Thủ tục chào thầu cạnh tranh. Pháp luật quy định như thế nào về chào thầu cạnh tranh khai thác, thăm dò, tìm kiếm dầu khí?
Thủ tục chào thầu cạnh tranh. Pháp luật quy định như thế nào về chào thầu cạnh tranh khai thác, thăm dò, tìm kiếm dầu khí?
Chào thầu cạnh tranh trong việc khai thác, thăm dò, tìm kiếm dầu khí là một hình thức mời thầu do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thực hiện. Hình thức này được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí không nằm trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt và có tối thiểu hai (02) tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 95/2015/NĐ-CP quan tâm và đề xuất ký hợp đồng dầu khí.
1. Trình tự thực hiện chào thầu cạnh tranh
– Bước 1:
+ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi văn bản xin áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh tới Bộ Công Thương Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nêu rõ lí do trong văn bản.
+ Bộ Công Thương xem xét và quyết định về việc áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản từ Tập Đoàn dầu khí Việt Nam.
– Bước 2: Nếu được sự đồng ý của Bộ Công Thương thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi thông báo về hồ sơ và thời gian nộp hồ sơ chào thầu tới các nhà thầu muốn tham gia chào thầu.
– Bước 3: Sau khi nhận được thông báo từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tổ chức cá nhân tham gia phải gửi hồ sơ chào thầu trong thời hạn được yêu cầu.
– Bước 4: Tập đoàn Dầu khí phải hoàn thành đánh giá kết quả chào thầu cạnh tranh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc gửi hồ sơ chào thầu. Quy trình đánh giá chào thầu cạnh tranh được thực hiện tương tự như quy trình đánh giá hồ sơ đấu thầu rộng rãi được quy định tại điều 19 Nghị định 95/2015/NĐ-CP.
– Bước 5: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đánh giá chào thầu cạnh tranh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương kết quả chào thầu cạnh tranh để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình thẩm định được thực hiện theo điều 81 Nghị định 95/2015/NĐ-CP.
– Bước 6:
+ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm thông báo kết quả chào thầu cạnh cho các bên tham gia trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả chào thầu
+ Trên cơ sở kết quả đấu thầu đã được phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho bên trúng thầu về kế hoạch đàm phán hợp đồng dầu khí.
2. Hồ sơ chào thầu cạnh tranh
– Số lượng: 01 bản gốc và 02 bản sao
– Nội dung:
+ Báo cáo về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm chuyên môn và văn bản về việc hình thành liên danh nhà thầu dầu khí (nếu có);
+ Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, thương mại cơ bản của hợp đồng dầu khí trên cơ sở tham khảo các chỉ tiêu đấu thầu được quy định tại Điều 9 Nghị định này;
+ Yêu cầu các tài liệu pháp lý: giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, điều lệ, báo cáo tài chính ba (03) năm gần nhất đối với tổ chức hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân và các tài liệu khác có liên quan của bên chào thầu hoặc từng bên tham gia trong liên danh nhà thầu dầu khí
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Hồ sơ báo cáo kết quả chào thầu cạnh tranh
– Số lượng: 02 bản chính, 08 bản sao.
– Nội dung:
+ Hồ sơ chào thầu cạnh tranh;
+ Biên bản đánh giá chào thầu cạnh tranh, bảng điểm chấm chào thầu cạnh tranh;
+ Các văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu làm rõ hồ sơ chào thầu cạnh tranh và văn bản trả lời của bên chào thầu (nếu có);
+ Kiến nghị;
+ Tài liệu khác (nếu có).