Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mồ coi, trẻ bị bỏ rơi hay cha mẹ không đủ điều kiện để nuôi trẻ. Nhằm đảm bảo sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, nhà nước quy định về vấn đề chăm sóc thay thế trẻ em. Vậy bảo đảm quyền trẻ em được chăm sóc thay thế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chăm sóc thay thế là gì?
Với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng làm hài hòa pháp luật quốc gia với Công ước quyền trẻ em. Hiến pháp của Việt Nam quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” . Pháp luật về quyền trẻ em, từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991 – ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em. Theo đó, quy định tại Mục 1 Chương 2 Luật Trẻ em, trẻ em có 25 quyền, trong đó có quyền được chăm sóc thay thế. Vậy, chăm sóc thay thế là gì? Thông thường, cha mẹ sẽ là người có trách nhiệm yêu thương, nuôi dạy con cái. Nhưng có một số trường hợp cha mẹ không thể ở bên cạnh con mình.
Ví dụ, bởi vì cha hoặc mẹ, hoặc đôi khi cả cha lẫn mẹ bị bệnh nặng không đủ khả năng và điều kiện để nuôi dạy con hoặc là cha mẹ đã mất. Trong những trường hợp đó, sẽ có những người lớn khác trong gia đình thay cha mẹ nuôi dưỡng các em. Đó có thể là anh chị, cô dì, chú bác, ông bà nội, ông bà ngoại hoặc những người thân quen. Nếu trong gia đình không ai có thể chăm sóc trẻ, thì vẫn còn nhiều người lớn khác – như những cô chú, anh chị đã có kinh nghiệm nuôi dạy chăm sóc trẻ và họ mong muốn giúp đỡ các trẻ em đấy cho đến khi trưởng thành, đủ khả năng tự chăm sóc bản thân.
Khi cha mẹ trẻ không còn đủ khả năng đảm bảo dành cho các con sự chăm sóc và bảo vệ tốt, dù là trong khoảng thời gian dài hay ngắn thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải tìm ra một giải pháp để trẻ được ít nhất một người lớn khác chăm sóc nuôi dưỡng, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc bởi các cơ sở tập trung. Chúng ta gọi đây là “chăm sóc thay thế cho trẻ em”.
Như vậy, định nghĩa chăm sóc thay thế là việc cá nhân, gia đình, tổ chức, nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Các loại chăm sóc thay thế trẻ em:
Có nhiều loại chăm sóc thay thế nhưng có thể nhóm lại thành hai loại chính:
– Chăm sóc không chính thức – nơi các thành viên khác trong gia đình hoặc những người thân thích gần gũi với trẻ em trông nom trẻ. Điều này khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia. Trong trường hợp này, các chính phủ vẫn có vai trò đảm bảo phúc lợi và sự bảo vệ của họ với trẻ em được chăm sóc không chính thức.
– Chăm sóc chính thức – nơi chính phủ hoặc cơ quan chăm sóc trẻ em được công nhận đưa trẻ vào sự chăm sóc của người lớn không phải là thành viên trong gia đình hay nói cách khác đó là tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ hoặc đưa trẻ vào các cơ sở trợ giúp xã hội. Khi điều này là cần thiết thì tìm kiếm gia đình nhận chăm sóc thay thế thường là mục đích cung cấp một môi trường gia đình gần với môi trường gia đình bình thường của trẻ nhất có thể, đưa trẻ vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp cuối cùng để đảm bảo quyền được chăm sóc thay thế của trẻ.
Chăm sóc thay thế có thể tạm thời hoặc lâu dài cho một đứa trẻ sống xa cha mẹ nhưng cần phải dựa trên 2 nguyên tắc:
– Nguyên tắc về sự cần thiết. Điều này có nghĩa là trẻ em chỉ nên được chăm sóc thay thế nếu nó thực sự cần thiết. Nó phải vì lợi ích tốt nhất” của trẻ.
– Nguyên tắc về sự phù hợp. Điều này có nghĩa là trẻ em chỉ nên được đưa vào gia đình, cơ sở chăm sóc thay thế phù hợp với họ, với tình hình cá nhân.
Thuế thu nhập, nguồn lực hoặc các điều kiện liên quan trực tiếp đến nghèo đói, không bao giờ được là lý do duy nhất để loại bỏ một đứa trẻ khỏi sự chăm sóc của cha mẹ hoặc để ngăn cản một đứa trẻ được chăm sóc thay thế được đoàn tụ với gia đình của họ. Những điều kiện như vậy là dấu hiệu cho thấy gia đình cần được hỗ trợ để đáp ứng trách nhiệm của mình. Nếu một đứa trẻ cần được chăm sóc thay thế, thì có những nguyên tắc khác cần tuân theo. Như bao gồm việc tạo điều kiện cho đứa trẻ ở càng gần nơi ở thông thường của trẻ càng tốt, để giữ liên lạc với gia đình của trẻ, giảm thiểu gián đoạn cuộc sống của trẻ và giúp gia đình đoàn tụ dễ dàng hơn khi đến thời điểm. Chăm sóc thay thế nhằm cung cấp sự bảo vệ, hạnh phúc, phải đảm bảo một đứa trẻ có thể thực hiện mọi quyền của mình, bao gồm quyền tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ khác, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, ngôn ngữ và bảo vệ tài sản và quyền thừa kế.
Trẻ em là hạnh phúc mỗi gia đình, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm sóc thay thế để nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trở thành những con người phát triển hài hòa cả về thể chất và trí tuệ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Việc nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc thay thế, những cán bộ làm công tác xã hội về chăm sóc thay thế là quan trọng và cần thiết.
3. Bảo đảm quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế là gì?
Để hiểu được thế nào là bảo đảm quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế trước hết ta cần tìm hiểu khái niệm thế nào là bảo đảm. Theo từ điển Tiếng Việt “Bảo đảm” nghĩa là làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được, hoặc có đầy đủ những gì cần thiết.
Như vậy, bảo đảm quyền của trẻ em được chăm sóc thay thế là sự cam kết của nhà nước và xã hội cả về mặt pháp lý và chính sách phát triển qua đó mọi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang đều được tiếp cận với quyền được chăm sóc thay thế, được cá các nhân, gia đình, tổ chức, nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.