim, v.v…
Khi thiếu oxy, tim đập nhanh dồn khối lượng máu về hệ thống động tĩnh mạch làm áp lực thành mạch tăng, trong khi đó hô hấp của tế bào nội mô bị rối loạn, khiến mối liên kết giữa chúng với nhau thiếu chặt chẽ, do đó nơi nào thành mạch yếu giãn thì hồng cầu thoát quản gây nên hiện tượng xuất huyết rải rác.
Phù phổi cấp ở mức độ nặng nhẹ khác nhau cũng hay gặp trong ngạt. Bên cạnh dấu hiệu tổn thương chung do ngạt còn cần phải lưu ý những tổn thương cơ giới do quá trình phản ứng của cơ thể bị ngạt như giãy giụa cào cấu làm sây sát da nạn nhân và nhất là những thương tổn đặc thù cho từng nguyên nhân gây ngạt (treo cổ, bóp cổ, v.v…) Có như vậy mới xác minh đúng đắn nguyên nhân gây chết.