Các yếu tố cấu thành tội phạm có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau, mỗi yếu tố biểu hiện một nội dung cụ thể và tổng hợp bốn yếu tố cấu thành tội phạm phản ánh mối liên hệ quan hệ tâm lý, thái độ bên trong của một người với hành vi do chính họ thực hiện.
Mục lục bài viết
1. Căn cứ pháp lý của việc định tội danh:
Dưới góc độ khoa học luật hình sự những căn cứ pháp lý của việc định tội danh có thể được hiểu trên hai bình diện (hoặc theo hai nghĩa) rộng và hẹp dưới đây.
(1) Trên bình diện rộng (hiểu theo nghĩa cả về nội dung và hình thức), thì những căn cứ pháp lý của việc định tội danh là hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp), cũng như hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý bổ trợ (gián tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã được thực hiện là tội phạm.
(2) Trên bình diện hẹp (chỉ hiểu theo nghĩa về nội dung), thì những căn cứ pháp lý của việc định tội danh là chỉ có hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội phạm.
Ngoài việc áp dụng điều luật quy định tội phạm cụ thể, thực tiễn vụ án có sự đa dạng về nhiều vấn đề khác mà đòi hỏi khi định tội danh cần căn cứ vào các điều luật trong phần chung Bộ luật hình sự như: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, đồng phạm, tái phạm nguy hiểm, ... mới xác định tội danh chính xác.
Từ đó có thể thấy Bộ luật hình sự – cơ sở pháp lý trực tiếp của việc định tội danh. Như vậy trong quá trình định tội danh nếu hiểu theo nghĩa hẹp (chỉ về nội dung) thì BLHS có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất, vì nó đóng vai trò là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp) của việc định tội danh.
GS.TS Võ Khánh Vinh đã nhận định: “Suy cho cùng thì quá trình định tội danh phải đưa ra kết luận; viện dẫn điều nào trong Bộ luật hình sự” .
Theo GS. TSKH Lê Văn Cảm thì việc khẳng định “Bộ luật hình sự – cơ sở pháp lý trực tiếp của việc định tội danh” có những lý do đúng đắn như sau:
(1) Hiện nay theo pháp luật hình sự Việt Nam, thì BLHS hiện hành được coi là nguồn trực tiếp và duy nhất ghi nhận toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự được áp dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung, cũng như quá trình định tội danh và quyết định hình phạt nói riêng.
(2) Bản chất của việc định tội danh suy cho cùng là so sánh, đối chiếu và kiểm tra để xác định xem các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trong thực tế khách quan có phù hợp với các dấu hiệu tương ứng của một tội phạm cụ thể nào đó được quy định trong phần các tội phạm BLHS hay không.
(3) Nhà làm luật khi xây dựng hệ thống các quy phạm của Phần các tội phạm của BLHS – trong quá trình tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội – đã tìm xem các dấu hiệu nào là đặc trưng cơ bản nhất, phổ biến nhất và hay được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong những hành vi ấy, sau đó điển hình hóa và quy định chúng trong BLHS với tính chất là các dấu hiệu bắt buộc tương ứng của các cấu thành tội phạm cụ thể (cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng hoặc cấu thành tội phạm giảm nhẹ) để các cơ quan tư pháp hình sự dùng làm mô hình pháp lý của việc định tội danh.
(4) BLHS quy định và liệt kê tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội thường xảy ra trong thực tế bị nhà làm luật nhân danh nhà nước coi là tội phạm. Nói một cách khác, BLHS với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất của việc định tội danh chứa đựng những mẫu (mô hình) pháp lý của các tội phạm, mà dựa vào đó những người có thẩm quyền tiến hành việc định tội danh xác định sự phù hợp của các dấu hiệu của những hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể tương ứng được thực hiện.
(5) BLHS bao gồm hệ thống các nhóm quy phạm pháp luật được nhà làm luật sắp xếp thành hai Phần – Phần chung và phần các tội phạm, – mà những người có thẩm quyền tiến hành việc định tội danh đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trong thực tế khách quan phải đồng thời dựa vào cả hai nhóm quy phạm pháp luật hình sự này.
(6) Đối với các quy phạm pháp luật hình sự, thì về cơ bản phần giả định được đề cập trong Phần chung BLHS, còn phần quy định và phần chế tài – trong Phần các tội phạm.
(7) Xét về mặt cấu trúc, thì mặc dù các quy phạm pháp luật hình sự khi mô tả các dấu hiệu của mỗi tội phạm trong Phần các tội phạm BLHS năm 2015 về cơ bản là đều theo một quy định chung – mỗi điều luật đều đề cập đến một mô hình tội phạm, nhưng cũng có những trường hợp một điều luật đề cập đến nhiều (hai hoặc thậm chí bay mô hình tội phạm với một chế tài chung. Ngoài ra, cấu trúc của quy phạm pháp luật hình sự còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc định tội danh khi nó xác định vị trí và vai trò của tình tiết tăng nặng (hoặc giảm nhẹ) nào đó trong một cấu thành tội phạm cụ thể.
2. Căn cứ khoa học của việc định tội danh:
Hầu hết các quan điểm nghiên cứu hiện nay đều thống nhất cho rằng: cấu thành tội phạm chính là căn cứ khoa học của việc định tội danh. Hiện tại trong khoa học luật hình sự khái niệm cấu thành tội phạm vẫn còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau Trong khoa học luật hình sự Việt Nam, về cơ bản, quan điểm được thừa nhận rộng rãi về khái niệm của cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong pháp luật hình sự.
Trên cơ sở phân tích khoa học lý luận về cấu thành tội phạm và nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự về định tội danh, theo quan điểm của tác giả, có thể đưa ra định nghĩa khoa học ngắn gọn của khái niệm cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý khách quan và chủ quan) do luật hình sự quy định thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm, tức là căn cứ vào các dấu hiệu đó một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Nói cách khác, một cấu thành tội phạm cụ thể là tổng hợp các dấu hiệu khách quan và chủ quan bắt buộc, mà bằng các dấu hiệu đó, nhà làm luật quy định tại quy phạm của Phần các tội phạm BLHS tính chất tội phạm và tính chất bị xử phạt (hay còn gọi là tính chất bị xử lý về hình sự) của hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng bị luật hình sự cấm, đồng thời chỉ ra loại hình phạt nào và trong giới hạn nào nó có thể được Tòa án áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm ấy.
Việc nghiên cứu những vấn đề về cấu thành tội phạm, chính vì thế, có ý nghĩa pháp lý hình sự rất quan trọng đối với quá trình định tội danh, về định tội danh chính xác tức là xác định đúng sự phù hợp giữa các dấu hiệu của một hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định nào đó được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng – các dấu hiệu được quy định tại một quy phạm pháp luật hình sự cụ thể của phần các tội phạm trong BLHS.
Từ khái niệm cấu thành tội phạm đã được đưa ra trên đây cho thấy, bất kỳ cấu thành tội phạm cũng phải có các đặc điểm cần và đủ như sau:
Một là, cấu thành tội phạm là một hệ thống các dấu hiệu pháp lý khách quan và chủ quan có tính chất bắt buộc;
Hai là, các dấu hiệu pháp lý này của cấu thành tội phạm nhất thiết phải được quy định trong pháp luật hình sự thực định;
Ba là, chỉ có trên cơ sở tổng hợp đầy đủ các dấu hiệu pháp lý này của cấu thành tội phạm thì mới có căn cứ để khẳng định một hành vi nguy hiểm cho xã hội nào đó bị luật hình sự cấm và đã được thực hiện trong thực tế chính là một tội phạm;
Và cuối cùng, cấu thành tội phạm chính là mô hình pháp lý của tội phạm.
Yếu tố của cấu thành tội phạm có thể được định nghĩa là bộ phận hợp thành của cấu trúc trong cấu thành ấy và bao gồm một nhóm các dấu hiệu tương ứng với các phương diện (các mặt) của hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm (tức là hành vi bị nhà làm luật coi là tội phạm). Quan điểm truyền thống được thừa nhận chung trong khoa học luật hình sự là: cấu thành tội phạm có bốn yếu tố – khách thể (1), mặt khách quan (2), chủ thể (3) và mặt chủ quan (4) của tội phạm. Để nhận thấy rõ bản chất của mỗi yếu tố cấu thành tội phạm, dưới đây chúng ta cần phải đưa ra định nghĩa khoa học về khái niệm của từng yếu tố như sau:
– Khách thể của tội phạm – đó là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm, nhưng bị tội phạm xâm hại đến và gây nên (hoặc có thể gây nên) thiệt hại đáng kể nhất định.
– Mặt khách quan của tội phạm – đó là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan.
– Chủ thể của tội phạm – đó là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo luật định (ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể còn là có một số dấu hiệu bổ sung đặc biệt do quy phạm pháp luật hình sự tương ứng quy định).
– Mặt chủ quan của tội phạm – đó là mặt bên trong của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là thái độ tâm lý của chủ thể được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vị đó (lỗi).
Với bốn yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên, chúng có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau, mỗi yếu tố cấu thành tội phạm đều biểu hiện một nội dung cụ thể và tổng hợp bốn yếu tố cấu thành tội phạm phản ánh mối liên hệ quan hệ tâm lý, thái độ bên trong của một người với hành vi do chính họ thực hiện ra bên ngoài thế giới khách quan gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội.