Sau khi ra nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam đã từng bước chuyển mình nhằm đưa nền kinh tế quốc gia phát triển đi lên cùng thế giới. Một trong những điểm mạnh của kinh tế Việt Nam là kinh tế biển với hệ thống cảng trải dọc suốt chiều dài đất nước.
Mục lục bài viết
1. Cảng quốc tế là gì?
Cảng biển là cảng nằm ở bờ biển có các trang thiết bị phục vụ cho việc bốc dỡ hàng hóa hoặc nơi đón hoặc đưa hành khách đi lại bằng đường thủy. Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.
Cảng biển bao gồm các cầu tàu ở một khu nước có độ sâu và rộng nhất định phục vụ cho tàu neo đậu hoặc cập bờ. Các cảng biển thường là cảng nước sâu phục vụ tàu vận tải lớn với tải trọng cao. Theo đối tượng hàng hóa phục vụ, cảng hàng hóa có thể được chia thành nhiều loại cảng chuyên dụng như cảng hàng rời, cảng công ten nơ, cảng nhiên liệu.
Các dịch vụ và thủ tục ở cảng gồm: dịch vụ bốc dỡ, dịch vụ bến bãi và kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ vận chuyển trong cảng và bên ngoài cảng, thủ tục thông quan.
Cảng biển quốc tế là cảng biển phục vụ cho nhu cầu vận tải đường thủy trong nước và quốc tế. Các cảng biển quốc tế lớn của Việt Nam như: Cảng Hải Phòng, cảng Vũng tàu, cảng Vân Phong, cảng Quy Nhơn, cảng Sài Gòn…
Cảng quốc tế trong tiếng Anh được hiểu là International port.
Vùng đất cảng là vùng đất được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, các công trình phụ trợ khác và lắp đặt trang thiết bị.
Vùng nước cảng là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vũng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch; vùng để xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.
2. Tầm quan trọng của cảng quốc tế với phát triển kinh tế:
Cảng biển có vai trò hết sức quan trọng – động lực phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung. Đây là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, đầu mối chuyển đổi phương thức vận tải đường biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Là quốc gia ven biển, nước ta có gần 1/2 số tỉnh, thành phố có biển, với tổng chiều dài bờ biển trên 3.260 km chạy dọc theo chiều dài đất nước; có vùng biển rộng với nhiều bán đảo, vũng, vịnh sâu, kín gió, án ngữ tuyến đường hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ các hải cảng ven biển Việt Nam trên Biển Đông qua eo biển Malacca thông ra Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi,… qua eo biển Bashi đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, châu Mỹ.
2.1. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế:
Lịch sử của ngành đường biển thế giới cho thấy kinh tế biển luôn được coi là ngành mũi nhọn, trong đó vai trò chủ đạo là cảng biển. Nơi nào có cảng biển, nơi đó sẽ là thành phố với kinh tế, công nghiệp và giao thương phát triển. Cảng biển phồn vinh, kinh tế biển càng mạnh. Trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định, thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, hướng mạnh sự phát triển ra biển đảo, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác biển (kể cả những quốc gia không có biển). Các nhà nghiên cứu biển cũng đã khẳng định kinh tế cảng giữ vai trò chủ đạo. Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của nước ta trong thời gian tới, phát triển công nghiệp được xác định đóng vai trò then chốt, trong đó phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đóng vai trò then chốt, trong đó phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đóng vai trò hết sức quan trọng. Các khu công nghiệp trước hết tác động đến đầu, đến sản xuất công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, làm tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc GDP, mặt khác bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn. Đây là lợi ích lâu dài và cơ bản đối với một nước đang phát triển như nước ta.
Như chúng ta đã biết cảng biển là ngành sản xuất vật chất đặc biệt, mang tính phục vụ tạo điều kiện cho các ngành kinh tế phát triển. Cảng biển là yếu tố động lực, tạo thị trường, là đầu nối kinh tế giữa các nước, kích thích thị trường phát triển, chủ động lôi cuốn hấp dẫn các nhà đầu tư, các thương gia, các nhà sản xuất đến hoạt động kinh doanh.
Trên phạm vi thế giới, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập khu vực đang trở thành một xu thế của thời đại. Bất kỳ nền kinh tế nào, nếu không vận hành theo xu thế này thì chắc chắn sớm muộn cũng bị đào thải khỏi sự phát triển. Trong các con đường vận chuyển trao đổi hàng hóa bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển có thể nói đường biển đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu vận chuyển bởi nó góp phần phát triển giao thông nối liền với nhiều quốc gia nhất và có chi phí thấp nhất nhưng lại có thể đáp ứng khối lượng vận tải lớn nhất. Chính vì thế trong nhiều năm qua các nước trên thế giới có khả năng phát triển đường biển họ đều tập trung phát triển mạnh hệ thống đường biển.
2.2. Đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Cơ cấu kinh tế là tiêu thức phản ánh sự thay đổi về chất, là dấu hiệu đánh giá, so sánh các giai đoạn phát triển nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau như: cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu khu vực thể chế,…. Trong đó, cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất vì nó phản án sự phát triển của phân công lao động xã hội và sự phát triển của lực lượng sản xuất. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành chính là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.
Cơ cấu ngành kinh tế là sự tương quan giữa các ngành trong tổng thể kinh tế, thể hiện mối quan hệ hữu cơ và sự tương tác qua lại cả về số và chất lượng giữa các ngành với nhau.
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là quá trình thay đổi của cơ cấu ngành từ trạng thái này sang trạng thái khác ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với môi trường và điều kiện phát triển.
Việc phát triển hệ thống cảng sẽ thúc đẩy quá trình xuất khẩu, phát triển ngoại thương và các hoạt động dịch vụ hậu cần cảng khác. Một trong những điều kiện cơ bản để một cảng hay một khu cảng hoạt động là phải gần một nơi phát sinh nguồn hàng hay gần những khu vực thu hút hàng hóa từ đó cảng biển mới phát huy được vai trò là cầu nói tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác cảng biển phát triển là điều kiện thúc đẩy hình thành nên khu công nghiệp, khu chế xuất và kèm theo đó là các trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ hàng hải, …được hình thành và phát triển xung quanh hệ thống cảng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo và phát triển kinh tế biển, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược quy hoạch, xây dựng, phát triển cảng biển, như: Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg, ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2010, Quyết định số 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,… và triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhờ đó, hiện nay, hệ thống cảng biển nước ta được quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện cả về quy mô, số lượng, chiều dài cầu cảng, công suất, trọng tải và độ hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, vận tải hàng hóa đường biển cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển, khai thác dịch vụ cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; hệ thống cảng biển còn phân tán, manh mún; cơ sở hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp phát triển chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển; công nghệ, phương tiện, máy móc còn lạc hậu; chất lượng dịch vụ hải quan còn hạn chế, chi phí thông quan cao; đầu tư dàn trải, cơ cấu chưa hợp lý, thừa cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, cảng nước sâu; tốc độ hiện đại hóa chậm, chưa đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải trung bình và lớn của thế giới, v.v.
3. Cách khắc phục, nâng cao hệ thống cảng biển:
Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện của hệ thống cảng biển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải: “Trọng tâm là khai thác các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng chiếm lĩnh thị phần quốc tế”.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, nhất là lực lượng Hải quan, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế địa phương, nhằm nâng cao năng lực toàn diện hệ thống cảng biển, góp phần phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn”.
Kết luận: Cảng biển phát triển đã thúc đẩy thương mại các quốc gia, ngày càng trở lên có hiệu quả. Phát triển cảng biển thúc đẩy quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp. Cảng biển là các công trình không trực tiếp tham gia vào một hoạt động kin doanh cụ thể nào mà chỉ có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra thuận lợi, từ đó thúc đẩy tăng trường kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.