Đăng ký sáng chế như thế nào để được bảo hộ thành công? Những lưu ý nào trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ để được bảo hộ sáng chế theo đúng quy định của pháp luật?
Mục lục bài viết
1. Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế là gì?
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022). Một sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng được ba điều kiện là có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp được quy định tại Điều 58 của Luật này.
Cũng giống như nhãn hiệu hoặc các sản phẩm sáng tạo khác, sáng chế đóng vai trò quan trọng và là quyền cần được đăng ký bảo hộ để đảm bảo quyền lợi, quyền sở hữu hợp pháp. Quyền đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, để được hưởng quyền đối với sáng chế, chủ sở hữu cần phải làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ và nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ để được các chuyên viên tại Cục xem xét, thẩm định và bảo vệ. Đơn đăng ký sáng chế hay còn gọi là tờ khai đăng ký sáng chế được ban hành kèm phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Cần phải làm gì trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế?
Hiện nay số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ rất nhiều và con số này ngày càng tăng dần qua các năm. Mặt khác, cũng có một số lượng lớn các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ bị từ chối do không đảm bảo được các tiêu chuẩn về mặt hình thức của đơn hoặc chưa đáp ứng được điều kiện về mặt nội dung theo quy định của pháp luật để Cục Sở hữu trí tuệ có thể cấp Văn bằng bảo hộ sáng chế. Do đó, trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế tịa Cục Sở hữu trí tuệ, cần phải lưu ý và thực hiện theo các hướng dẫn sau đây để tăng tỷ lệ bảo hộ thành công khi đăng ký sáng chế:
Trước hết, cần đánh giá khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích dựa trên các yếu tố sau:
– Xác định đối tượng đăng ký có phải là giải pháp kỹ thuật hay không để tiến hành yêu cầu bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế theo Khoản 1 Điều 58 hay độc quyền giải pháp hữu ích theo Khoản 2 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
– Cần xác định và đánh giá đối tượng dự định đăng ký không thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ theo quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022). Điều này nhằm tránh việc khi nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ bị từ chối hoặc trả lại do rơi vào các trường hợp không được bảo hộ, làm mất thời gian và tiền bạc khi làm và nộp hồ sơ.
– Sau khi đã đáp ứng các quy định của pháp luật về sáng chế và điều kiện bảo hộ đối với sáng chế, chủ sở hữu hoặc tác giả của sáng chế cần tiến hành đánh giá sáng chế được yêu cầu bảo hộ thỏa mãn các điều kiện bảo hộ sáng chế theo quy định pháp luật gồm kiểm tra, đánh giá về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.
Tiếp theo, đối với đặc tính có tính mới, trình độ sáng tạo của sáng chế hoặc có khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế, để có thể đánh giá được đặc tính này một cách tốt nhất, chủ sở hữu hoặc tác giả của sáng chế cần lưu ý và thực hiện các cách sau đây:
– Cần hiểu rõ được quy định của pháp luật liên quan đến yêu cầu, điều kiện đối với các đặc tính này của sáng chế. Pháp luật về Sở hữu trí tuệ quy định rất rõ về đặc tính có tính mới tại Điều 60, quy định về trình độ sáng tạo tại Điều 61 và quy định về đặc tính có khả năng áp dụng công nghiệp tại Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
– Tiến hành tra cứu mọi nguồn thông tin sáng chế để tìm ra sáng chế có bản chất kỹ thuật gần nhất với đối tượng dự định đăng ký bảo hộ và so sánh với giải pháp kỹ thuật của mình. Có thể tự tra cứu hoặc sử dụng dịch vụ của Cục sở hữu trí tuệ để tra cứu thông tin về sáng chế từ: Công báo sở hữu công nghiệp do Cục sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng; Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được lưu giữ tại cục sở hữu trí tuệ; Bản mô tả sáng chế của các quốc gia thu nhập và được lưu giữ tại trung tâm thông tin thuộc Cục sở hữu trí tuệ.
Cuối cùng, sau khi đáp ứng được các tiêu chí trên, cần tiến hành phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng khả năng đem lại lợi ích thật sự của bằng độc quyền thông qua các khía cạnh sau:
– Đối tượng dự định đăng ký sáng chế có tiềm năng thương mại hay không? Cần đánh giá, nhận định giá trị kinh tế mà nó mang lại, khả năng áp dụng trong kinh doanh.
– Việc áp dụng đối tượng dự định đăng ký trong thực tế có khả thi hay không? Hay là khả năng áp dụng, thực hiện trong sản xuất, kinh doanh.
– Khả năng mang lại lợi ích cho chủ sở hữu hay tác giả của sáng chế dự định đăng ký, đặc biệt là lợi ích về kinh tế hay không?
3. Thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế:
Sau khi đã đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với sáng chế, chủ sở hữu hoặc tác giả của sáng chế cần nhanh chóng tiến hành thực hiện các thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế để được đảm bảo quyền lợi, quyền sở hữu hợp pháp thông qua các bước như sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn ).
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
+ Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;
+ Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022;
Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ.