Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ sơ cấp đối với trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định 48/2015/NĐ-CP.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ sơ cấp đối với trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định 48/2015/NĐ-CP.
Việt Nam đã và đang trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Việc Đảng và Nhà nước đang dần định hình mô hình kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang tạo một sức hút vô cùng lớn cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư không chỉ lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông – lâm – thủy sản mà nay họ còn lựa chọn cả lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở để phục vụ cho du lịch và đặc biệt là đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam. Theo đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt (Điều 18, Khoản 1, 2, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014).
Để được cấp phép đầu tư, chủ đầu tư phải thỏa mãn ít nhất bốn điều kiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc đầu tư dự án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Điều 17, Khoản 1, Điểm a, Nghị định 48/2015/NĐ-CP). Tức là việc đầu tư, thành lập trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài phải dựa trên cơ sở của quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã được Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, chủ đầu tư phải xây dựng đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Điều 17, Khoản 1, Điểm b, Nghị định 48/2015/NĐ-CP) bao gồm các nội dung sau:
Loại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đề nghị thành lập; sự cần thiết thành lập; sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Tên gọi của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; mục tiêu đào tạo, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;
Dự kiến về bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba, việc có quỹ đất tại địa phương để giao hoặc cho nhà đầu tư thuê hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có (Điều 17, Khoản 1, Điểm c, Nghị định 48/2015/NĐ-CP) buộc các chủ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện việc đăng ký hoạt động như sau:
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Giai đoạn đầu tư tối đa là 05 năm, các cơ sở này phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất cần thiết, ổn định để triển khai đào tạo, giảng dạy và phải bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo đúng tiến độ của dự án;
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động dưới 20 năm không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận thuê trường, lớp, nhà xưởng, các diện tích phụ phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất là 05 năm.
Thứ tư, chủ đẩu tư phải có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư (Điều 17, Khoản 1, Điểm b, Nghị định 48/2015/NĐ-CP). Đôi với dự án đầu tư thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 60 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ số lượng người học quy đổi toàn phần thời gian tính tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất.
Mong rằng, sẽ có ngày càng nhiều trung tâm đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thành lập tại Việt Nam đẻ mở ra nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh, sinh viên, học viên Việt Nam.