Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc công an nhân dân, có vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện các biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì cảnh sát cơ động có được hóa trang trong quá trình tuần tra hay không?
Mục lục bài viết
1. Cảnh sát cơ động được hóa trang khi tuần tra không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Luật cảnh sát cơ động năm 2022 có đưa ra khái niệm về lực lượng cảnh sát cơ động. Theo đó, cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc bộ phận công an nhân dân Việt Nam, cảnh sát cơ động đóng vai trò quan trọng, đó là lực lượng nòng cốt thực hiện các biện pháp vũ trang, trong đó bao gồm cả sức mạnh và tinh thần và sức mạnh về thể chất trong quá trình bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội. Trên thực tế hiện nay, lực lượng cảnh sát cơ động đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, dưới sự quản lý của Chính phủ cùng với quá trình chỉ đạo và quản lý của Bộ công an.
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Thông tư 54/2022/TT-BCA, có quy định về vấn đề tuần tra và kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của lực lượng cảnh sát cơ động. Theo đó:
– Tuần tra và kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của lực lượng cảnh sát cơ động sẽ được thực hiện khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, và các hành vi vi phạm quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hoặc khi có diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội;
– Tư lệnh Cảnh sát cơ động, giám đốc công an cấp tỉnh là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định về việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của lực lượng cảnh sát cơ động;
– Thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với quá trình hóa trang của lực lượng cảnh sát cơ động bắt buộc phải có kế hoạch rõ ràng, phải có phương án tuần tra, kiểm soát đã được tư lệnh Cảnh sát cơ động và giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, khi tuần tra/kiểm soát bắt buộc phải bố trí cán bộ hóa trang (tức là mặc thường phục) để có thể nắm bắt tình hình và kịp thời phát hiện ra hành vi vi phạm, phục vụ cho quá trình đấu tranh ngăn ngừa hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến đường, địa bàn đã được phân công. Khi phát hiện ra hành vi vi phạm quy định của pháp luật, thì các lực lượng hóa trang cần phải ngay lập tức thông báo cho cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành thủ tục kiểm soát, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, lực lượng cảnh sát cơ động hoàn toàn được quyền hóa trang trong quá trình tuần tra, hay còn được gọi là tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Nhằm mục đích phục vụ cho công tác phòng chống đấu tranh tội phạm khi có yêu cầu;
– Khi có diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.
Và tư lệnh Cảnh sát cơ động, giám đốc Công an cấp tỉnh là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của lực lượng cảnh sát cơ động. Đồng thời, quá trình thực hiện hoạt động tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của lực lượng cảnh sát cơ động bắt buộc phải có kế hoạch rõ ràng, cần phải có phương án tuần tra kiểm soát đã được tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng với giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
2. Nhiệm vụ của cảnh sát cơ động trong hoạt động tuần tra, kiểm soát được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 54/2022/TT-BCA, có quy định cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Theo đó, cảnh sát cơ động trong hoạt động tuần tra, kiểm soát có các nhiệm vụ cơ bản như sau:
– Chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên, chấp hành đầy đủ kế hoạch tuần tra, phương án tuần tra, phương án kiểm soát đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Cần phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trong phạm vi địa bàn, mục tiêu, khu vực, tuyến đường mà mình cần phải có trách nhiệm kiểm soát và tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm;
– Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an nhân dân, công an địa phương trong quá trình phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến đường được phân công tuần tra và kiểm soát;
– Báo cáo kịp thời, đưa ra đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan có liên quan về các biện pháp khắc phục kịp thời đối với những sơ hở thiếu sót trong quá trình quản lý về an ninh trật tự;
– Hướng dẫn, vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về an ninh trật tự;
– Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và theo quy định của Bộ công an.
3. Thẩm quyền điều động đơn vị cảnh sát cơ động được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 54/2022/TT-BCA, có quy định về thẩm quyền điều động đơn vị cảnh sát cơ động. Theo đó, thẩm quyền điều động cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật cảnh sát cơ động năm 2022;
Đối chiếu với quy định tại Điều 20 của Luật cảnh sát cơ động năm 2022 có quy định về vấn đề điều động lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ. Theo đó:
– Bộ trưởng Bộ công an là chủ thể có thẩm quyền điều động lực lượng cảnh sát cơ động trong phạm vi toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ;
– Tư lệnh Cảnh sát cơ động là chủ thể có thẩm quyền điều động cảnh sát cơ động thực hiện một trong những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
+ Đơn vị cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, theo phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt;
+ Đơn vị cảnh sát cơ động theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể trên thực tế;
+ Đơn vị cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời cần phải báo cáo lên bộ trưởng Bộ công an.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh là chủ thể có thẩm quyền điều động đơn vị lực lượng cảnh sát cơ động thuộc quyền quản lí của mình thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình;
+ Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời cần phải báo cáo lên bộ trưởng Bộ công an.
– Chỉ huy đơn vị lực lượng cảnh sát cơ động, sử dụng đơn vị thuộc quyền quản lý của mình để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều động đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình tham gia vào quá trình phòng chống thảm họa, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, đồng thời báo cáo lên chỉ huy cấp trên;
– Việc điều động lực lượng cảnh sát cơ động trong tình trạng chiến tranh, thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp, giới nghiêm sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, những cơ quan có thẩm quyền điều động đơn vị cảnh sát cơ động bao gồm:
– Bộ trưởng Bộ công an;
– Tư lệnh Cảnh sát cơ động;
– Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 54/2022/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động;
– Luật Cảnh sát cơ động 2022.
THAM KHẢO THÊM: