Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những lực lượng vũ trang nhân dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có vai trò vô cùng quan trọng. Vậy cảnh sát biển là gì? Vị trí, chức năng của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào? Cung Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
- 1 1. Cảnh sát biển là gì?
- 2 2. Lịch sử hình thành của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam:
- 3 3. Vị trí, chức năng của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam:
- 3.1 3.1. Vị trí, chức năng:
- 3.2 3.2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam:
- 3.3 3.3. Nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam:
- 3.4 3.5. Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam:
- 3.5 3.6. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát biển Việt Nam:
- 3.6 3.7. Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam:
1. Cảnh sát biển là gì?
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo Điều 3 Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ
Cảnh sát biển Việt Nam tên tiếng Anh là: “Vietnam Coast Guard” hay viết tắt là “VCG”.
2. Lịch sử hình thành của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam:
– Trước năm 1998, chính quyền Việt Nam không có một cơ quan Cảnh sát biển chuyên dụng nào mà chỉ có lực lượng hải quân tuần tra ngoài khơi cùng các hoạt động quân sự khác. Ngoài ra là các đội tàu tuần tra thuộc Bộ Tư lệnh Biên Phòng, trong đó có các trạm kiểm soát ở cửa sông, cảng biển. Còn lại, tất cả trách nhiệm tuần tra sông thuộc về Cảnh sát Giao thông đường thủy (Cục Cảnh sát giao thông đường thủy – C68) dưới sự chỉ đạo của Công an các tỉnh và thành phố.
– Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập Ngày 28 tháng 8 năm 1998, đánh dấu sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc mới thành lập thì Cục cảnh sát biển chỉ là một Cục chức năng và không chỉ huy các Vùng cảnh sát biển được thành lập sau đó. Ngày 28 tháng 8 cũng được chọn làm ngày kỷ niệm Cục cảnh sát Biển Việt Nam
– Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng và đồng thời các Vùng cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Cục.
– Năm 2013, Cục cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển theo Nghị định số 96/2013/NĐ-CP, ngày 27 tháng 08 năm 2013 của Chính Phủ, Có con dấu hình quốc huy, là cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định. Ngày 10 tháng 9 năm 2014, các Vùng cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng.
– Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quy định cụ thể những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
Phạm vi hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong phạm vi:
– Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
– Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Vị trí, chức năng của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam:
3.1. Vị trí, chức năng:
– Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam.
– Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng sau:
+ Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển;
+ Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;
+ Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
3.2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam:
Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc sau:
– Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.
– Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
– Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.
– Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
3.3. Nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam:
Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, theo đó cảnh sát biển Việt Nam có những nhiệm vụ sau đây:
“Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
2. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
3. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
4. Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.
5. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.”
3.5. Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam:
Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật cảnh sát biển Việt Nam, theo đó, cảnh sát biển Việt Nam có các quyền hạn sau đây:
“1. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của Luật này.
3. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
6. Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
7. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
8. Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
9. Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
10. Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 của Luật này.”
3.6. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát biển Việt Nam:
Cảnh sát biển Việt Nam nghiêm cấm có những hành vi sau đây:
– Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
– Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn.
– Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam.
– Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.
– Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
3.7. Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam:
Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm sau đây:
– Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên.
– Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.
– Cảnh giác, giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác; thực hiện nghiêm biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam.
– Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
– Thường xuyên học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định, hành vi của mình khi thực hiện nhiệm vụ.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết
– Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018.