Căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi: A đi uống cà phê cùng 1 vài người bạn, trong lúc ngồi tại bàn thì có nhân viên trong quán nhặt được chìa khóa xe hỏi có phải của A không, A bảo cứ để trên bàn đó đi, A chờ xem có người bạn nào của mình nhận chìa khóa đó không, nhưng không ai nhận rồi ra về, A về sau lấy chìa khóa đi ra cổng đưa bảo vệ và nói bảo vệ lấy xe cho mình, A chạy xe về và giữ nguyên hiện trang để sử dụng. Vài ngày sau B – chủ xe phát hiện và báo công an. Vậy A phạm tội gì, em xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
2. Nội dung tư vấn:
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 144/2016/QH13, lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015, nay vẫn áp dụng Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
Trong trường hợp này, khi không ai nhận chiếc chìa khóa xe đó, A cũng đã không trả lại và dùng chiếc chìa khóa đó để lấy xe và mang xe về sử dụng. Như vậy, hành vi của A đã cấu thành tội chiếm giữ tài sản trái phép theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999:
"1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm."
– Về mặt khách quan: Trước hết, người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được). Không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm. Yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm, do người phạm tội tìm được hoặc bắt được là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
– Về mặt chủ quan: Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội chiếm giữ trái phép tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Sau khi mang xe về, A cũng đã có hành vi sử dụng xe, tuy nhiên hành vi này lại không cấu thành tội Sử dụng tài sản trái phép bởi đặc trưng cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản là người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích do tài sản đem lại chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản, sau khi đã khai thác lợi ích của tài sản, người phạm tội sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu.