Tội đưa hối lộ là gì? Tội đưa hối lộ tiếng Anh là gì? Quy định pháp luật về tội đưa hối lộ? Dấu hiệu định khung tăng nặng của tội phạm? Hình phạt của tội đưa hối lộ?
Tóm tắt câu hỏi:
Chỉ mỗi Sổ hộ khẩu sao chép công Chứng có bán đc nhà k ạ
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Tội phạm tham nhũng là tội phạm mà cả thế giới đấu tranh chống lại, các loại tội phạm này ảnh hưởng, gây thiệt hại to lớn đến hệ thống quyền lực nhà nước. Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, thì tội đưa hối lộ là tội không thể thiếu. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định Tội đưa hối lộ tại Điều 364
1. Tội đưa hối lộ là gì?
Đưa hối lộ là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc các lợi ích khác để nhờ hoặc trả ơn người có chức vụ, quyền hạn làm việc có lợi cho mình.
Tội đưa hối lộ là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự đưa hoặc sẽ đưa lợi ích cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc cá nhân, tổ chức khác bằng bất kỳ hình thức nào để họ làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc lợi ích của người đưa.
Tội đưa hối lộ có các đặc điểm như: chủ thể của tội đưa hối lộ có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. Người đưa hối hộ nhận thức được về khả nằn của người có chức vụ, quyền hạn có thể giải quyết và đáp ứng được những lợi ích mà người đưa hối lộ mong muốn. Hành vi đưa hối lộ nhằm mục đích tác động đến người có chức vụ, quyền hạn để người này hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc lợi ích của người đưa hối lộ.
2. Tội đưa hối lộ tiếng Anh là gì?
Tội đưa hối lộ tiếng Anh là “Giving bribes”.
3. Quy định pháp luật về tội đưa hối lộ
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội đưa hối lộ như sau:
“Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Khách thể của tội đưa hối lộ
Khác thể của tội phạm đó chính là những quan hệ xã hội đảm bảo cho hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, qua đó có thể gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đối tượng tác động của tội đưa hối lộ là hoạt động bình thường của chủ thể của quan hệ xã hội là người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa hối lộ đã làm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, để người này làm hay không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Hành vi khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm đó chính là hành vi đã đưa hoặc sẽ đưa bất kì lợi ích gì cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa lợi ích.
Đó có thể là hành vi đưa hối lộ để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hoặc là hành vi đưa của hối lộ sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện việc làm hoặc không làm theo thỏa thuận của người đưa hối lộ. Việc đưa hối lộ có thể được thực hiện trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Hành vi đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp hoặc qua trung gian. Đưa hối lộ trực tiếp là trường hợp người phạm tội sẽ trực tiếp đưa của hối lộ cho người nhận hối lộ. Đưa hố lộ qua trung gian là trường hợp người phạm tội qua người môi giới hối hộ hoặc qua người khác đưa của hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn, có thể bằng cách đưa lợi ích cho người có chức vụ, quyền hạn thông qua việc thanh toán bằng hợp đồng, hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng,… Người phạm tội cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ trong trường hợp chưa đưa nhưng sẽ đưa của hối lộ, vì đã có sự thống nhất giữa người sẽ nhận lợi ích và người đưa về của hộ lộ, việc sẽ làm hoặc sẽ không làm phù hợp với lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Của hối lộ bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất. Lợi ích phi vật chất tuy không nhìn thấy được hoặc trị giá bằng tiền nhưng có thể đem đến sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, lợi ích phi vật chất có thể là việc khen thưởng, tuyên dương,… thậm chí có thể là việc quan hệ tình dục.
Đối tượng được đưa hối lộ có thể là người co chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác. Công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có thể là đối tượng được đưa hối lộ.
Hậu quả của tội phạm là các thiệt hại do hành vi khách quan gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm, đó chính là biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn, đây không là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Theo quy định tại Điều 364, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị coi là tội phạm khi lợi ích vật chất có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; nếu của hối lộ là lợi ích phi vật chất thì trong mọi trường hợp, hành vi đưa lợi ích phi vật chất luôn cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm chủ thể thực hiện hành vi đưa hoặc thỏa thuận sẽ nhận lợi ích vật chất có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội đưa hối lộ, chủ thể là người thỏa mãn tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định Điều 12 và không thuộc trường hợp quy định về năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự.
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ ai, có thể là người có chức vụ, quyền hạn hoặc không.
Mặt chủ quan của tội phạm
Chủ thể phạm tội đưa hối lộ có lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện vì động cơ vụ lợi hoặc tư lợi. Mục đích của tội phạm đó chính là hành vi đưa hoặc sẽ đưa là để người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hoặc để người có chức vụ, quyền hạn sẽ làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa.
4. Dấu hiệu định khung tăng nặng của tội phạm
Có tổ chức: là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoặc để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu. Đây là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Dùng thủ đoạn xảo quyệt: tức người phạm tội đưa hối lộ có những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người nhận lợi ích hoặc người khác, cơ quan nhà nước khó lường thất được để phát hiện. Những mánh khóe được coi là thủ đoạn xảo quyệt khi nó làm cho người nhận không thể từ chối hoặc nếu biết cũng khó đối phó được.
Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ, tức là trường hợp người đưa hối lộ lấy tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ cho người khác.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người có chức vụ quyền hạn đã sử dụng vị thể đang có này khi thực hiện hành vi đưa hối lộ. Chủ thể sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình đang có để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi đưa hối lộ mà nếu không có chức vụ, quyền hạn đó thì người phạm tội sẽ không có điều kiện dễ dàng thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.
Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp chủ thể có ít nhất 02 lần thực hiện hành vi phạm tội đưa hối lộ khác nhau và chưa hành vi nào bị xét xử.
5. Hình phạt của tội đưa hối lộ
Hình phạt cơ bản của tội hối lộ quy định tại Khoản 1 Điều 364 đó chính là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Hình phạt định khung tăng nặng theo quy định Khoản 2 Điều 364 là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Hình phạt định khung tăng nặng theo quy định Khoản 3 Điều 364 là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Hình phạt định khung tăng nặng theo quy định Khoản 4 Điều 364 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 7 đó chính là
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.