Hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân tại ngũ đang phục vụ trong quân đội nhân dân mà gia đình, thân nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất thì theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thế nào? Trình tự thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan.
Mục lục bài viết
- 1 1. Thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được những chế độ gì?
- 2 2. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất với thân nhân hạ sĩ quan:
- 3 3. Hồ sơ, thủ tục xin hưởng trợ cấp đối với thân nhân hạ sĩ quan:
- 4 4. Mẫu bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất:
1. Thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được những chế độ gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng các chế độ, chính sách như sau:
– Chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm đối với nhân thân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ;
– Được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí đối với con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ;
– Ngoài ra, trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật.
2. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất với thân nhân hạ sĩ quan:
2.1. Đối được áp dụng:
Thứ nhất, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong công an nhân dân.
Theo quy định tại Điều 2
Thứ hai, thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2
2.2. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất với thân nhân hạ sĩ quan:
Được quy định tại Điều 3 Nghị định 05/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; theo đó thân nhân hạ sĩ quan khi gặp khó khăn đột xuất sẽ được hưởng chế độ trợ cấp như sau:
– Trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên sẽ được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần;
– Trường hợp gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở sẽ được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần;
– Trong trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích sẽ được nhận trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.
Lưu ý: Trừ trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần hoặc mất tích thì các khoản trợ cấp khác thân nhân được hưởng, chỉ được áp dụng không quá 02 lần trong 01 năm đối với một đối tượng.
3. Hồ sơ, thủ tục xin hưởng trợ cấp đối với thân nhân hạ sĩ quan:
3.1. Đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong công an nhân dân:
3.1.1. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp đối với thân nhân hạ sĩ quan:
Được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 05/2016/NĐ-CP, theo đó hồ sơ bao gồm:
– Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất của hạ sĩ quan, chiến sĩ theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định 05/2016/NĐ-CP;
– Bản khai hưởng chế độ khó khăn đột xuất trong từng trường hợp cụ thể:
+ Giấy ra viện hoặc giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên, nơi thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang điều trị đối với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau;
+ Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở theo quy định;
+ Giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ mất tích của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích.
– Văn bản đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất của đơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ cấp tiểu đoàn hoặc cấp phòng, quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương trở lên.
3.1.2. Trách nhiệm và trình tự thực hiện:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2016/NĐ-CP trách nhiệm và trình tự thực hiện như sau:
* Hạ sĩ quan, chiến sĩ có trách nhiệm:
– Lập bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất theo quy định;
– Nộp bản khai và các giấy tờ có liên quan cho đơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ.
* Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận đối với trường hợp gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu xác nhận.
* Đối với đơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ:
– Tiếp nhận bản khai và các loại giấy tờ do hạ sĩ quan, chiến sĩ nộp;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, tổng hợp, kiểm tra và đề nghị cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất đối với, hạ sĩ quan, chiến sĩ;
– Chi trả chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất cho hạ sĩ quan, chiến sĩ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
* Đối với công an đơn vị, địa phương:
Công an đơn vị, địa phương nơi hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác có trách nhiệm hoàn thành việc xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Trường hợp không đủ điều kiện hưởng, Công an đơn vị, địa phương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3.2. Đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ:
Được quy định tại Điều 5 Thông tư 95/2016, theo đó hồ sơ, trình tự, trách nhiệm và nguyên tắc giải quyết chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất cụ thể như sau:
3.2.1. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 95/2016, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bao gồm:
– Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 95/2016) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ cư trú.
– Giấy tờ xác nhận khó khăn đột xuất trong từng trường hợp cụ thể:
+ Đối với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau: Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về trường hợp thân nhân ốm đau dài ngày từ một tháng trở lên; Giấy ra viện của cơ sở y tế nơi thân nhân Điều trị;
+ Đối với trường hợp gia đình, thân nhân hạ sĩ quan bị thiệt hại vật chất do bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà: Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ thiệt hại vật chất khi bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở;
+ Đối với trường hợp thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích: Giấy chứng tử của thân nhân từ trần hoặc mất tích hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3.2.2. Trình tự và trách nhiệm giải quyết:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 95/2016, theo đó trình tự và trách nhiệm giải quyết hưởng trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ được quy định như sau:
* Hạ sĩ quan, binh sĩ có trách nhiệm:
– Làm bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất;
– Nộp bản khai và các loại giấy tờ xác nhận trường hợp khó khăn đột xuất theo quy định cho cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương;
– Trường hợp bản khai chưa có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chưa có các loại giấy tờ kèm theo thì nộp bản khai cho cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương để các cấp xét duyệt, giải quyết trợ cấp, sau đó hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 30 ngày (kể từ ngày được giải quyết trợ cấp) nộp cho cơ quan tài chính thanh quyết toán theo quy định; hết thời hạn trên nếu hạ sĩ quan, binh sĩ không hoàn thiện đủ hồ sơ thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận.
* Đơn vị quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ có trách nhiệm:
– Đối với cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương: Tiếp nhận bản khai và các loại giấy tờ do hạ sĩ quan, binh sĩ nộp; tổng hợp, kiểm tra và đề nghị cấp trên trực tiếp trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc; nhận và chi trả chế độ trợ cấp khó khăn cho hạ sĩ quan, binh sĩ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
– Đối với cấp trung đoàn hoặc tương đương: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của đơn vị cấp dưới, hoàn thành việc xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho hạ sĩ quan, binh sĩ.
* Cơ quan Chính trị (Chính sách) các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn cho hạ sĩ quan, binh sĩ về chế độ, trình tự thực hiện; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện; hằng năm lập dự toán kinh phí bảo đảm chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất vào dự toán kinh phí của cơ quan, đơn vị, gửi Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính và Cục Chính sách); xác nhận, quản lý, thanh quyết toán theo quy định.
4. Mẫu bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
BẢN KÊ KHAI ĐỀ NGHỊ TRỢ CẤP KHÓ KHĂN ĐỘT XUẤT
Kính gửi: ….
Tên tôi là: …..
Nhập ngũ: tháng ….. năm …
Cấp bậc: …Chức vụ: ….
Đơn vị: …..
Nơi cư trú của gia đình: …..
Lý do đề nghị trợ cấp khó khăn: ….
Kính đề nghị Thủ trưởng các cấp xem xét, giải quyết chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân gia đình tôi theo quy định./.
XÁC NHẬN CỦA | …., ngày …. tháng … năm … |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015;
– Nghị định 05/2016/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong công an nhân dân;
– Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ;
– Thông tư 95/2016 hướng dẫn nghị định 27/2016/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.