Người bị kết án tử hình là gì? Quy định về chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ với người bị kết án tử hình?
Trong quy định về tạm giữ, tạm giam, đối tượng được điều chỉnh chủ yếu và trọng tâm nhất là người bị tạm giữ, tạm giam. Mặc dù đây là những chủ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và buộc phải tạm giữ, tạm giam, cách ly khỏi xã hội dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền những việc đảm bảo các quyền và chế độ ăn, ở và quản lý vẫn phải được thực hiện hiệu quả. Một trong những chủ thể đặc biệt khi nhắc tới chế độ ăn, ở và quản lý là người bị kết án tử hình đang bị tạm giam và đây cũng là nội dung được Luật Dương Gia phân tích trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý: Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.
1. Người bị kết án tử hình là gì?
Người bị kết án tử hình là người được
2. Quy định về chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ với người bị kết án tử hình?
Quy đinh về chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ với người bị kết án tử hình được quy định tại Điều 37 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Nội dung được quy định tại Điều luật này được thể hiện như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc: “Người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được hưởng chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà, gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu như người bị tạm giam khác.”
Theo quy định này, về chế độ ăn, ở người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm an toàn thực phẩm trong ăn, uống. Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu. (Điều 27, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam).
Về chế độ mặc của người bị kết án tử hình, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn (các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 02 kg). (Khoản 1, Điều 6, Nghị định 120/2017/NĐ-CP).
Về chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị kết án tử hình, cơ sở giam giữ được trang bị hệ thống truyền thanh, được cấp một tờ báo địa phương hoặc báo trung ương, được tổ chức nghe đài phát thanh, đọc báo hoặc cho họ xem chương trình truyền hình địa phương và trung ương. (Điều 31, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam).
Về chế độ chăm sóc y tế của người bị kết án tử hình, được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ sở giam giữ yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cầu giám định pháp y tâm thần và sau đó là chữa trị. (Điều 30, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam).
Về chế độ nhận quà, gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu , người bị kết án tử hình chỉ được gửi hoặc nhận thư, sách, báo và tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép. Thư, sách, báo và tài liệu phải để mở và chịu sự kiểm tra, kiểm duyệt của cơ sở giam giữ. (Điều 29, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam).
Việc quy định chế độ của người bị kết án tử hình cũng giống với những người tạm giam khác nhằm tạo sự công bằng trong việc đáp ứng chế độ, quyền cơ bản của các cá nhân. Hơn nữa, bản chất là người bị kết án tử hình cũng là người bị tạm giam mặc dù có tính chất đặc biệt hơn về thời hạn, tuy nhiên, việc đảm bảo chỉ một chế độ và đó đã là chế độ tốt nhất thì không cần phải đặt ra quá nhiều chế độ để tạo thêm gánh nặng cho cơ sở trại giam.
Thứ hai, chế độ thăm gặp đối với người bị kết án tử hình.
Quy định về chế độ thăm gặp đối với người bị kết án tử hình sẽ có những đặc điểm riêng đặc biệt là thăm gặp đối với người bị kết án tử hình mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án do Giám thị trại tạm giam quyết định. Còn đối với trường hợp người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam về gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Nguyên tắc đối với chế độ thăm gặp đối với người bị kết án tử hình là: Việc tổ chức thăm gặp phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Giám thị trại tạm giam bố trí phòng thăm gặp riêng cho người bị kết án tử hình, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuyệt đối an toàn.(Khoản 2, Điều 6, Thông tư 34/2017/TT-BCA).
Chế độ thăm gặp đối với người bị kết án tử hình phải thực sự đảm bảo nhằm tránh các tình trạng ảnh hưởng đến người bị kết án tử hình hoặc làm mất đi khả năng thi hành án tử hình.
Thứ ba, một số quyền của người bị kết án tử hình khi bị tạm giam.
Là chủ thể đặc biệt, chỉ đặt trong “tình cảnh” đó, người bị kết án tử hình mới được cơ sở giam giữ đảm bảo thực hiện các quyền kháng cáo, quyền đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền xin ân giảm án tử hình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các quyền khác của người bị tạm giam. Đây là các quyền để người bị kết án tử hình tự bảo vệ chính mình dựa trên quyền mà pháp luật trao cho, đặc biệt là quyền xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước.
Thứ tư, sự thay đổi về nơi giam giữ.
Đây là trường hợp xảy ra khi người bị kết án tử hình có quyết định ân giảm xuống tù chung thân hoặc có bản án giảm xuống tù chung thân, tù có thời hạn hoặc hủy án để điều tra lại. Chủ thể có quyền quyết định thay đổi, chuyển người bị kết án tử hình từ nơi này đến nơi khác là thủ trưởng cơ sở giam giữ.
Thứ năm, cơ sở giam giữ trả lại tiền, tài sản gửi lưu ký, đồ dùng cá nhân của người đã bị thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc người được ủy thác của người đó. Đây là những tài sản thuộc sở hữu của người đã bị thi hành án tử hình vì vậy, khi họ đã bị thi hành án, thì thân nhân của họ hoặc người được ủy thác có quyền được nhận lại thay cho họ, khi đó, cơ sở giam giữ phải có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ nêu trên.
Thứ sáu, trại tạm giam phải tổ chức buồng riêng hoặc khu riêng để giam giữ người bị kết án tử hình. Trong quá trình quản lý tạm giam người bị kết án tử hình, nếu xét thấy họ có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cùm một chân và tổ chức theo dõi, quản lý, ngăn ngừa.
Quy định này có ý nghĩa cực quan trọng trong các quy định về quản lý người bị kết án tử hình. Việc tổ chức buồng riêng, khu riêng để giam giữ nhằm tách biệt các cá nhân này với các cá nhân khác trong cùng một trại tạm giam, để dễ dàng quản lý và tránh những tiêu cực trong hoạt động giam giữ. Thực tế, điều kiện này được đảm bảo rất hiệu quả và dường như các cơ sở tạm giam đều đáp ứng được không những về không gian riêng mà điều kiện vật chất cũng ổn hơn.
Đối với trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì việc kiểm soát họ chặt chẽ hơn là điều không thể tránh khỏi, trong đó hình thức được thực hiện là cùm một chân và phải theo dõi, quản lý và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa riêng (trong đó có thể có cả biện pháp tác động tới tinh thần).
Có thể nói quy định về chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ với người bị kết án tử hình khá chặt chẽ và cụ thể, nội dung quy định dường như đã tính hết các điều kiện tốt nhất cho người bị kết án tử hình mà không mất đi tính quản lý vốn có. Tuy nhiên, quy định là một phần việc có thực hiện nó hiệu quả hay không trong thực tế còn là vấn đề của các cơ sở giam giữ, vì vậy để bảo đảm quyền cho người bị tạm giam nói chung và người bị kết án tử hình nói riêng, công tác kiểm tra cơ sở giam giữ nên được cơ quan có thẩm quyền thực hiện thường xuyên.