Hiện nay nước ta đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích. Vậy câu hỏi đặt: Căn cứ xác định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về dịch vụ công ích:
Khái niệm dịch vụ công được sử dụng phổ biến rộng rãi ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Dịch vụ công theo từ điển tiếng Anh là “public service”. Trên thế giới hiện nay có nhiều cách tiếp cận đối với dịch vụ công, mỗi cách tiếp cận đều có ưu và nhược điểm riêng, vì thế không có định nghĩa chung nhất nào về dịch vụ công. Trong bối cảnh thực tiễn Việt Nam cùng với hướng tiếp cận về bản chất, chức năng và vai trò của nhà nước, có thể đưa ra khái niệm về dịch vụ công như sau: Dịch vụ công là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân và cộng đồng, bảo đảm ổn định và công bằng xã hội do nhà nước chịu trách nhiệm, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo một số nhà nghiên cứu thì, dịch vụ công là những hoạt động của các tổ chức nhà nước hoặc của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tư nhân được nhà nước ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ do pháp luật quy định, phục vụ trực tiếp những nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, công dân; theo nguyên tắc không vụ lợi; đảm bảo sự công bằng và ổn định xã hội; và cho rằng dịch vụ công bao gồm dịch vụ sự nghiệp công (hoặc phúc lợi công), dịch vụ công ích và dịch vụ hành chính công, đồng thời nhấn mạnh là không được lẫn lộn với hoạt động công vụ là hoạt động hàng ngày của bộ máy công quyền.
Từ những khái niệm trên, có thể khái quát lại: Dịch vụ công ích là những hoạt động phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, do nhà nước trực tiếp cung ứng hoặc ủy quyền cho các chủ thể khác cung ứng nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội.
2. Căn cứ xác định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích:
Theo Điều 3 của Thông tư 17/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện, có ghi nhận về căn cứ xác định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích, cụ thể như sau:
– Chi phí tiền lương và chi phí nhân công trong giá dịch vụ công sẽ được xác định dựa theo một số căn cứ nhất định, có thể căn cứ vào định mức lao động thuộc định mức kinh tế kĩ thuật và định mức nhân công, định mức chi phí do chủ thể có thẩm quyền đó là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, tiền lương và các chi phí khác của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, lao động nghiệp vụ, phục vụ và lao động quản lý doanh nghiệp tham gia thực hiện các dịch vụ công;
– Tiền lương của lao động trong quá trình trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, phục vụ được xác định dựa trên cơ sở hệ số lương theo cấp bậc phù hợp với quy định của pháp luật và hệ số phụ cấp tiền lương của người lao động thực hiện theo các sản phẩm dịch vụ công, nhân với mức lương cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng trên phạm vi cả nước, mức lương cơ sở hiện nay được xác định là 1.800.000 đồng;
– Tiền lương lao động trong quá trình quản lý doanh nghiệp bao gồm các chủ thể như chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, các thành viên làm việc trong hội đồng quản trị và các thành viên trong hội đồng thành viên, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, các chủ thể nắm giữ chức vụ là tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng … sẽ được xác định dựa trên mức lương cơ bản theo hạng tổng của công ty;
– Một số chi phí khác tính trong chi phí tiền lương và chi phí nhân công bao gồm chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí bảo hiểm thất nghiệp, chi phí bảo hiểm y tế và các loại kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của những người sử dụng lao động sẽ được xác định theo quy định của pháp luật hiện nay, bên cạnh đó đối với những chi phí tăng ca và các chế độ khác của từng loại lao động cũng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.
3. Quy định về trách nhiệm trong việc xác định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích:
Theo Điều 8 của Thông tư 17/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện, có ghi nhận về trách nhiệm của các chủ thể trong việc quản lí chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trách nhiệm của các Bộ ban ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:
– Có trách nhiệm trong việc sửa đổi và bổ sung một số thông tin phù hợp, rà soát căn cứ và ban hành định mức lao động sao cho phù hợp với thực tế, từ đó làm cơ sở cho việc xác định chi phí tiền lương và chi phí nhân công trong đơn giá sản phẩm các dịch vụ công;
– Có trách nhiệm trong việc quy định và hướng dẫn việc xác định cụ thể chi phí tiền lương và chi phí nhân công đối với từng sản phẩm dịch vụ công cụ thể theođúng quy định của pháp luật;
– Có trách nhiệm trong việc tiếp nhận báo cáo của các đơn vị thực hiện sản phẩm dịch vụ công, tiến hành hoạt động đánh giá tình hình thực tế chi phí tiền lương và chi phí nhân công trong giá dịch vụ công đã ký kết hợp đồng, tiến hành hoạt động tổng kết và báo cáo theo quy định của pháp luật gửi về cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ Lao động thương binh và xã hội trước giai đoạn ngày 31 tháng 3 hàng năm.
Thứ hai, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện sản phẩm dịch vụ công:
– Các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm căn cứ vào Thông tư 17/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, và theo hướng dẫn của các Bộ ban ngành cùng với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với từng sản phẩm dịch vụ công cụ thể để từ đó có thể tính toán và xác định chi phí tiền lương, xác định chi phí nhân công trong giá dịch vụ công, làm cơ sở cho việc đấu thầu và báo cáo lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Có trách nhiệm trong việc xác định tiền lương được hưởng 38 ứng tiền lương theo chất lượng và tiến độ thực hiện các sản phẩm dịch vụ công của các chủ thể, có trách nhiệm trong việc chi trả đầy đủ các khoản tiền lương cho người lao động theo quy chế trả lương của doanh nghiệp đã đưa ra;
– Đánh giá tình hình thực tế chi phí tiền lương và chi phí nhân công trong giá dịch vụ công theo hợp đồng hoặc theo quyết định đặt hàng của năm trước liền kề, tiến hành hoạt động báo cáo lên các Bộ ban ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trước giai đoạn ngày 31 tháng 1 hằng năm.
4. Công thức tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ công ích:
Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ tính trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định theo công thức sau:
Vlđ | = | Tlđ x | MLth + (CĐ ăn ca + CĐ khác )
26 ngày | (1) |
Trong đó, có thể thấy:
– Vlđ được xác định là tiền lương của từng loại lao động tính trong giá dịch vụ công;
– Tlđ là tổng số ngày công định mức lao động của từng loại lao động để thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Căn cứ khối lượng, yêu cầu công việc của sản phẩm, dịch vụ công và hệ thống định mức lao động do chủ thể có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để xác định hao phí lao động tổng hợp cho sản phẩm, dịch vụ công và được quy đổi ra ngày công;
– MLth là mức lương theo tháng của từng loại lao động tính trong giá dịch vụ công
Bên cạnh đó, tiền lương của lao động quản lý doanh nghiệp tính trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định theo công thức sau:
Vql | = | T ql x | TLcb + CĐ ăn ca + CĐ khác
26 ngày | (2) |
Trong đó, có thể thấy:
– Vql là tiền lương của lao động quản lý doanh nghiệp tính trong giá dịch vụ công. Đối với sản phẩm, dịch vụ công đang trích lập dự toán theo hướng dẫn của chủ thể có thẩm quyền là Bộ Xây dựng thì tiền lương của lao động quản lý doanh nghiệp được tính trong chi phí chung;
– Tql là tổng số ngày công định mức lao động của lao động quản lý doanh nghiệp do chủ thể có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công;
– TLcb là mức lương cơ bản bình quân theo tháng của lao động quản lý doanh nghiệp do chủ thể có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá mức lương cơ bản mà pháp luật quy định;
– CĐ ăn ca là tiền ăn giữa ca của lao động quản lý doanh nghiệp theo quy định hiện hành;
– CĐ khác là các chế độ khác của lao động quản lý doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 17/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện.