Từ trước tới nay, đã có rất nhiều phương pháp đưa ra để xử lý chất thải y tế và đã được áp dụng rộng rãi ở một số quốc gia. Mỗi một biện pháp xử lý rác thải sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Vậy chất thải y tế là gì? Phân loại và các cách xử lý rác thải y tế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chất thải y tế là gì?
Chất thải y tế có thể chứa chất dịch cơ thể ví dụ như máu hoặc là các chất gây ô nhiễm khác. Tại Đạo luật Theo dõi Chất thải Y tế năm 1988 đã định nghĩa chất thải y tế chính là chất thải phát sinh ở trong các quá trình nghiên cứu y học, xét nghiệm hay chẩn đoán, tiêm chủng, hoặc là điều trị cho người hoặc động vật. Một số ví dụ cụ thể như thủy tinh, băng gạc, găng tay hoặc các vật dụng sắc nhọn mà đã bị loại bỏ như là kim hoặc dao mổ hay gạc và khăn giấy.
Chất thải y tế chính là bất kỳ chất thải nào mà có chứa chất nhiễm trùng (hoặc là vật liệu có khả năng truyền nhiễm). Chất thải y tế bao gồm có chất thải phát sinh từ những cơ sở y tế ví dụ như văn phòng bác sĩ, bệnh viện hay phòng khám nha khoa, phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở nghiên cứu y khoa và các phòng khám thú y.
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế có quy định như sau:
Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế.
Như vậy, chất thải y tế được quy định trong thông tư này chính là chất thải phát sinh từ các hoạt động của cơ sở y tế và chất thải y tế bao gồm có:
– Chất thải y tế nguy hại: gồm có chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Chất thải lây nhiễm bao gồm có:
+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn như kim tiêm, bơm liền kim tiêm hay đầu sắc nhọn của dây truyền hoặc kim chọc dò, kim châm cứu hoặc những vật sắc nhọn khác mà đã qua sử dụng bị thải bỏ mà có dính hay chứa máu của cơ thể hay chứa các vi sinh vật gây bệnh,….
+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn như bông, băng gạc hoặc găng tay hoặc vỏ lọ vắc xin thuộc những loại vắc xin bất hoạt hoặc loại giảm độc lực thải bỏ,…
+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao như mẫu bệnh phẩm hoặc dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm hoặc những chất thải mà phát sinh từ buồng bệnh cách ly,….
+ Chất thải giải phẫu như mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ hoặc xác động vật thí nghiệm;
Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm có:
+ Hóa chất thải bỏ có thành phần hay có tính chất nguy hại mà vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc là có cảnh báo nguy hại ghi trên bao bì từ nhà sản xuất;
+ Những dược phẩm thải bỏ mà thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc là có cảnh báo nguy hại ghi trên bao bì từ nhà sản xuất;
+ Vỏ chai hay lọ đựng thuốc hoặc hóa chất,….
+ Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng hoặc đã qua sử dụng thải bỏ mà có chứa thủy ngân, cadimi (Cd),…
+ Dung dịch dùng để rửa phim X- Quang hoặc nước thải từ các thiết bị xét nghiệm, phân tích,….
+ Những chất thải y tế khác mà có thành phần hay tính chất nguy hại mà vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc là có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất.
– Chất thải rắn thông thường, bao gồm có:
+ Chất thải rắn sinh hoạt mà phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của các nhân viên y tế, của người bệnh, của người nhà người bệnh,…
+ Hóa chất bị thải bỏ mà không có các thành phần hay tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;
+ Các vỏ chai hay lọ đựng thuốc hoặc các hóa chất, dụng cụ mà dính thuốc hoặc các hóa chất mà không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc là không có cảnh báo nguy hại ghi trên bao bì từ nhà sản xuất;
+ Các vỏ lọ vắc xin bị thải bỏ mà không thuộc các loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực;
+ Các chất thải sắc nhọn mà không lây nhiễm, không có thành phần hoặc không có tính chất nguy hại mà vượt ngưỡng chất thải nguy hại;
+ Các chất thải lây nhiễm mà sau khi xử lý mà đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
+ Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải mà không có thành phần hay tính chất nguy hại mà vượt ngưỡng chất thải nguy hại,…
+ Các chất thải rắn thông thường khác;
– Khí thải: bao gồm có khí thải phát sinh từ các phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm,…
– Chất thải lỏng không nguy hại: bao gồm có dung dịch thuốc hay hóa chất thải bỏ mà không thuộc nhóm gây độc tế bào,…
– Nước thải y tế: gồm nước thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở y tế.
Chất thải y tế còn có một số cách gọi khác như: chất thải sinh học, chất thải lâm sàng hoặc chất thải nguy hiểm sinh học, chất thải y tế có kiểm soát hay chất thải y tế truyền nhiễm hay chất thải từ việc chăm sóc sức khỏe.
Các thuật ngữ này đều được sử dụng thay thế cho nhau tuy nhiên lại có sự khác biệt giữa các chất thải y tế chung và các chất thải y tế nguy hại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại những loại vật dụng sắc nhọn, băng gạc, dịch tiết, và những vật liệu bị lây nhiễm là rác thải “nguy hại” còn đối với các vật dụng không chứa các chất lây nhiễm hay băng gạc động vật là “chất thải y tế nói chung”.
2. Phân loại rác thải y tế:
2.1. Nguyên tắc phân loại:
– Chất thải y tế bắt buộc phải phân loại để quản lý ngay ở nơi phát sinh và ngay tại thời điểm phát sinh;
– Đối với từng loại chất thải y tế thì phải phân loại riêng vào trong các bao bì, dụng cụ hay thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp những chất thải y tế nguy hại mà không có khả năng phản ứng hay tương tác với nhau và áp dụng chung cùng một phương pháp xử lý thì chúng có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì hay dụng cụ hoặc thiết bị lưu chứa (trừ các chất thải lây nhiễm sắc nhọn);
– Trong trường hợp các chất thải lây nhiễm mà để lẫn với các chất thải khác thì hỗn hợp các chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và phải xử lý giống như chất thải lây nhiễm và phải tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất đối với chất thải sau xử lý.
2.2. Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải:
– Tại các khoa, phòng, bộ phận: phải bố trí vị trí phù hợp và an toàn để đặt các bao bì, dụng cụ hay thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế;
– Tại các vị trí đặt bao bì, dụng cụ hay thiết bị lưu chứa bắt buộc phải có hướng dẫn cách phân loại và cách thu gom chất thải.
2.3. Phân loại chất thải lây nhiễm:
– Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: phải bỏ vào trong các thùng hoặc trong hộp kháng thủng và có màu vàng;
– Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: phải bỏ vào trong các thùng có lót túi và có màu vàng;
– Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: phải bỏ vào trong các thùng có lót túi và có màu vàng;
– Chất thải giải phẫu: phải bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong các thùng có lót túi và có màu vàng;
– Chất thải lây nhiễm dạng lỏng: phải chứa trong túi kín hoặc trong các dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp phải đậy kín.
2.4. Phân loại chất thải nguy hại không lây nhiễm:
– Chất thải nguy hại bắt buộc phải được phân loại theo các mã chất thải nguy hại để lưu giữ ở trong những bao bì, dụng cụ hay thiết bị lưu chứa phù hợp.
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: phải đựng trong túi hoặc trong thùng hoặc trong thùng có lót túi và có màu đen;
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: phải chứa trong các dụng cụ lưu chứa chất lỏng và phải có nắp đậy kín, có mã và tên loại chất thải lưu chứa.
2.5. Phân loại chất thải rắn thông thường:
– Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế: phải đựng trong túi hoặc trong thùng hoặc trong thùng có lót túi và phải có màu xanh. Các chất thải sắc nhọn phải đựng trong các dụng cụ kháng thủng;
– Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: phải đựng trong túi hoặc trong thùng hoặc trong thùng có lót túi và có màu trắng
2.6. Phân loại chất thải lỏng không nguy hại:
– Phải chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng và phải có nắp đậy kín và phải có tên loại chất thải lưu chứa.
3. Các cách xử lý rác thải y tế:
Phương pháp xử lý rác thải y tế bằng cách chôn lấp chỉ là giải pháp tình thế nhằm mục đích giảm thiểu lượng được rác thải. Tuy nhiên, nếu dùng phương pháp này trong thời gian dài thì lượng rác này có thể gây ra ô nhiễm nguồn nước và sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của những người dân xung quanh. Để thay thế biện pháp này, một số nơi trên thế giới thường áp dụng các phương pháp sau:
– Phương pháp thiêu hủy: phương pháp này được đánh giá là gây ra nhiều hậu quả không tốt cho môi trường tự nhiên. Và phương pháp này cũng không thể nào xử lý toàn bộ các chất độc trong lượng khói bay ra sau khi thực hiện đốt chúng.
– Phương pháp xử lý rác thải y tế bằng nhiệt ướt: đây là công nghệ thường được dùng trong nồi hấp tiệt trùng. Khi sử dụng phương pháp này, nhiệt độ trong buồng hấp sẽ tối thiểu là 121 độ C. Duy trì ở nhiệt độ này cùng kết hợp với áp suất trong buồng thì sẽ tiêu diệt được toàn bộ vi khuẩn hay các vi sinh vật gây hại
– Cách xử lý rác thải bằng hóa chất: Hóa chất được đưa vào sử dụng nhiều trong y tế nhằm mục đích tiêu diệt các vi khuẩn hay các vi sinh vật trên các dụng cụ y tế hay trên các vật dụng hoặc đồ đạc của các bệnh nhân.
– Phương pháp chiếu xạ vi
– Phương pháp thạch hóa: quá trình trơ hóa các rác thải y tế cùng với xi măng giúp giảm thiểu được tối đa lượng chất độc ra bên ngoài môi trường.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế